Ngày 10 tháng 12 năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (sau đây viết là Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang biên soạn tài liệu Quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, dưới hình thức Hỏi - đáp như sau:
1. HỎI: Nguyên tắc lồng ghép các nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 được quy định như thế nào?
ĐÁP:
Điều 3 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc lồng ghép các nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, như sau:
1. Tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ*[1]; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định của Trung ương, của tỉnh liên quan đến nguồn vốn ngân sách để thực hiện lồng ghép.
2. Việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn tỉnh để thực hiện các danh mục dự án, dự án thành phần, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình (gọi tắt là dự án), phải trên cùng một địa bàn cấp xã, cấp huyện và có mục tiêu, nội dung đầu tư phù hợp với quy định của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên tập trung lồng ghép các nguồn vốn thực hiện nội dung, hoạt động trên địa bàn các huyện nghèo và xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã phấn đấu đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nhằm hoàn thành mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia; các nội dung, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có tính động lực trong phát huy lợi thế của từng địa phương.
3. Phù hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, dự án; không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn.
4. Quá trình lồng ghép nguồn vốn phải được thực hiện đồng bộ từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn; hạn chế lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện một nhiệm vụ hoặc nguồn vốn không tương đồng, nguồn vốn có cơ chế sử dụng theo đặc thù.
5. Tăng cường phân cấp cho địa phương quản lý, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. HỎI: Các nguồn vốn thực hiện lồng ghép được quy định như thế nào?
Điều 4 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định các nguồn vốn thực hiện lồng ghép, như sau:
1. Nguồn vốn ngân sách:
a) Vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).
b) Vốn ngân sách địa phương: Ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách xã (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp).
c) Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước.
d) Vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO).
đ) Các nguồn hợp pháp khác.
2. Nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng:
a) Vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
b) Đóng góp bằng tiền, hiện vật, hiến đất hoặc ngày công lao động của các doanh nghiệp, tổ chức, người dân, cộng đồng dân cư.
c) Các nguồn vốn hợp pháp khác.
3. HỎI: Nội dung lồng ghép các nguồn vốn được quy định như thế nào?
Điều 5 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định nội dung lồng ghép các nguồn vốn, như sau:
Nội dung thực hiện lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP*[2], cụ thể như sau:
1. Đối với dự án xây dựng kết cấu hạ tầng:
1.1. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng:
- Công trình giao thông: Xây dựng đường trục xã; Bê tông hóa đường trục thôn - liên thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng.
- Công trình thủy lợi: Hồ, đập thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, kè.
- Công trình giáo dục: Xây dựng trường Mầm non, trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở.
- Công trình Y tế: Xây dựng, nâng cấp trạm Y tế xã.
- Công trình văn hóa: Xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa trung tâm xã; sân thể thao xã; xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn.
- Công trình cấp nước sinh hoạt: Xây dựng, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
- Chợ nông thôn: Đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ nông thôn.
- Hệ thống lưới điện nông thôn: Cải tạo chống quá tải lưới điện, điện chiếu sáng các trục đường nông thôn.
1.2. Mức hỗ trợ
a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu tư đối với dự án thực hiện trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
b) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần vốn, phần còn lại do người dân đóng góp và huy động từ nguồn vốn hợp pháp khác tại địa phương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù; tỷ lệ % mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
c) Đối với các dự án khác thực hiện theo các quy định hiện hành.
2. Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng, phát triển sản xuất theo nhiệm vụ): Thực hiện theo quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP*[3]. Ưu tiên thực hiện lồng ghép vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các mô hình liên kết phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô phù hợp đối với phát triển chuỗi giá trị, đạt được mục tiêu và hiệu quả, tính bền vững của dự án, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
3. Đối với hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện; thông tin, tuyên truyền về các Chương trình mục tiêu quốc gia: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí để thực hiện đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng, người dân, thành viên Ban Chỉ đạo, bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập huấn, thông tin, tuyên truyền để tránh việc nhiều chương trình, cơ quan, đơn vị cùng tổ chức lớp tập huấn, hoạt động thông tin, tuyên truyền về một nội dung, chuyên đề, chủ đề trên cùng một địa bàn, với cùng một nhóm đối tượng.
4. Hoạt động kiểm tra, đánh giá, hội nghị triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp.
4. HỎI: Các bước thực hiện lồng ghép các nguồn vốn được quy định như thế nào?
Điều 6 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định các bước thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ hằng năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của cấp có thẩm quyền và tình hình thực tế của địa phương lập danh mục các dự án, nội dung, chương trình kế hoạch thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong năm trình Hội đồng nhân dân xã phê duyệt, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện. Danh mục công trình, dự án, nội dung thực hiện phải đảm bảo đúng nội dung hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp danh mục công trình, dự án, nội dung đảm bảo theo quy định và tổng hợp kế hoạch chung toàn huyện (bao gồm danh mục các công trình, dự án, nội dung và đề xuất kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn) gửi các sở chuyên ngành để xin ý kiến thống nhất trước khi gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh (các cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025).
3. Các sở, ban, ngành được giao thực hiện nhiệm vụ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia căn cứ hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng kế hoạch 05 năm và hằng năm, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát kế hoạch thực hiện các nội dung, danh mục công trình, dự án theo thứ tự ưu tiên liên quan đến ngành mình quản lý, nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch và đề xuất khả năng lồng ghép các nguồn vốn do ngành quản lý, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan đơn vị có liên quan.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ngành về nhu cầu vốn thực hiện từng nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề xuất khả năng lồng ghép các nguồn do ngành theo dõi, quản lý gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm được giao thẩm định kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia toàn tỉnh, kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Thời gian thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lồng ghép và phân bổ nguồn vốn đảm bảo theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
5. HỎI: Cơ chế quản lý các nguồn vốn lồng ghép được quy định như thế nào?
Điều 7 Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế quản lý các nguồn vốn lồng ghép, như sau:
1. Đối với các nguồn vốn Ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định hiện hành. Đối với nội dung đầu tư sử dụng nguồn vốn viện trợ phi Chính phủ (NGO) thực hiện theo ký kết với nhà tài trợ.
2. Đối với các nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nguồn vốn đóng góp của cộng đồng thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với bên tài trợ và phải bảo đảm thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện theo quy định của tổ chức tín dụng và pháp luật hiện hành./.
Đang Online: 28
Tổng lượng truy cập: