Tình huống 1
Anh Ninh và chị Huyền có 01 đứa con gái đầu lòng, tháng 9/2023, chị Huyền sinh thêm 01 bé gái khiến anh Ninh thất vọng vì anh Ninh rất muốn đứa bé này là con trai để nối dõi tông đường. Trong khi mang thai chị Huyền được anh Ninh chăm sóc ân cần, chu đáo bao nhiêu thì nay, sau khi sinh thêm con gái anh Ninh bỏ bê, không quan tâm đến mẹ con chị Huyền, do đó chị Huyền rất buồn và tủi thân. Chị Huyền muốn biết hành vi của anh Ninh có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Vì sao?
Trả lời:
- Hành vi của anh Ninh là bạo lực gia đình, vì:
Điểm d, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định:
“1. Hành vi bạo lực gia đình:
... d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;...”.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, hành vi của ông Ninh là bạo lực gia đình.
Tình huống 2
Anh Minh và chị Ngọc ly hôn vì lý do anh Minh ngoại tình, Tòa xử cho chị Ngọc nuôi con. Sau khi ly hôn, Anh Minh vẫn chu cấp tiền để nuôi dưỡng và có mong muốn gặp, trò chuyện với con hàng tháng, tuy nhiên, trong quá trình nuôi con, chị Ngọc không cho anh Minh gặp con vì cho rằng một người không chung thuỷ như anh Minh không xứng đáng gặp lại con mình. anh Minh muốn biết hành vi của chị Ngọc có phải là hành vi bạo lực gia đình? Vì sao?
Hành vi của chị Ngọc là bạo lực gia đình, vì:
Điểm g, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định:
... g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;...”.
Do đó, hành vi “ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha và con” của chị Ngọc là hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, hành vi trên của chị Ngọc còn vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“ Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Tình huống 3
Anh Đức là một người rất yêu thương vợ (chị Linh), chị Linh là người làm công tác xã hội, thường xuyên đi tối ngày không có thời gian chăm lo cho gia đình, bình thường anh Đức không có ý kiến gì, tuy nhiên khi say xỉn, về nhà anh Đức thường xuyên đánh đập vợ vì lí do không dành thời gian chăm lo cho gia đình, nhưng khi tỉnh rượu thì anh Đức nhận ra lỗi lầm và xin lỗi vợ về hành vi trên. Chị Linh muốn biết đây có phải là hành vi bạo lực gia đình không? Chị Linh có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn và bảo vệ mỗi khi chồng lại say xỉn rồi đánh đập mình hay không?
- Hành vi đánh đập vợ của anh Đức là bạo lực gia đình, vì:
Điểm a, khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định như sau:
“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng,…”
- Khoản 1 Điều 9 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định như sau:
“Điều 9. Quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình
1. Người bị bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;
b) Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật này;
c) Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, trợ giúp pháp lý và trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;
e) Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình;
g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình”.
Căn cứ Khoản 1, Điều 9 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thì Chị Linh có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn, bảo vệ theo quy định nêu trên.
Tình huống 4
Anh Lâm và chị Thu là vợ chồng cùng làm ở 1 công ty may, là người mang nặng tư tưởng gia trưởng, luôn quản lý chặt chẽ nguồn tài chính của gia đình, mọi chi tiêu của vợ và con cái đều do ông quyết định và hạn chế tối đa, đến tháng lĩnh lương anh Lâm bắt vợ phải đưa tiền cho mình quản lý. Mỗi lần cần tiền vào việc gì chị Thu phải xin và bị anh Lâm tra xét từng khoản chi làm cho cuộc sống của chị trở nên bí bách, áp lực và phụ thuộc vào chồng. Chị Thu muốn biết, hành vi của chồng mình có phải là bạo lực gia đình không?
Hành vi của anh Lâm là bạo lực gia đình, vì:
Điểm o, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định:
... o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;...”.
Do đó, hành vi “bắt vợ đưa tiền lương đồng thời tra xét từng khoản chi tiêu của anh Bình là kiểm soát tài sản, thu nhập của vợ nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất” của anh Lâm là hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra, hành vi trên của anh Bình còn vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:
“Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng.
Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.
Tình huống 5
Gần nhà chị Hoài có một gia đình thường xuyên cãi cọ, người chồng luôn dùng những lời thô tục để chửi vợ và mỗi lần như vậy người chồng đều hung hăng đánh và đuổi vợ ra khỏi nhà. Chị Hoài rất muốn báo chính quyền để có biện pháp giáo dục, răn đe người chồng nhưng chưa biết làm như thế nào. Chị Hoài biết theo quy định của pháp luật thì chị Hoài có thể báo tin hoặc tố giác về bạo lực gia đình ở đâu và bằng hình thức nào?
Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, như sau:
“1. Địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
b) Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
c) Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học;
d) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
đ) Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
e) Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Gọi điện, nhắn tin;
b) Gửi đơn, thư;
c) Trực tiếp báo tin…”
Như vậy, trường hợp chị Hoài phát hiện, chứng kiến hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực với các hình thức như trên.
Tình huống 6
Ở cạnh nhà chị Huyền có một cơ sở kinh doanh dịch vụ hát karaoke, hàng ngày khách ra vào đông nườm nượp hát hò đến tận 23-0h khuya, do cơ sở kinh doanh này làm phòng cách âm không tốt nên tiếng hát hò của khách làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của rất nhiều trong xóm nhà chị Huyền. chị Huyền cùng bác Trưởng thôn sang nhắc nhiều lần nhưng cở sở đó vẫn vi phạm, nên chị Huyền muốn biết hành vi trên sẽ bị xử phạt thế nào để sang nhắc nhở cơ sở trên thêm lần nữa?
Trả lời
Điều 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định về nội dung vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
c) Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Như vậy, theo quy định trên, do cơ kinh doanh dịch vụ hát karaoke gây tiếng ồn vào thời gian từ 23-0h giờ, thời gian này nằm trong khoảng thời gian mà pháp luật quy định không được gây tiếng động lớn, làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng. Vi vậy, theo quy định của pháp luật cơ sở kinh doanh dịch vụ hát karaoke sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng đến 1.0 00.000 đồng.
Tình huống 7
Biết con trai thường xuyên mắng chửi , thậm chí còn đánh đập vợ con, bà Quy là mẹ chồng, nhưng lại giữ thái độ im lặng, không có ý kiến gì. Bà Phương là hàng xóm thấy vậy đã khuyên bà Quy phải nhắc nhở, giáo dục con trai mình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và phải đứng ra hòa giải các mâu thuẫn, vì đây là trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Hỏi, việc làm của bà Phương là đúng hay sai? Và pháp luật quy định thế nào về trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình?
Việc làm của bà Phương là đúng, Điều 11 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, như sau:
“1. Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Thực hiện các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, bà Quy phải có trách nhiệm can ngăn con trai mình chấm dứt hành vi mắng chửi, đánh đập vợ con và đứng ra hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong gia đình.
Tình huống 8
Là con một, sau khi lập gia đình Hiệp ra ở riêng, từ đó Hiệp bỏ bê bố mẹ già, lúc ốm đau, vợ chồng Hiệp cũng không thăm non, đưa bố mẹ vào viện khám khiến bà con hàng xóm rất bức xúc và bất bình. Chị Uyên, là hàng xóm của bố mẹ Hiệp muốn biết, pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với người có hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình để đến nhắc nhở, khuyên giải vợ chồng Hiệp thay đổi?
Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định việc xử phạt đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
“a. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
- Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
b. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu”.
Tình huống 9
Theo quyết định ly hôn của Tòa án thì chị Huyền có quyền nuôi con là cháu Minh Ngọc, còn anh Việt có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Minh Ngọc mỗi tháng một lần. Thời gian đầu, anh Việt thực hiện nghĩa vụ rất nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, ba tháng lại đây, anh Việt không chịu đưa tiền cấp dưỡng cho chị Huyền. Khi chị Huyền gọi điện, tìm gặp để nhận tiền cấp dưỡng nuôi con, thì anh Việt trốn tránh không gặp. Chị Huyền muốn biết, hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của anh Việt có vi phạm pháp luật không? Hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng được quy định như thế nào?
Hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng con chưa thành niên của anh Việt là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, hành vi này bị xử phạt như sau:
Điều 57 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định việc xử phạt đối với hành vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.
Vậy, hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của anh Việt là vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định nêu trên.
Tình huống 10
Khi thấy con trai có hành vi bạo lực gia đình đối với con dâu, bà Hảo không những không can ngăn mà còn có những lời nói kích động khiến chị Dương là con dâu càng bị đánh đau hơn. Chị Dương muốn biết, hành vi của bà Hảo có vi phạm pháp luật không và bị xử phạt như thế nào?
Việc không căn ngăn con trai có hành vi bạo lực gia đình đối với con dâu và có những lời nói kích động khiến con dâu bị đánh đau hơn của bà Hảo là vi phạm pháp luật. Hành vi của bà Hảo sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau:
“Điều 61. Hành vi cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình”.
Vậy, hành vi trên của bà Hảo là vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định nêu trên.
Đang Online: 87
Tổng lượng truy cập: