Tình huống 1:
Anh Long và anh Cường là hai gia đình ở gần nhau, trong quá trình xây dựng nhà, anh Long đã để đường ống dẫn nước mưa của nhà mình chảy xuống mảnh vườn rau phía sau nhà anh Cường, mỗi khi mưa lớn xảy ra đều gây ngập úng và toàn bộ vườn rau nhà anh Cường bị chết hết. Anh Cường thấy vậy nên đã nhiều lần đề nghị anh Long sửa lại đường dẫn nước của nhà anh. Tuy nhiên anh Long đã không đồng ý và anh cho rằng việc anh để đường ống nước mưa chảy xuống vườn nhà anh Cường là không ảnh hưởng gì nên anh không sửa lại theo đề nghị của anh Cường. Từ sự việc trên dẫn đến gây căng thẳng giữa hai gia đình.
Hỏi: Việc anh Long không làm lại đường ống dẫn nước mưa như vậy đúng hay sai?
Trả lời: Theo Điều 250 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa như sau:
“Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng”.
Đối chiếu với quy định trên, việc anh Long phản đối không làm lại ống nước mưa khi anh Cường yêu cầu là hoàn toàn sai. Anh Long phải có nghĩa vụ làm lại đường ống dẫn nước của gia đình đúng quy định pháp luật.
Tình huống 2:
Gia đình bà Quỳnh có nuôi 05 con trâu. Buổi tối xuống thì đàn trâu tự 5 về chuồng, khi ra đóng cửa chuồng trâu thì bà Quỳnh phát hiện có một con nghé lạc vào đàn trâu của nhà bà. Bà Quỳnh đã đi hỏi các gia đình có nuôi trâu gần đó và báo với Ủy ban nhân dân xã nhưng không thấy gia đình nào báo mất ghé. Vì thế bà đã nuôi chúng cùng với đàn trâu của mình. Khoảng một tháng sau, có ông Tùng ở xã bên đến tìm bà Quỳnh và xác nhận đó là nghé của gia đình ông bị lạc nên muốn nhận lại.
Hỏi: Bà Quỳnh có phải trả lại con ghé cho ông Tùng không?
Trả lời:
Điều 231 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau:
“1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc”.
Theo quy định nêu trên, bà Quỳnh phải trả lại con ghé cho ông Tùng, đồng thời ông Tùng phải trả cho bà Quỳnh các khoản chi phí chăm sóc, nuôi giữ con ghé.
Tình huống 3:
Anh Hà là người Bắc Giang dân tộc kinh lấy chị Yến là người dân tộc Mông tại xã Côn Lôn huyện Na Hang. Sau khi kết hôn anh chị đã về sinh sống tại xã Côn Lôn huyện Na Hang. Con anh chị khi sinh khi sinh ra lấy dân tộc kinh theo dân tộc của bố. Nay con anh Hà là Tú đã 15 tuổi anh muốn xác định lại dân tộc cho con theo dân tộc mẹ.
Hỏi: Việc anh Hà muốn xác định lại dân tộc cho con mình theo dân tộc mẹ có được không?
Trả lời: Con trai anh Hà là cháu Tú (15 tuổi) có quyền xác định lại dân tộc theo dân tộc của mẹ theo khoản 1, khoản 3 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc, như sau:
“1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.
3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình
4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó…”
Vì vậy căn cứ các quy định trên anh Hà có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác định lại dân tộc cho con anh theo dân tộc của mẹ.
Tình huống 5:
Ônh Hòa là hàng xóm sát vách với nhà bà Thanh, hiện ông mới làm nhà và cần lắp đường điện tuy nhiên đường điện này phải đi qua nhà bà Thanh. Ông Hòa đã nhiều lần sang gia đình bà Thanh đề nghị cho gia đình ông mắc đường điện đi qua nhà bà nhưng lần nào bà Thanh cũng ngăn cản và không đồng ý cho gia đình ông làm đường dây điện chạy qua nhà bà với lý do không đảm bảo an toàn.
Hỏi: Ông Hòa có được mắc đường dây điện chạy qua bất động sản của nhà bà Thanh không?
Trả lời: Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác, như sau:
“Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Căn cứ quy định trên, yêu cầu của gia đình ông Hòa là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với pháp luật. Để thực hiện được, ông Hòa phải đảm bảo sự an toàn về đường dây điện cho gia đình bà Thanh trong quá trình sử dụng.
Tình huống 6:
Bố mẹ Hoàng mất sớm, để lại cho Hoàng một căn nhà ba tầng. Một thời gian sau Hoàng đã lấy vợ và đã có con. Vì Hoàng nghiện ma túy nhiều năm nay, không có công việc ổn định và thu nhập nên không có tiền để tiêu sài hút chích, có bao nhiêu tài sản trong nhà lần lượt bị Hoàng mang đi bán, nay Hoàng lại đe dọa Vợ con là sẽ bán cả căn nhà của gia đình đi để có tiền tiêu sài cá nhân.
Hỏi: Trong trường hợp này Hoàng có bị coi là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không?
Trả lời: Theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự, như sau: “Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích 7 thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”
Như vậy, trong trường hợp này, do Hoàng nghiện ma túy nên gia đình anh Hoàng cần yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố Hoàng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trên cơ sở đó, Hoàng sẽ không thể tự mình thực hiện việc mua bán căn nhà là tài sản có giá trị của gia đình.
Tình huống 7:
Ông Kính không có vợ con, sống một mình. Một lần, khi tham gia giao thông ông bị tai nạn và bị cụt cả hai tay, tuy vậy ông vẫn khỏe và minh mẫn. Hiện nay ông Kính muốn bán căn nhà của mình để có tiền hưởng tuổi già nhưng bản thân ông không thể ký được các loại giấy tờ khi mua bán.
Hỏi: Ông Kính có thể tự mình xác lập việc mua bán nhà ở của ông hay không? Trường hợp của ông có được coi là mất năng lực hành vi dân sự không?
Trả lời: Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.”
Đối chiếu với trường hợp ông Kính chỉ bị hạn chế về khả năng viết do bị cụt cả hai tay, còn trí tuệ của ông hiện vẫn còn minh mẫn, có khả năng nhận thức tốt nên không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo quy định. Do vậy ông Kính có thể toàn quyền thực hiện các giao dịch dân sự để định đoạt tài sản của mình.
Tình huống 8:
Ông Minh năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông muốn chia tài sản là căn nhà đang ở và mảnh đất cho 2 hai con của ông. Vì tuổi cao sức yếu nên ông Minh không thể tự mình viết di chúc được.
Hỏi: Ông Minh có thể lập di chúc miệng được không hay bắt buộc phải lập di chúc bằng văn bản?
Trả lời: Căn cứ Điều 627 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức của di chúc thì “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng” do đó, ông Minh hoàn toàn có thể di chúc miệng chia tài sản của ông cho các con của ông.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định, di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Theo đó, để di chúc miệng được công nhận là hợp pháp, ông Minh có thể nhờ hai người làm chứng cho việc lập di chúc và tiến hành các thủ tục pháp lý nêu trên. Tuy nhiên, để được làm chứng cho việc lập di chúc, người làm chứng phải đáp ứng được các điều kiện của người làm chứng quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể người làm chứng không phải là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; hoặc người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; hoặc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Tình huống 9:
Vợ chồng anh Tính sống hạnh phúc với nhau đã gần 14 năm nay. Thời gian gần đây, vợ anh đi làm và bị tai nạn dẫn đến mất trí nhớ đồng thời phải nghỉ việc. Mọi công việc trong gia đình giờ đây đều do một tay anh Tính là người đứng ra lo toan, sắp xếp.
Hỏi: Trong trường hợp này anh Tính có đương nhiên được coi là người giám hộ cho vợ mình hay không?
Trả lời: Theo Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ”
Như vậy đối chiếu theo quy định nêu trên, do vợ anh Tính bị tai nạn và mất năng lực hành vi dân sự (mất trí nhớ) nên anh Tính là người giám hộ đương nhiên của vợ mình.
Tình huống 10:
Gia đình ông Minh có một ngôi nhà ở trong cùng của ngõ. Khi xây dựng nhà mới, ông Minh có sang nhà ông Hưng nói chuyện về việc gia đình ông muốn làm đường ống nước thải và chỉ có cách duy nhất là phải đặt đường ống này đi qua diện tích đất của nhà ông Hưng để dẫn đến hệ thống thoát nước thải chung của cả thôn. Ông Hưng không đồng ý, vì cho rằng nếu đường ống nước thải nhà ông Minh làm qua diện tích đất nhà mình sẽ làm ô uế sang phần đất của nhà ông đang sinh sống.
Hỏi: Việc ông Hưng không đồng ý để gia đình ông Minh làm đường ống thoát nước thải qua đất nhà mình như vậy có đúng không?
Trả lời: Theo Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau:
“Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp,thoát nước không phải bồi thường thiệt hại”.
Đối chiếu với quy định trên, việc ông Hưng phản đối không cho gia đình ông Minh làm đường ống nước thải qua phần diện tích đất nhà mình là sai. Ông Hưng phải tạo điều kiện cho gia đình ông Minh làm đường ống thoát nước đi qua diện tích đất của nhà ông, đồng thời ông Minh phải đảm bảo hạn chế đến mức thất nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua.
Đang Online: 78
Tổng lượng truy cập: