Anh K và chị H kết hôn năm 2000. Năm 2012, do tai nạn giao thông, chị H bị thương nặng, chấn thương sọ não, liệt nửa người, tinh thần không còn minh mẫn, tỉnh táo. Chị H bị thương như vậy nhưng anh K không chăm sóc mà thường xuyên đánh đập, chửi bới chị H, nói chị là đồ ăn hại; hành vi đánh đập, chửi bới thường xuyên của anh K đã làm cho chị H bị rơi vào trạng thái tinh thần trầm cảm. Thấy con gái bị như vậy, bà Q, mẹ chị H thường xuyên sang nhà chăm sóc cho chị; thời gian dài trôi qua nhưng anh K không hề thay đổi, thương con gái có chồng nhưng không được chăm sóc mà thường xuyên bị đánh đập, là nạn nhân của bạo lực gia đình, bà Q đã làm đơn ra Toà án nhân dân đề nghị giải quyết ly hôn cho chị H và anh K. Thấy bà Q làm đơn, anh K không đồng ý, anh không muốn ly hôn vì chị H vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh lý của mình nên đã chửi bới bà Q, nói rằng bà Q không có quyền đề nghị Toà án giải quyết ly hôn cho chị H, mà chỉ có chị H và mình mới có quyền đề nghị ly hôn.
Hỏi: Bà Q có quyền đề nghị Toà án giải quyết ly hôn cho chị H và anh K không?
Trả lời:
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.
Theo quy định trên, chị H do ảnh hưởng của tai nạn giao thông, liệt nửa người, không tự mình làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng gây ra, do đó, bà Q là mẹ của chị H có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho chị H.
Đang Online: 46
Tổng lượng truy cập: