Bộ luật Dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (sau đây viết tắt là Bộ luật Dân sự năm 2015). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về Cầm giữ tài sản thông qua hỏi - đáp dưới đây.
1. Hỏi: "Cầm giữ tài sản" là gì?
Đáp:
Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về cầm giữ tài sản như sau:
Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Hỏi: Việc cầm giữ tài sản được xác lập từ thời điểm nào?
Điều 347 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập cầm giữ tài sản như sau:
- Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
3. Hỏi: Bên cầm giữ tài sản có quyền gì?
Điều 348 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên cầm giữ tài sản có các quyền sau:
(1) Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.
(2) Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.
(3) Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.
Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
4. Hỏi: Bên cầm giữ tài sản có nghĩa vụ gì?
Điều 349 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên cầm giữ tài sản có các nghĩa vụ sau:
(1) Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.
(2) Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.
(3) Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
(4) Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
(5) Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.
5. Hỏi: Cầm giữ tài sản chấm dứt trong những trường hợp nào?
Điều 350 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:
(1) Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.
(2) Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.
(3) Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.
(4) Tài sản cầm giữ không còn.
(5) Theo thỏa thuận của các bên./.
Đang Online: 69
Tổng lượng truy cập: