Ngày 19/9/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 4635/UBND-NC về triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tăng cường công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn tỉnh, đồng thời giúp người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời không để xảy ra cháy, nổ, nhất là trong mùa hanh khô sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:
1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.
- Chấn chỉnh hoạt động quản lý xây dựng, nhất là việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; gắn trách nhiệm cụ thể từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc cấp phép, quản lý trật tự xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép.
- Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải gương mẫu đi đầu trong công tác PCCC. Xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình về công tác PCCC và CNCH, để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC bằng nhiều hình thức phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, trong đó tập trung tuyên truyền vào các khung giờ vàng trên các kênh truyền thanh, truyền hình của tỉnh, của huyện, của xã, trên các Trang thông tin điện tử, mạng xã hội... để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân biết, tự giác chấp hành.
- Quan tâm, bố trí các nguồn lực để đầu tư cho công tác PCCC, hỗ trợ việc mua sắm trang thiết bị phục vụ PCCC và CNCH theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu công tác PCCC và CNCH tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Công an tỉnh: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao để đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Báo cáo cấp có thẩm quyền việc tổng rà soát trước ngày 15/11/2023.
3. Sở Xây dựng: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư, xây dựng; chỉ đạo các đơn vị và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC; không để dự án, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC của cơ quan Công an.
- Khẩn trương rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình, đặc biệt là các chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao. Đồng thời, rà soát, phân loại, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về xây dựng đối với loại hình cơ sở nêu trên; kết quả báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 30/10/2023.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng đối với công trình chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người như: cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chung cư, nhà cao tầng, cơ sở lưu trú, nhà trọ...
4. UBND huyện, thành phố: Tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác PCCC và CNCH đối với địa bàn trọng điểm, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nơi tập trung đông người, như: Khách sạn, nhà hàng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ở công nhân, các cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các khu, cụm công nghiệp, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh karaoke,...
- Khẩn trương kiểm tra, rà soát việc cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn theo thẩm quyền, việc thực hiện các quy định về PCCC và CNCH đối với các nhà cao tầng, nhà ở công nhân, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà cho thuê trọ có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người, cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ trong khu dân cư,... Lập danh sách các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, đặc biệt là các cơ sở cho thuê trọ, nhà ở công nhân, nhà cao tầng, khách sạn, nhà nghỉ,...để công khai, khuyến cáo người dân không thuê, mua, sinh sống tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành phố thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền; tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) theo quy định./.
Chi tiết tại: http://congbao.tuyenquang.gov.vn/van-ban/xem-van-ban-110430.html
Đang Online: 29
Tổng lượng truy cập: