Bộ luật Dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (sau đây viết tắt là Bộ luật Dân sự năm 2015). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về nội dung quyền sở hữu thông qua hỏi - đáp dưới đây.
1. Hỏi: "Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu" là gì?
Đáp:
Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền chiếm hữu của chủ sở hữu như sau:
Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
2. Hỏi: Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản được quyền chiếm hữu đối với tài sản đó như thế nào?
Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản được quyền chiếm hữu tài sản như sau:
- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.
- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
3. Hỏi: Người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự được quyền chiếm hữu đối với tài sản đó như thế nào?
Điều 188 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự như sau:
- Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.
- Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.
Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
4. Hỏi: "Quyền sử dụng" là gì?
Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền sử dụng như sau:
- Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
- Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
5. Hỏi: Chủ sở hữu được quyền sử dụng đối với tài sản như thế nào?
Điều 190 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền sử dụng của chủ sở hữu như sau:
Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
6. Hỏi: Người không phải là chủ sở hữu được quyền sử dụng đối với tài sản như thế nào?
Điều 191 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu như sau:
Người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.
7. Hỏi: "Quyền định đoạt" là gì?
Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền định đoạt như sau:
Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
8. Hỏi: Việc thực hiện quyền định đoạt tài sản phải đáp ứng những điều kiện gì?
Điều 193 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện thực hiện quyền định đoạt như sau:
- Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.
- Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.
9. Hỏi: Chủ sở hữu được quyền định đoạt tài sản như thế nào?
Điều 194 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền định đoạt của chủ sở hữu như sau:
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
10. Hỏi: Người không phải là chủ sở hữu được quyền định đoạt tài sản như thế nào?
Điều 195 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu như sau:
Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.
11. Hỏi: Việc hạn chế quyền định đoạt tài sản được quy định như thế nào?
Điều 196 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hạn chế quyền định đoạt tài sản như sau:
- Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.
- Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.
- Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó./.
Đang Online: 117
Tổng lượng truy cập: