SỞ TƯ PHÁP TỈNH TUYÊN QUANG
CÂU HỎI VÀ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHỤC VỤ TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT LƯU ĐỘNG VÀ THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT TẠI XÃ LINH PHÚ, HUYỆN CHIÊM HOÁ
NGÀY 25/4/2023
I. CÂU HỎI PHÁP LUẬT
Câu 1. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trước khi xả ra nguồn tiếp nhận, nước thải phải đáp ứng yêu cầu gì về quản lý nước thải dưới đây?
A. Phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường
B. Phải được thu gom
C. Phải được xử lý qua loa
D. Không cần xử lý và xả trực tiếp
Đáp án đúng: A (căn cứ pháp lý tại điểm a, khoản 2 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 2. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Hành vi xả nước thải vào môi trường được pháp luật quy định thế nào?
A. Là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất, nước mặt, nước biển bên trong và ngoài cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
B. Là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường đất.
C. Là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường dưới đất.
D. Là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường nước.
Đáp án đúng: A (căn cứ pháp lý tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Câu 3. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Hành vi thải bụi, khí thải vào môi trường được pháp luật quy định thế nào?
A. Là việc cá nhân làm phát sinh bụi, khí thải vào môi trường không khí.
B. Là việc tổ chức làm phát sinh bụi, khí thải vào môi trường không khí.
C. Là việc cá nhân, tổ chức làm phát sinh bụi, khí thải vào môi trường không khí.
D. Tất cả phương án đều sai.
Đáp án đúng: C (căn cứ pháp lý tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Câu 4. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Nơi công cộng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được định nghĩa thế nào?
A. Là công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và những nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người
B. Là công viên, khu vui chơi, giải trí
C. Là khu kinh doanh
D. Là bến xe, bến tàu
Đáp án đúng: A (căn cứ pháp lý tại khoản 7, Điều 3 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Câu 5. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm gì đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra?
A. Xây dựng phương án cải tạo lại đất.
B. Nộp phạt và bồi thường thiệt hại theo quy định.
C. Bảo vệ môi trường đất.
D. Bảo vệ môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại Khoản 2 Điều 15 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 6. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ nào? A. Phù hợp với quy định của pháp luật về giá
B. Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại
C. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý
D. Tất cả các căn cứ trên
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại Khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 7. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nội dung Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia gồm những nội dung nào?
A. Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu; các nhiệm vụ; các giải pháp thực hiện; chương trình, đề án, dự án trọng điểm
B. Quan điểm, mục tiêu; các giải pháp thực hiện; chương trình, đề án; kế hoạch, nguồn lực thực hiện
C. Mục đích, ý nghĩa; các nhiệm vụ; các giải pháp thực hiện; chương trình, đề án, dự án trọng điểm; nguồn lực thực hiện
D. Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu; các nhiệm vụ; các giải pháp thực hiện; chương trình, đề án, dự án trọng điểm; kế hoạch, nguồn lực thực hiện
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại khoản 2 Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 8. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu gì về bảo vệ môi trường?
A. Mạng lưới cấp, thoát nước, công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt
B. Thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu đô thị, khu dân cư tập trung
C. Có diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định của pháp luật
D. Tất cả các yêu cầu trên.
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại khoản 2 Điều 57 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 9. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm gì trong bảo vệ môi trường nơi công cộng?
A. Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát
B. Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường
C. Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý; Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
D. Tất cả các phương án trên.
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại Khoản 2 Điều 59 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 10. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Thời hạn cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được pháp luật quy định thế nào?
A. Không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
B. Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
C. Không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
D. Không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Đáp án đúng: B (căn cứ pháp lý tại điểm b Khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 11. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Thời hạn cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được pháp luật quy định thế nào?
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại điểm a Khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 12. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Giấy phép môi trường bị thu hồi trong trường hợp nào?
A. Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền
B. Giấy phép có nội dung trái quy định của pháp luật
C. Khi giấy phép rách, nát
D. Trường hợp A và B.
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại khoản 5 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 13. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Khu kinh tế phải có hạ tầng thế nào để bảo vệ môi trường?
A. Hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn; Hệ thống thu gom, thoát nước mưa.
B. Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với trường hợp khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải quan trắc tự động, liên tục theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
C. Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
D. Tất cả các yêu cầu trên
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại khoản 1 Điều 50 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 14. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây để bảo vệ môi trường?
A. Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa; Giữ gìn vệ sinh công cộng; Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.
B. Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định
C. Giữ gìn vệ sinh công cộng
D. Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.
Đáp án đúng: A (căn cứ pháp lý tại Khoản 2 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Câu 15. Ông/ bà hãy trả lời câu hỏi trắc nghiệm dưới dây bằng cách lựa chọn đáp án đúng nhất.
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc nào?
A. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế
B. Chất thải thực phẩm
C. Chất thải rắn sinh hoạt khác
D. Phân loại theo tất cả nguyên tắc trên
Đáp án đúng: D (căn cứ pháp lý tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
II. TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT
Tình huống 1:
Nhà chị Thuỷ có một đàn Trâu, hàng ngày chị đều dắt Trâu qua con đường nội đồng của thôn để cho Trâu ra đồng ăn cỏ, tuy nhiên khi đi qua con đường nội đồng đó, đàn Trâu nhà chị thường xuyên thải phân và nước tiểu xuống đường mà chị Thuỷ không dọn, gây ô nhiễm môi trường cho đoạn đường đó. Hỏi, hành vi trên của chị Thuỷ có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 59 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng như sau:
“Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào từng loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
Căn cứ quy định trên, việc chị Thuỷ để vật nuôi là con Trâu thường xuyên thải phân và nước tiểu xuống đường nội đồng mà không dọn dẹp, gây ô nhiễm môi trường cho đoạn đường chung (đường nội đồng) là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nơi công cộng.
Tình huống 2:
Trong một lần đi du lịch tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chị Hạnh được trải nghiệm lặn ngắm San Hô, chị đã bẻ San Hô cho các thành viên trong đoàn du lịch mỗi người một cành về làm kỷ niệm. Hỏi, hành vi trên của chị Hạnh có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Điểm d, khoản 2 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về trách nhiệm của cá nhân để bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như sau:
“ 2. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
….d) Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật”.
Căn cứ quy định trên, việc chị Hạnh bẻ San Hô là hành vi xâm hại đến cảnh quan môi trường và các loài sinh vật; theo một nghiên cứu khoa học thì San Hô là sinh vật được bao bọc bởi một lớp màng rất mỏng, dễ vỡ khi chạm vào, khi lớp màng bị đâm thủng, San Hô dễ nhiễm trùng từ đó chúng sẽ bị chết. Do đó, hành vi bẻ San Hô của chị Hạnh là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Tình huống 3:
Anh Kiệt dùng xe bán tải để chở cát từ xã Linh Phú, huyện Chiêm Hoá đến xã Yên Hoa huyện Na Hang để bán cho một đơn vị thi công xây dựng, tuy nhiên xe bán tải của anh Kiệt không phải xe chuyên dụng để chở cát, hơn nữa lại không được che chắn, hậu quả làm cát bị rò rỉ, rơi vãi, khiến người đi đường sau xe tải anh Kiệt cảm thấy rất nhiều bụi cát bám vào mặt. Hỏi hành vi trên của anh Kiệt có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Khoản 2 và khoản 4 Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải như sau:
“2. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.
4. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường phải được thực hiện bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường”…
Căn cứ các quy định trên thì hành vi chở cát bằng xe không phải xe chuyên dụng của anh Kiệt (trong khi cát là vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường), hơn nữa còn không được che chắn, làm cát bị rò rỉ, rơi vãi, gây nguy hiểm cho người khác khi tham gia thông, do đó, hành vi của anh Kiệt là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.
Tình huống 4:
Gia đình Anh Trường sản xuất gạch nung truyền thống, mỗi khi đốt lò để nung gạch thì anh xả thẳng khói ra môi trường, gây ra khói mù mịt và có mùi khó chịu ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Mặc dù người dân quanh đó phản ánh và đề nghị gia đình phải có biện pháp để giảm thiểu khói và mùi gạch nung, tuy nhiên gia đình anh Trường vẫn lơ đi và tiếp tục xả thải khói ra môi trường. Hỏi, hành vi của anh Trường có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Điều 12 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định chung về bảo vệ môi trường không khí như sau:
“1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật.
3. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.
4. Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2, Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường quy định “Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường”, đây là một trong những hành vi bị Luật nghiêm cấm.
Căn cứ các quy định trên, gia đình anh Trường sản xuất gạch nung truyền thống, có phát tán khí thải tác động xấu đến môi trường, nên anh phải có trách nhiệm giảm thiểu khí thải và xử lý khí thải theo quy định của pháp luật. Việc anh Trường xả thẳng khí thải trực tiếp ra môi trường và không có biện pháp giảm thiểu khí thải là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí.
Tình huống 5:
Tháng 3/2023, anh Dũng đi du lịch tại hồ Na Hang (đây là khu bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh quốc gia), anh có di chuyển lên một trong những điểm đến đẹp nhất tại hồ đó là thác Mơ, tại đây anh thấy một cây hoa Phong Lan rừng rất đẹp, nên anh Dũng đã đem về nhà mình để chăm sóc. Hỏi hành vi của anh Dũng có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
- Khoản 1, Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Di sản thiên nhiên bao gồm:
“a) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
b) Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận;
c) Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”.
- Khoản 12, Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi “Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên”. Do đó, hành vi trên của anh Dũng là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tình huống 6:
Gia đình chị Oanh trồng 01 ha Lạc, sau khi tách hạt, chị Oanh để vỏ Lạc vương vãi khắp nơi mà không thu gom lại. Hỏi, hành vi của chị Oanh có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Khoản 4 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp như sau:
“Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường”.
Như vậy, căn cứ khoản 4 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường thì việc để vỏ Lạc (phụ phẩm nông nghiệp) vương vãi khắp nơi mà không thu gom lại là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Trong trường hợp này, chị Oanh phải thu gom lại và tái chế sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng để tránh gây ra ô nhiễm môi trường.
Tình huống 7:
Ngôi nhà 3 tầng tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá của anh Minh bị xuống cấp, vừa rồi anh đã dỡ bỏ, đập đi để xây lại mới, tuy nhiên trong quá trình đập phá nhà anh không có biện pháp che chắn làm xi măng, cát bụi bay quanh khu vực hàng xóm, chị Mai – là người dân ở khu vực bị ảnh hưởng đó đã đến gặp bác Nam – là Tổ trưởng Tổ dân phố đề nghị bác nhắc nhở anh Minh quây khu vực đập phá nhà lại để hạn chế phát tán bụi thì bác Nam có phản hồi lại là “Khi đập phá nhà thì việc bụi bặm bay xung quanh là không thể tránh khỏi, là hàng xóm thì nên thông cảm với nhau”. Chị Mai muốn biết, bác Nam giải thích như vậy có đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không? Vì sao?
Lời giải thích của bác Nam trong trường hợp trên là không đúng theo quy định của pháp luật, vì:
Khoản 5, Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm 07 yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
1. Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
2. Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
3. Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
4. Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
5. Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
6. Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
7. Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
Căn cứ Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường, khi thi công, xây dựng anh Minh đã không đáp ứng 07 yêu cầu theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, cụ thể ở đây là “không có biện pháp không phát tán bụi”, do đó, việc bác Nam giải thích với Mai trong trường hợp trên là sai.
Tình huống 8:
Chị Vy cùng gia đình đi tham quan tại hồ Na Hang – Lâm Bình, gia đình chị thuê một con thuyền riêng để đi du ngoạn ở đó, chị đã chuẩn bị các chai nước, bánh kẹo để phục vụ các thành viên trong gia đình, tuy nhiên, sau khi đã sử dụng xong, vì trên thuyền không có thùng rác nên chị đã vứt chai, lọ và một số bao bì bánh kẹo xuống nước. Hỏi hành vi của chị Vy có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Khoản 2 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về trách nhiệm của cá nhân để bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như sau:
a) Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường;
b) Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa;
c) Giữ gìn vệ sinh công cộng;…”
Căn cứ Khoản 2, Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc chị Vy không tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; thải bỏ chất thải không đúng nơi quy định, phát sinh chất thải nhựa; không giữ gìn vệ sinh công cộng là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tình huống 9:
Gia đình anh Hưng có nuôi 100 con gà, trong quá trình nuôi anh thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh, tuy nhiên vào đầu năm 2023, trong xã Linh Phú xuất hiện dịch cúm gà H5N1, một thời gian sau dịch cúm này đã lây ra và làm chết 20 con gà nhà anh. Gần nhà có một con sông chảy qua, tiện tay anh Hưng đã vứt gà chết xuống sông để nó trôi đi. Hỏi, hành vi trên của anh Hưng cố vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định có 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường như sau:
1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.
5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.
8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
9. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.
10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.
13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Căn cứ khoản 3, Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường thì hành vi của anh Hưng là phát tán, thải ra môi trường xác súc vật chết do dịch bệnh, đây là một trong 14 hành vi bị Luật nghiêm cấm, do đó, hành vi trên của anh Hưng là vi phạm pháp luật.
Tình huống 10:
Gia đình chị Mai sản xuất miến dong ở xã Hợp Thành huyện Sơn Dương, tuy nhiên hiện nay gia đình chị vẫn chưa có công trình xử lý nước thải. Đầu tháng 3/2023, gia đình chị bị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hợp Thành huyện Sơn Dương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với mức tiền phạt là 1.600.000 đồng. Chị Mai muốn biết, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hợp Thành huyện Sơn Dương có đúng với quy định của pháp luật không?
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hợp Thành huyện Sơn Dương là đúng, vì: Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề như sau:
“Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân có phát sinh nước thải, khí thải”.
Căn cứ, Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính Phủ thì gia đình chị Mai sản xuất miến dong có phát sinh nước thải, nhưng lại chưa công trình xử lý nước thải, do đó, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hợp Thành huyện Sơn Dương là đúng theo quy định của pháp luật.
Đang Online: 44
Tổng lượng truy cập: