• Trang chủ
    • giới thiệu chung
    • quy chế hoạt động
    • Liên hệ BBT
  • TIN TỨC
  • HOẠT ĐỘNG PBGDPL
    • HOẠT ĐỘNG PBGDPL TRUNG ƯƠNG
    • HOẠT ĐỘNG PBGDPL ĐỊA PHƯƠNG
  • HỎI ĐÁP, TƯ VẤN
    • TƯ VẤN PHÁP LUẬT
    • ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH - PHÁP LUẬT
  • hội đồng phối hợp PBGDPL
    • HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PBGDPL TỈNH
    • HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PBGDPL HUYỆN/ THÀNH PHỐ
  • báo cáo viên pl
    • BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT CẤP TỈNH
    • BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT CẤP HUYỆN
    • TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT
  • TÀI LIỆU PBGDPL
    • TÀI LIỆU GIỚI THIỆU VBQPPL TW
    • TÀI LIỆU GIỚI THIỆU VBQPPL TỈNH
    • TỜ GẤP
    • SÁCH, HỎI - ĐÁP PL
    • CÂU CHUYỆN, TIỂU PHẨM, TÌNH HUỐNG PL
    • PANO, ÁP PHÍCH, FILE ÂM THANH
  • Đăng nhập
  • Trang chủ
  • TÀI LIỆU PBGDPL
  • TIỂU PHẨM, TÌNH HUỐNG PL
Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

10 tình huống pháp luật về dân sự

Thứ Sáu, 02/06/2023 - 16:02 - Lượt xem: 25209

1. TÌNH HUỐNG 01: Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Gia đình ông Ninh có nuôi một đàn bò. Một đêm mưa, do cài then chuồng trại không chặt, gió thổi mạnh làm bật cửa, một con bò đã xổng chuồng chạy sang ruộng lúa của nhà bà Hương gần đó ăn gần hết. Sáng ra, bà Hương phát hiện con bò nhà ông Ninh đang nằm no kễnh bên ruộng lúa nhà mình nên đã giữ lại và yêu cầu ông Ninh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do con bò gây ra. Tuy nhiên, ông Ninh chỉ chấp nhận đền bù cho bà một nửa, vì ông cho rằng ông không cố ý thả bò vào phá ruộng lúa mà là do bò xổng chuồng tự phá hoại. 

Hỏi quan điểm của ông Ninh có đúng hay không? Ông Ninh phải bồi thường thiệt hại do con bò của mình gây ra như thế nào?

Trả lời:

Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Theo quy định trên thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác”, theo đó, quan điểm của ông Ninh chỉ bồi thường một nửa thiệt hại cho bà Hương là không đúng mà ông phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do con bò gây ra cho bà Hương.

2. TÌNH HUỐNG 02: Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác

Nhà ông An và nhà bà Lan có ruộng ở gần nhau. Ruộng nhà ông An ở phía cao hơn nhà bà Lan, mỗi lần có nước thủy lợi về ông An thường chặn dòng chảy lại, chỉ cho nước chảy vào ruộng nhà mình mà không cho chảy xuống ruộng nhà bà Lan. Thấy vậy, bà Lan đã đề nghị ông An phải để đường cho nước chảy xuống ruộng nhà mình nhưng ông An không đồng ý vì cho rằng ruộng nhà mình thì mình có quyền đắp bờ lại không cho nước chảy xuống ruộng nhà bà Lan.
Hỏi quan điểm của ông An đúng hay sai, ông An và bà Lan có trách nhiệm gì trong việc đáp ứng nước canh tác cho ruộng nhà bà Lan?

Trả lời:

Quan điểm của ông An “Ruộng nhà mình thì mình có quyền đắp bờ lại không cho nước chảy xuống ruộng nhà bà Lan” là sai, vì:

Ðiều 253, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác như sau:“Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường”.
Theo quy định trên, ruộng nhà ông An ở phía cao hơn, ông An phải có trách nhiệm để đường dẫn nước xuống ruộng nhà bà Lan, ông An không được đắp bờ lại để ngăn dòng nước chảy xuống ruộng nhà bà Lan; đồng thời bà Lan trong quá trình sử dụng lối dẫn nước cũng không được làm ảnh hưởng đến quá trình canh tác của ông An. 

3. TÌNH HUỐNG 03: Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

Khi phát hiện có con trâu lạc vào đàn trâu của nhà, ông Thành đã báo cho cán bộ xã biết để thông báo trên loa truyền thanh của xã, rồi đưa trâu về nhà nuôi. 02 tháng sau, ông Bình là chủ của con trâu bị thất lạc đã đến gặp ông Thành để xin lại con trâu. Ông Thành đồng ý trả lại trâu và đề nghị ông Bình phải thanh toán tiền công và các chi phí nuôi giữ con trâu trong hai tháng. 

Hỏi ông Bình có được nhận lại con trâu không và có trách nhiệm thanh toán tiền công và các chi phí nuôi giữ trâu như thế nào?

Trả lời:

Điều 231 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau:

“1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc”.

Theo quy định trên, người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc. Trong trường hợp này ông Thành mới nuôi giữ con trâu được 02 tháng nên chưa xác lập quyền sở hữu đối với con trâu, do đó ông Bình có quyền nhận lại con trâu.

Về thanh toán tiền công và các chi phí nuôi giữ trâu: Ông Bình có trách nhiệm thanh toán tiền công và các chi phí nuôi giữ con trâu trong 02 tháng cho ông Thành.

4. TÌNH HUỐNG SỐ 04: Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước

Nhà ông Quân và nhà ông Dũng có đầm nuôi thủy sản ở sát nhau. Đầm nhà ông Quân chuyên nuôi tôm, đầm nhà ông Dũng chuyên nuôi cá, mọi người trong làng đều biết việc này, tuy nhiên, sau trận mưa rào, nước lụt, tôm từ đầm nhà ông Quân nhảy tràn sang đầm nhà ông Dũng. Ngay sau khi thấy đầm nhà mình tự dưng rất nhiều tôm, ông Quân đã cất vó, bắt tôm đem bán, ông Dũng biết chuyện đã yêu cầu ông Quân trả lại số tôm đã bắt. Ông Quân không đồng ý vì cho rằng “cá vào ao ai người đó hưởng”, “tôm ở ao ông thì ông bắt”.

Hỏi quan điểm của ông Quân đúng hay sai, ông Quân có quyền đòi lại số tôm đã nhảy sang ao nhà ông Dũng không? 

Trả lời:

Điều 233 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước như sau: “Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ”.

Trong trường hợp này, đầm nhà ông Quân chuyên nuôi cá, đầm nhà ông Dũng ngay sát bên cạnh chuyên nuôi tôm (đầm của hai ông có vật nuôi có dấu hiệu riêng biệt), khi trời mưa to, tôm tràn vào đầm, là vật nuôi có dấu hiệu riêng biệt khác với vật nuôi trong đầm nhà mình, do đó ông Dũng cần phải biết số tôm đó không thuộc sở hữu của mình và phải thông báo để chủ sở hữu là ông Quân đến nhận lại tôm. 

Ngay sau khi thấy đầm nhà mình tự dưng rất nhiều tôm, ông Dũng đã cất vó, bắt tôm đem bán với quan điểm “cá vào ao ai người đó hưởng”, “tôm ở ao ông thì ông bắt” là không đúng mà ông Dũng phải có trách nhiệm trả lại số tôm đã tràn vào đầm nhà mình và ông Quân có quyền đề nghị ông Dũng trả lại tôm cho mình cho mình.

5. TÌNH HUỐNG 05: Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc

Nhà bà Thoa có nuôi đàn vịt Bơ. Tối hôm đó khi đuổi vịt vào chuồng bà thấy có 10 con vịt Bầu lạc vào cùng với đàn vịt nhà mình, thấy vậy, ngay sáng hôm sau bà đã đến nhà bác Trưởng thôn và đến Uỷ ban nhân dân xã thông báo về việc có đàn vịt lạc vào nhà bà và đề nghị Trưởng thôn, Uỷ ban nhân dân xã thông báo để ai có vịt mất thì đến nhận lại; bên cạnh đó bà cũng sang các nhà hàng xóm lân cận để thông báo xem ai bị mất thì đến nhận lại. Trong thời gian chưa có người nhận lại, bà Thoa đã nuôi vịt và đàn vịt đẻ được 50 quả trứng.  20 ngày sau bà Thanh ở xóm bên có đến nhà bà Thoa nói rằng đàn vịt Bầu của nhà bà đi ăn ở cánh đồng không may bị lạc vào nhà bà Thoa và có ý xin lại đàn vịt Bầu và số trứng vịt đẻ ra, bà Thoa nhất trí trả lại vịt nhưng không nhất trí trả lại trứng và yêu cầu bà Thanh thanh toán cho mình tiền mua cám cho vịt ăn trong 20 ngày. 

Hỏi bà Thanh có quyền nhận lại vịt và trứng không và có trách nhiệm gì đối với việc chăm sóc vịt của bà Thoa?

Trả lời:

Điều 232 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc như sau:

“1. Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia cầm bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm. Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm”.

Trong trường hợp này, sau khi thấy có đàn vịt Bầu lạc đến nhà mình, bà Thoa đã thực hiện thông báo công khai để ai có vịt mất thì đến nhận lại, trong thời hạn 20 ngày, bà Thanh đã đến đề nghị nhận lại đàn vịt và số trứng vịt đẻ, theo quy định trên, bà Thanh có quyền nhận lại đàn vịt Bầu nhưng không có quyền đòi lại 50 quả trứng vịt đẻ trong thời gian bà Thoa chăm sóc; đồng thời bà Thanh có trách nhiệm thanh toán tiền mua cám cho vịt ăn trong 20 ngày theo yêu cầu của bà Thoa.

6. TÌNH HUỐNG 06: Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải

Nhà ông Bình ở phía sau và cao hơn nhà ông Thắng, toàn bộ nước thải sinh hoạt nhà ông Bình để chảy trên mặt đất nhà mình và tràn sang phía sân nhà ông Thắng. Thấy vậy, ông Thắng đã đề nghị ông Bình phải làm rãnh thoát nước để nước chảy ra cống thoát nước ở ngoài đường. Ông Bình không nhất trí làm rãnh thoát nước và cho rằng nước thải ông đang để chảy trên đất nhà mình, theo dòng chảy, nước có chảy sang nhà mình thì ông Thắng phải chịu vì ông ở vị trí đất thấp hơn.

Hỏi quan điểm của ông Bình đúng hay sai, ông Bình có trách nhiệm gì trong việc thoát nước thải nhà mình?

Trả lời:

Điều 251 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải, như sau:

“Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng”.

Theo quy định trên, ông Binh có trách nhiệm phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của nhà ông Thắng, do đó quan điểm của ông Bình “Nước thải ông đang để chảy trên đất nhà mình, theo dòng chảy, nước có chảy sang nhà mình thì ông Thắng phải chịu vì ông ở vị trí đất thấp hơn” là không đúng.

7. TÌNH HUỐNG 07: Quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề

Nhà bà Thảo ở phía sau và cao hơn nhà ông Quang, do toàn bộ phía trước nhà bà Thảo đã bị bao bọc bởi đất nhà ông Quang nên nhà bà Thảo không có lối thoát nước thải của nhà ra cống thoát nước ở ngoài đường, bà Thảo đã đề nghị ông Quang cho đặt cống thoát nước ngầm qua đất nhà ông Quang để dẫn nước thải của nhà bà chảy ra cống thoát nước chung. Ông Quang không nhất trí và cho rằng bà Thảo không có quyền yêu cầu ông dành cho lối thoát nước qua đất nhà ông.

Hỏi bà Thảo có quyền yêu cầu ông Quang dành lối thoát nước qua đất nhà mình không; bà Thảo, ông Quang có trách nhiệm gì trong việc tạo đường thoát nước của nhà bà Thảo?

Trả lời:

Điều 252 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:

“Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại”.

Trong trường hợp này, nhà bà Thảo ở phía sau và cao hơn nhà ông Quang, phía trước nhà bà Thảo bị bao bọc bởi đất nhà ông Quang nên nhà bà Thảo không có lối thoát nước thải ra cống thoát nước ở ngoài đường, theo quy định trên, bà Thảo có quyền đề nghị ông Quang dành một lối thoát nước thích hợp ra cống thoát nước chung và ông Quang có trách nhiệm dành lối thoát nước theo đề nghị của bà Thảo.

Khi làm đường thoát nước qua đất nhà ông Quang thì bà Thảo phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhà ông Quang, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

8. TÌNH HUỐNG 08: Bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên gây ra

Cháu Phương – 14 tuổi, do có mâu thuẫn với cháu Thành học cùng lớp nên sau khi tan học, trên đường về Phương đã tìm Thành để nói chuyện, lời qua, tiếng lại dẫn đến xô xát, Phương đã đánh Thành gây thương tích phải nhập viện để cấp cứu. Sau khi điều trị cho Thành xong, bố mẹ của Thành đã đề nghị bố mẹ của Phương thanh toán tiền viện phí và tiền thuốc điều trị. Bố mẹ của Phương không nhất trí thanh toán vì cho rằng lỗi là do Phương gây ra nên phải đề nghị Phương thanh toán, nếu Phương không có tiền thì đành phải chịu, bố mẹ Phương không có lỗi nên không phải bồi thường.

Hỏi bố mẹ của Thành có quyền đề nghị bố mẹ của Phương thanh toán tiền viện phí và tiền thuốc điều trị không? Trách nhiệm bồi trường trong trường hợp này được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.

Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý như sau:

“1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường”.

Trong trường hợp này, Phương mới 14 tuổi, gây thương tích cho Thành trong khoảng thời gian sau khi tan học, theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bố mẹ của Phương có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do Phương gây ra, theo đó bố mẹ của Thành có quyền đề nghị bố mẹ của Phương thanh toán toàn bộ tiền viện phí và tiền thuốc điều trị. Trong trường hợp tài sản của cha, mẹ Phương không đủ để bồi thường mà Phương có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng của Phương để bồi thường phần còn thiếu.

9. TÌNH HUỐNG 09: Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Nhà ông Đoàn có nuôi một con chó Becgie to, tối hôm đó ông Dũng sang nhà ông Đoàn chơi không may bị con chó nhà ông Đoàn cắn vào chân và phải đi tiêm phòng bệnh dại. Sau khi tiêm phòng xong, ông Dũng có đề nghị ông Đoàn bồi thường cho mình tiền tiêm phòng do bị chó nhà ông Đoàn cắn.

Hỏi ông Đoàn có trách nhiệm bồi thường cho ông Dũng không? Tại sao?

Trả lời:

Ông Đoàn có trách nhiệm bồi thường cho ông Dũng, vì:

Khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Theo đó, ông Đoàn là chủ sở hữu con chó Becgie, gây thiệt hại cho ông Dũng thì ông Đoàn phải bồi thường thiệt hại do con chó gây ra.

10. TÌNH HUỐNG 10: Bồi thường thiệt hại do nhà cửa gây ra

Nhà bà Hoa có căn nhà cũ xây dựng từ lâu, do đã xây dựng nhà mới nên bà để căn nhà cũ đó làm kho để đồ. Sau trận mưa to căn nhà đó đổ sập, toàn bộ căn nhà đổ sang nhà bà Lan làm nứt tường, vỡ cửa kính và một khoảnh rau nhà bà Lan. Bà Lan đã sang nhà bà Hoa đề nghị bồi thường thiệt hại do căn nhà bị sập của bà gây ra.

Hỏi bà Hoa có trách nhiệm bồi thường cho bà Lan không? Tại sao?

Trả lời:

Bà Hoa có trách nhiệm bồi thường cho bà Lan, vì:

Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Theo đó, bà Hoa là chủ sở hữu căn nhà bị sập gây thiệt hại cho bà Lan, do đó bà Hoa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do căn nhà sập của mình gây ra cho bà Lan./.
 

Tin bài cùng chuyên mục
  • 20 tình huống pháp luật về hôn nhân và gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình - Ngày đăng: 02/12/2024
  • Tình huống pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 - Ngày đăng: 29/10/2024
  • 25 tình huống pháp luật về môi trường - Ngày đăng: 29/07/2024
  • Tình huống pháp luật về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ngày đăng: 19/07/2024
  • Tình huống pháp luật về chính sách hỗ trợ học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn - Ngày đăng: 17/07/2024
  • 20 tình huống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường - Ngày đăng: 04/07/2024
  • 20 tình huống pháp luật về môi trường - Ngày đăng: 11/06/2024
  • 15 tình huống pháp luật về tố cáo - Ngày đăng: 27/05/2024
  • 15 tình huống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính - Ngày đăng: 23/05/2024
  • 20 tình huống pháp luật về chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ngày đăng: 10/05/2024
  • Tổng số: 64 | Trang: 1 trên tổng số 7 trang  
Xem tin theo ngày:   / /   
HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ
thống kê, báo cáo về pbgdpl
  • Báo cáo số 1165/BC-HĐPH ngày 09/11/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Chiêm Hóa
  • Báo cáo số 45/BC-BTP ngày 15/02/2023 của Bộ Tư pháp
  • Báo cáo số 22/BC-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp
  • Báo cáo số 158/BC-STP ngày 30/7/2021 của Sở Tư pháp
  • Báo cáo số 163/BC-STP ngày 03/8/2021 của Sở Tư pháp
Thư viện Video - Clip
Hướng dẫn đăng tải tin bài và văn bản lên Trang TTĐT PBGDPL Tuyên Quang
  • Tọa đàm: Để pháp luật đi vào cuộc sống
  • UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4
  • Phấn đấu chỉ số PCI của tỉnh trong top 30 tỉnh, thành phố cả nước
  • Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ VI
  • Đoàn công tác của UBKT Trung ương thăm làm việc tại tỉnh
LIÊN KẾT
Thống kê truy cập

Đang Online: 25

Tổng lượng truy cập: website counter

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Cơ quan thường trực: Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang

Trưởng Ban Biên tập: Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh

Địa chỉ: Đường 17/8, Phường Phan Thiết, tp Tuyên Quang - Điện thoại: (0207) 3.822.831 - FAX: (0207) 3.922.187 - Email: banbientapstptq@gmail.com

Giấy phép xuất bản số 21/GP-TTĐT ngày 25 tháng 05 năm 2021 của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

​