Tình huống 1:
Ngày 20/07/2022, anh Hùng được UBND xã Thổ Bình cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích để “làm hồ sơ vay vốn ngân hàng”. Tuy nhiên, sau đó do không có nhu cầu vay vốn nữa nên anh Hùng chưa sử dụng đến Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân này. Đến ngày 05/02/2023, anh Hùng và chị Tình đến UBND xã Phúc Sơn (nơi cư trú của chị Tình) để làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Hỏi: Anh Hùng có thể sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã Thổ Bình cấp ngày 20/07/2022 để làm thủ tục đăng ký kết hôn được không?
Trả lời:
Anh Hùng không thể sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã Thổ Bình cấp ngày 20/07/2022 để làm thủ tục đăng ký kết hôn được. Vì theo khoản 1 và Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch như sau:
“Điều 23. Giá trị sử dụng của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
1. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.
…
3.Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận”.
Như vậy, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân anh Hùng được cấp đã quá thời gian 6 tháng kể từ ngày cấp và sử dụng vào mục đích khác là làm thủ tục đăng ký kết hôn nên anh Hùng không thể sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã Thổ Bình cấp ngày 20/07/2022 cho anh với mục đích “làm hồ sơ vay vốn ngân hàng” để làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị Tình được. Vì vậy, anh Hùng phải đến UBND xã Thổ Bình xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khác với mục đích là để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì mới đủ điều kiện đăng ký kết hôn với chị Tình được.
Tình huống 2
Anh Hoàng và chị Lan có đăng ký kết hôn với nhau. Tuy nhiên, do mâu thuẫn nên anh Hoàng và chị Lan đã không sống chung với nhau gần một năm nay, hai anh chị chưa làm thủ tục ly hôn. Trong thời gian không sống chung này, chị Lan có quen biết với anh Tùng. Vào tuần trước, chị Lan đã hạ sinh một bé gái, chị Lan cho rằng bé gái này không phải là con chung giữa chị và anh Hoàng mà là con của chị với anh Tùng.
Hỏi: Chị Lan tới UBND xã để đăng ký khai sinh cho con và yêu cầu phần khai về người cha trong giấy khai sinh ghi thông tin của anh Tùng có được hay không?
Con gái của chị Lan được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của chị và anh Hoàng.
Theo khoản 4, Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch:
“Điều 16. Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt
...
4. Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chunghoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.
Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bảntừ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này”.
Như vậy việc chị Lankhông thừa nhận đứa trẻ là con chung của chị với anh Hoàngthì trước tiên chị Lan phải yêu cầu Toà án nhân dânxác định theo quy định pháp luật. Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết vàanh Tùngđăng ký nhận cha, con thìphần khai về người cha trong giấy khai sinh của con chị Lanmới được ghi thông tin của anh Tùng
Tình huống 3
Chị Phương và anh Việt có với nhau một người con chung hiện nay cháu được 5 tuổi. Sau khi ly hôn với anh Việt, do chị Phương không muốn con mang theo họ của anh Việt, chị Phương đã tới UBND xã làm thủ tục thay đổi họ của con từ họ của anh Việt (người cha) sang họ của chị Phương (người mẹ). Tuy nhiên, UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh Việt thì chị Phương mới được làm thủ tục thay đổi họ cho con. Chị Phương cho rằng chị và anh Việt đã ly hôn, nên chị có quyền tự mình yêu cầu thay đổi họ cho con mà không cần có sự đồng ý của anh Việt.
Hỏi: Trong trường hợp trên việc UBND xã yêu cầu chị Phương phải có sự đồng ý của anh Việt khi chị làm thủ tục thay đổi họ cho con có đúng không?
Theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định như sau:
“Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
“Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó…”.
Như vậy con chung của chị Phương và anh Việt hiện nay 5 tuổi, do đó việc thay đổi họ cho con của chị Phương và anh Việt phải có sự đồng ý của cả anh Việt và chị Phương, việc đồng ý này được thể hiện trong Tờ khai đăng ký việc thay đổi hộtịch. Do đó, việc UBND xã yêu cầu phải có sự đồng ý của anh Việt khi chị Phương làm thủ tục thay đổi họ cho con của anh, chị là đúng quy định của pháp luật
Tình huống 4
Vừa qua, nhà chị An không may xảy ra hỏa hoạn, mọi đồ đạc, giấy tờ trong gia đình đều bị ngọn lửa thiêu rụi. Chị An đã đến UBND xã đề nghị đăng ký lại việc sinh để được cấp Giấy khai sinh. Được biết chị An sinh năm 1971, và sổ hộ tịch lưu giữ tại UBND xã nơi chị đăng ký khai sinh cũng không còn lưu được thông tin hộ tịch của chị.
Hỏi: Chị An có được đăng ký lại việc sinh không? Thủ tục hồ sơ đăng ký lại khai sịnh như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch về Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử, như sau:
“Điều 24. Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử
“1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại”.
Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký lại khai sinh, như sau:
“Điều 26. Thủ tục đăng ký khai sinh
“1. Hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;
b) Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;
c) Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.”
Như vậy Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi chị An đang thường trú là cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại khai sinh cho chị. Căn cứ quy định nêu trên chị An thực hiện các thủ tục cần thiết khi đi đăng ký lại việc sinh của mình.
Tình huống 5:
Chị Kiên năm nay 20 tuổi. Khi sinh ra vì gia đình không có con trai nên bố mẹ đặt tên cho chị giống tên con trai. Trong suốt quá trình đi học chị bị bạn bè cười nhạo, trêu chọc; đến khi đi làm rất nhiều người nhầm lẫn và tưởng chị là con trai, thậm chí người quản lý nhà ở của doanh nghiệp còn bố trí tên chị trong doanh sách ở phòng cùng với nam giới. Chị Kiên cảm thấy tự ti, ngại ngùng mỗi khi giới thiệu tới tên của mình. Vì vậy, chị Kiên muốn đổi lại tên cho mình.
Hỏi: Chị Kiên có thể làm thủ tục thay đổi tên hay không? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
- Theo điểm a Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền thay đổi tên như sau:
“ 1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó”.
Căn cứ vào quy định trên chị Kiên có quyền được thay đổi tên hiện tại trên giấy khai sinh của mình do tên của chị dễ gây nhầm lẫn.
- Thẩm quyền giải quyết được quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, như sau:
“3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.”
Vì vậy chị Kiên có thể nộp hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi thường trú của chị để đề nghị đăng ký việc thay đổi hộ tịch cho mình.
Tình huống 6
Chị Hương đi chợ sớm thì phát hiện một chiếc làn đặt trước cổng nhà bên trong có một bé trai sơ sinh khoảng hơn một tháng tuổi, bên cạnh có mấy bộ quần áo trẻ sơ sinh và không có giấy tờ gì khác. Thấy cháu khóc nhiều và có vẻ bị đói, chị Hương đã bế cháu vào nhà và bảo người nhà đi mua sữa về cho cháu uống, ngay sau đó gia đình chị đã báo chính quyền địa phương về sự việc trên. Chị Hương thấy cháu bé rất đáng yêu và thương cháu, nên chị đề nghị cơ quan chính quyền được chăm sóc cháu trong thời gian đợi làm các thủ tục cần thiết.
Hỏi: Trong thời gian chăm sóc cháu bé, chị Hương có phải làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu không?
Theo Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi, như sau:
“Điều 14. Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
“1. Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.
2. Sau khi lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi.
3. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ bị bỏ rơi”.
Như vậy căn cứ các quy định nêu trên trong thời gian chị Hương chăm sóc cháu bé mà chưa có ai nhận lại thì chị Hương sẽ là người tiến hành làm các thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ khi được Ủy ban nhân dân xã thông báo.
Tình huống 7
Anh Bình sau gần 10 năm xa quê và đi lập nghiệp chuyển vào Bình Dương sinh sống ổn định lâu dài, vì xa quê đã lâu nên nay anh Bình trở về thăm quê hương tại huyện Lâm Bình. Tuy nhiên do không may khi về thăm bố mẹ tại Lâm Bình, anh Bình đang điều khiển xe máy từ nhà bố mẹ đẻ sang nhà một người anh họ chơi thì bị va chạm xe và anh Bình đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Hỏi:Trường hợp của anh Bình phải đăng ký khai tử ở đâu?
Điều 32 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai tử như sau:
“Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử”.
Như vậy, căn cứ theo Điều 32 Luật Hộ tịch năm 2014 thì trường hợp của anh Bình phải đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của anh là tại tỉnh Bình Dương.
Tình huống 8
Ông Xuân năm nay đã 70 tuổi, ông được nghỉ hưởng chế độ lương hưu với mức 7 triệu đồng/tháng. Do các con ông đi công tác xa nên ông bà ở riêng, không ở cùng với các con. Vừa qua ông nhận được giấy triệu tập của Toà án nhân dân huyện Lâm Bình, ông Xuân là bị đơn trong một vụ án về tranh chấp đất đai. Là người cao tuổi, ông muốn yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện TGPL miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án dân sự nêu trên
Hỏi: Trong trường hợp trên ông Xuân có thuộc diện người được trợ giúp pháp lý không?
Tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về người được trợ giúp pháp lý có khó khăn về tài chính gồm:
“a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
b) Người nhiễm chất độc da cam;
c) Người cao tuổi;
d) Người khuyết tật;
đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự…”
Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật trợ giúp pháp lý quy định về điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý như sau: “Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật”
Theo quy định nêu trên, ông Xuân là người cao tuổi, nhưng ông Xuân không thuộc hộ cận nghèo, không phải là người đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hiện ông đang được hưởng chế độ lương hưu với mức 7 triệu đồng/tháng nên ông Xuân không thuộc diện “Người cao tuổi có khó khăn về tài chính”, không thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Tình huống 9
Vợ chồng anh Hoà thường trú tại huyện Lâm Bình, hiện là đang là công nhân của nhà máy ở tỉnh Băc Giang. Vừa qua vợ anh Hoà có sinh em bé tại tỉnh Bắc Giang. Nơi thường trú của cả hai vợ chồng anh chị hiện vẫn đang ở huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang.
Hỏi: Do điều kiện ở xa, đi lại tốn kém nên anh Hoà muốn ủy quyền cho bố của anh ở quê thực hiện đăng ký khai sinh cho con anh có được không?
Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau:
“Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
“2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh”.
Như vậy Bố mẹ của anh Hoà dù đang ở quê Lâm Bình nhưng bố mẹ anh Hoà vẫn có thể thực hiện việc đăng ký khai sinh cho cháu mình mà không cần phải có văn bản ủy quyền của vợ chồng anh Hoà.
Tình huống 10
Chị Phương năm nay 20 tuổi. Mới đây, khi đọc kỹ lại giấy tờ của mình, chị Phương thấy trong Giấy khai sinh của chị, tên của mẹ chị là Nguyễn Thị Anh bị ghi nhầm thành Nguyễn Thị Ánh, trong khi đó giấy khai sinh và các giấy tờ của mẹ chị đều ghi Nguyễn Thị Anh.
Hỏi: Nay chị muốn đề nghị sửa lại tên của mẹ mình có được không? thẩm quyền giải quyết việc thủ tục đăng ký thay đổi cải chính?
Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/ 11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định cải chính hộ tịch:
“Điều 17. Cải chính Hộ tịch
“1. Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồsơ, giấy tờ cá nhân khác”.
Điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký hộ tịch như sau:
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau:
b) Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc...”.
Như vậy, Chị Phương có thể làm thủ tục đăng ký cải chính thông tin hộ tịch trên giấy khai sinh của mẹ mình. Do chị Phương đã trên 14 tuổi nên việc đổi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật hộ tịch năm 2014 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thủ tục đăng ký thay đổi cải chính hộ tịch là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đang Online: 95
Tổng lượng truy cập: