Bộ luật Dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (sau đây viết tắt là Bộ luật Dân sự năm 2015). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự thông qua hỏi - đáp dưới đây.
1. Hỏi: Quyền dân sự được xác lập từ những căn cứ nào?
Đáp:
Điều 8 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau:
(1) Hợp đồng.
(2) Hành vi pháp lý đơn phương.
(3) Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.
(4) Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
(5) Chiếm hữu tài sản.
(6) Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
(7) Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
(8) Thực hiện công việc không có ủy quyền.
(9) Căn cứ khác do pháp luật quy định.
2. Hỏi: Việc thực hiện quyền dân sự được quy định như thế nào?
Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện quyền dân sự như sau:
- Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và giới hạn việc thực hiện quyền dân sự.
- Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Hỏi: Việc thực hiện quyền dân sự bị giới hạn như thế nào?
Điều 10 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự như sau:
- Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
- Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định nêu trên thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.
4. Hỏi: Việc bảo vệ quyền dân sự được thực hiện bằng những phương thức nào?
Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự như sau:
Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
(1) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
(2) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
(3) Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
(4) Buộc thực hiện nghĩa vụ.
(5) Buộc bồi thường thiệt hại.
(6) Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
(7) Yêu cầu khác theo quy định của luật.
5. Hỏi: Việc tự bảo vệ quyền dân sự được quy định như thế nào?
Điều 12 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tự bảo vệ quyền dân sự như sau:
Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc sau:
(1) Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
(2) Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
(3) Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
(4) Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
(5) Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
6. Hỏi: Việc bồi thường thiệt hại khi quyền dân sự bị xâm phạm được quy định như thế nào?
Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại như sau:
Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
7. Hỏi: Việc bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền được quy định như thế nào?
Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền như sau:
- Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.
+ Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.
+ Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.
- Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật được áp dụng.
8. Hỏi: Việc hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được quy định như thế nào?
Điều 15 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền như sau:
- Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
- Trường hợp quyết định cá biệt bị hủy thì quyền dân sự bị xâm phạm được khôi phục và có thể được bảo vệ bằng các phương thức sau:
(7) Yêu cầu khác theo quy định của luật./.
Đang Online: 29
Tổng lượng truy cập: