Tình huống 1
Anh Vinh thường trú tại xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, đang làm việc tại huyện Na Hang, sau một thời gian tích góp anh Vinh mua một căn nhà tại thị trấn Na Hang, huyện Na Hang để thuận tiện cho việc đi làm. Hiện nay, anh có ý định chuyển địa chỉ thường trú từ xã Nhữ Khê về thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, anh Vinh muốn biết việc chuyển địa chỉ thường trú liên huyện như vậy do công an cấp nào có thẩm quyền giải quyết? Cụ thể là cơ quan nào? Và thời hạn giải quyết trong bao nhiêu ngày?
Trả lời:
Điều 22 Luật Cư trú năm 2020 quy định, như sau:
“1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký”.
Như vậy, căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú, thì cơ quan đăng ký cư trú nơi anh Vinh cư trú (cụ thể ở đây là công an thị trấn Na Hang) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thời hạn giải quyết là trong vòng 07 ngày làm việc.
Tình huống 2
Anh Dũng thường trú ở xã Nhữ Khê huyện Yên Sơn là công nhân trong một nhà máy tại xã Phúc Ứng huyện Sơn Dương. Do khoảng cách từ nhà đến chỗ làm khá xa nên anh Dũng đã thuê nhà trọ tại xã Phúc Ứng để thuận tiện cho việc đi làm. Tuy nhiên, đến nay anh Dũng đã ở được 02 tháng mà vẫn chưa đi đăng ký tạm trú. Hỏi, anh Dũng có vi phạm quy định của pháp luật về cư trú không? Vì sao?
Khoản 1, Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định, như sau:
“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú”
Căn cứ quy định trên, việc anh Dũng thuê nhà trọ (tại xã Phúc Ứng) để lao động được 02 tháng mà chưa thực hiện đăng ký tạm trú là vi phạm quy định cua pháp luật.
Tình huống 3
Chị Hương thường trú ở xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn kết hôn với anh Hải thường trú tại phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang (anh Hải là chủ sở hữu căn nhà tại phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang). Nay anh Hải và chị Hương muốn chuyển địa chỉ thường trú của chị Hương từ xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn về phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang thì có đủ điều kiện không? Và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
1. Chị Hương có đủ điều kiện đăng ký thường trú tại phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, vì:
+ Khoản 2, Điều 20 Luật cư trú năm 2020 quy định như sau:
“2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ”.
Khoản 1 Điều 22 Luật cư trú năm 2020 quy định về thủ tục đăng ký thường trú như sau:
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì chị Hương đủ điều kiện đăng ký thường trú tại phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, và cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Công an phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang.
Tình huống 4
Ngày 10/8/2023, Anh Hùng thường trú tại xã Nhữ Khê huyện Yên Sơn bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời hạn 03 tháng. Ngày 01/11/2023, gia đình anh Hùng dự định về thăm quê (ở xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên). Hỏi anh Hùng có thể về thăm quê cùng gia đình vào ngày 01/11/2023 hay không?
Điều 4 Luật Cư trú năm 2020 quy định việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, như sau:
“1. Công dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
b) Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
c) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;
d) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của luật.
3. Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Nội dung, thời gian hạn chế quyền tự do cư trú thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền hoặc theo quy định của luật có liên quan”.
Vậy, căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 4 Luật Cư trú thì anh Hùng là người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong thời hạn 03 tháng, lúc này quyền tự do cư trú của anh đã bị hạn chế, do đó anh Hùng chưa thể về thăm quê cùng gia đình vào ngày 01/11/2023. Trong trường hợp này, hết ngày 10/11/2023 thì anh Hùng mới chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và bắt đầu có quyền tự do cư trú.
Tình huống 5
Anh Nam là thành viên mới của Tổ hoà giải thôn Cây Thị, xã Nhữ Khê muốn biết pháp luật quy định mấy hành vi cấm trong Luật Cư trú năm 2020 để giải quyết vụ việc liên quan đến lĩnh vực cư trú mà mình được phân công.
Điều 7 Luật Cư trú năm 2020 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm về cư trú, như sau:
1. Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.
2. Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
3. Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
4. Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật.
5. Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.
6. Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú.
7. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật.
8. Lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
9. Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.
10. Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.
11. Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.
12. Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.
13. Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Tình huống 6
Anh Bình và chị Phương kết hôn từ năm 2020 và sống với bố mẹ chồng tại thôn Cây Thị, xã Nhữ Khê. Năm 2021 anh chị xây nhà tại thôn thôn Nhữ Khê để ở riêng, năm 2022 anh chị đã chuyển đến nhà mới tại thôn Nhữ Khê để ở. Cả gia đình anh chị băn khoăn không biết anh Bình và chị Phương có đủ điều kiện tách hộ để đăng ký thường trú tại thôn Nhữ Khê xã Nhữ Khê hay không? Và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
Điều 25 Luật Cư trú năm 2020 quy định về tách hộ, như sau:
“1. Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;
c) Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.
2. Hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
3. Thủ tục tách hộ được thực hiện như sau:
a) Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Căn cứ quy định trên, thì anh Bình và chị Phương đủ điều kiện tách hộ để đăng ký thường trú tại thôn Nhữ Khê xã Nhữ Khê. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Công an xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn.
Tình huống 7
Anh Trung công tác tại xã Vinh Quang huyện Chiêm Hoá, năm 2020 anh đã đến công an xã Vinh Quang để đăng ký tạm trú, qua nói chuyện với một người bạn cùng cơ quan (anh Việt) thì anh Trung mới biết hiện nay thời hạn tạm trú của mình đã hết. Anh Trung băn khoăn không biết lời anh Việt nói có đúng không? Và nếu hết thì anh phải đi đăng ký lại hay được đi gia hạn?
Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định, như sau:
“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này”.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 thì anh Trung đăng ký tạm trú tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá từ năm 2020, đến nay đã quá 02 năm, do đó lời của Việt là đúng và anh Trung có thể tiếp tục gia hạn đăng ký tạm trú tại xã Vinh Quang mà không cần phải đăng ký mới.
Tình huống 8
Mạnh năm nay 17 tuổi hiện đang sống cùng bố, mẹ thường trú tại xã Phúc Ninh huyện Yên Sơn, vì muốn tự lập nên Mạnh có ý định xin bố mẹ được dọn ra ngoài ở riêng, nhưng em băn khoăn không biết người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) thì có thể có nơi cư trú khác không?
Trả lời
Điều 12 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên như sau:
“1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.
2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác, với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định”.
Như vậy, trong trường hợp này nơi cư trú của Mạnh là nơi cư trú của cha, mẹ. Mạnh có thể có nơi cư trú khác nếu em được bố, mẹ đồng ý.
Tình huống 9
Bà Nhung và bà Hoa là 2 chị em ruột, sau khi chồng bà Nhung mất, thấy chị gái sống đơn độc, tuổi già sức yếu nên bà Nhung muốn đón bà Hoa (65 tuổi) về ở với mình để chị em chăm sóc nhau. Hỏi, việc bà Nhung đón chị gái ruột về ở cùng thì có được đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình của bà Nhung hay không?
Khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định, như sau:
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
Căn cứ quy định tại khoản điểm b, Khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020, bà Hoa là người cao tuổi về ở em gái ruột, do đó sẽ được đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình của bà Nhung.
Tình huống 10
Gia đình anh Tú gồm 04 người có thuê một nhà trọ rộng 30m2 của chị Dược ở tổ 14 phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Anh Tú xin phép chị Dược để cho gia đình anh được đăng ký thường trú tại căn nhà trọ này và được chị Dược đồng ý. Sau đó anh Tú có làm hồ sơ giấy tờ nộp lên công an phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang để đăng ký thì được trả lời là trường hợp của anh không đủ điều kiện về diện tích để đăng ký thường trú tại tổ 14 phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Hỏi công an phường Minh Xuân trả lời anh Tú như vậy có đúng theo quy định của pháp luật không? Vì sao?
Điều 3 Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 14 tháng 3 năm 2022 của HĐND tỉnh Tuyên Quang Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, như sau:
“Điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đế đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là 08m2 sàn/người”.
Căn cứ quy định trên, ngôi nhà mà gia đình anh Tùng (04 người) trọ rộng 30m2 là chưa đủ diện tích theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 14 tháng 3 năm 2022 của HĐND tỉnh Tuyên Quang. Do đó, công an phường Minh Xuân giải đáp như tình huống trên là đúng theo quy định của pháp luật.
Đang Online: 25
Tổng lượng truy cập: