Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các cấp, các ngành huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào.
Ông Giàng A Chềnh (thứ 3 từ trái sang) nói tiếng Mông tuyên truyền pháp luật cho bà con.
Ông Giàng A Chềnh, dân tộc Mông ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) cho biết: được người dân bầu làm Người có uy tín ở thôn. Theo ông làm cái gì thì đầu phải luôn biết nghĩ, miệng phải biết nói, cái chân phải biết đi, tay phải làm thì mới kéo phong trào đi lên được. Người miền núi, mộc mạc, giản dị nhưng ẩn chứa nhiều ân tình lắm. Cả thôn có 65 hộ, thì 49 hộ là đồng bào dân tộc Mông, 15 hộ đồng bào dân tộc Dao, 1 hộ dân tộc Tày. Là một địa bàn hẻo lãnh, địa hình phức tạp, vấn đề an ninh rất nhạy cảm; ông chọn cách tuyên truyền bằng tiếng Mông để bà con biết về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; đến nay thôn Tiên Tốc không có tệ nạn trộm cắp, hay nghiện hút. Ông có cách vận động quần chúng hết sức thuyết phục, các cụ dạy danh chính, ngôn mới thuận; mình là người chính danh thì lời nói mới trôi chảy, dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm theo. Bà con ở Tiên Tốc đã nghe ông nói và đã làm theo những việc ông làm. Thực tiễn, ông vận động bà con không tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; hiến đất làm đường bê tông nông thôn, ông gương mẫu làm trước, bà con trong bản tiếp bước theo sau. Vận động bà con trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo, bây giờ đời sống của bà con trong thôn đã bớt khổ, cái đói, cái nghèo nhường chỗ cho sự no ấm.
Ông Chẩu Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, (Lâm Bình) chia sẻ: thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, việc phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín, tổ hòa giải tại cơ sở thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày tại nơi cư trú để thực hiện tuyên truyền và PBGDPL. Từ đó nhân dân tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn kết tình làng nghĩa xóm đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Thực hiện đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho nhân dân, Ông Nguyễn Quốc Ái, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lâm Bình cho biết: các hình thức tuyên truyền PBGDPL đang được huyện triển khai thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện và qua loa phát thanh ở các xã, thị trấn, các cụm dân cư. Tuyên truyền qua hệ thống băng rôn, áp phích, khẩu hiệu và phát tờ rơi tại các khu vực thường xuyên tập trung đông người dân như: chợ, nhà văn hóa, UBND các xã, thị trấn. Qua thực tế, thời gian tuyên truyền qua loa phát thanh vào các khung giờ từ (05- 07 giờ) sáng hoặc (17-19 giờ) chiều tối, đây là thời điểm người dân có điều kiện lắng nghe, tiếp nhận thông tin. Việc tuyên truyền PBGDPL còn được các xã, thị trấn thực hiện lồng ghép với hội nghị tiếp xúc cử tri, cuộc họp thôn, bản và các cấp, ngành. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào những quy định mới của pháp luật; các quy định cơ bản của Luật Cư trú 2020, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tội phạm, Luật mua bán người, Luật sửa đổi bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tiếp công dân; các quy định về quản lý cư trú, quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ, pháo nổ.
Hội luật gia huyện Lâm Bình đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý lưu động thôn Khau Đao, xã Thượng Lâm.
Với những cách làm đa dạng nói trên, từ đầu năm đến nay cấp huyện, cấp xã, thị trấn đã tổ chức được 368 buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho trên 35.955 lượt người tham dự. Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở được 335 buổi; đăng tải 85 tin, bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng. Các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 122 và tổ chức hòa giải vụ việc (đạt 100%).
Việc thực hiện đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào trong tình hình mới, với các hình thức linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đã truyền tải thông điệp pháp luật kịp thời, nhanh chóng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện Lâm Bình. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Vũ Kiên - Sở TTTT
Đang Online: 156
Tổng lượng truy cập: