Ngày 07 tháng 7 năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2023 (sau đây viết là Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang biên soạn tài liệu Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dưới hình thức Hỏi - đáp, như sau:
1. HỎI: Việc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được quy định như thế nào?
ĐÁP:
Điều 3 Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định việc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, như sau:
1. Hỗ trợ tối đa tổng chi phí thực hiện một (01) dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo địa bàn thuộc phạm vi đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia: Địa bàn đặc biệt khó khăn 80%; địa bàn khó khăn 70%; địa bàn khác 50%. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
b) Hỗ trợ chi phí tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản lý chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
c) Hỗ trợ chi phí hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
d) Hỗ trợ chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, mở rộng các kênh phân phối. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/dự án.
đ) Hỗ trợ chi phí xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; bao bì, nhãn mác sản phẩm. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
e) Hỗ trợ chi phí mua vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất; giống cây trồng, vật nuôi. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 5.000 triệu đồng/dự án.
g) Hỗ trợ chi phí quản lý dự án. Mức hỗ trợ không vượt quá 3% tổng kinh phí ngân sách nhà nước phê duyệt thực hiện dự án.
2. Trường hợp dự án thực hiện trên nhiều địa bàn khác nhau thì nội dung dự án thực hiện tại địa bàn nào sẽ được hưởng mức hỗ trợ của địa bàn đó theo quy định.
3. Đối với mỗi nội dung hỗ trợ liên kết quy định tại khoản 1 Điều này, các bên tham gia liên kết ở nội dung nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ của nội dung đó theo quy định.
2. HỎI: Việc chi hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng được quy định như thế nào?
Điều 4 Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định việc chi hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, như sau:
1. Hỗ trợ tối đa tổng chi phí thực hiện một (01) dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo địa bàn thuộc phạm vi đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia: Địa bàn đặc biệt khó khăn 95%; địa bàn khó khăn 80%; địa bàn khác 60%. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Hỗ trợ chi phí tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người tham gia dự án, tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ, nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ, nhóm. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/dự án.
b) Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
c) Hỗ trợ chi phí vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi. Mức hỗ trợ chi phí theo thực tế nhưng tối đa không quá 600 triệu đồng/dự án.
d) Hỗ trợ chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/dự án.
đ) Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/dự án.
e) Hỗ trợ chi phí tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả. Mức hỗ trợ theo chi phí thực tế nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/dự án.
g) Hỗ trợ chi phí quản lý dự án. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3% tổng kinh phí ngân sách nhà nước phê duyệt thực hiện dự án.
2. Đối với mỗi loại hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng quy định tại khoản 1 Điều này, cộng đồng dân cư thực hiện dự án sản xuất cộng đồng ở nội dung nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ của nội dung đó theo quy định.
3. HỎI: Nguồn kinh phí thực hiện dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng được quy định như thế nào?
Điều 5 Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định nguồn kinh phí thực hiện dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, như sau:
Nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các nguồn vốn hợp pháp khác./.
Đang Online: 77
Tổng lượng truy cập: