Tình huống 1
Bố mẹ anh Sếnh (ông Páo và bà Mỷ) có mảnh đất tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang muốn để lại cho anh, tuy nhiên ông bà Páo Mỷ không được đi học, do đó họ không biết viết chữ. Anh Sếnh muốn biết, khi bố mẹ mình ra yêu cầu công chứng mà họ không biết chữ, không biết ký thì có được điểm chỉ thay thế việc ký vào văn bản công chứng không?
Trả lời:
Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, như sau:
“1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng”.
Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 48 thì ông Páo và bà Mỷ không biết chữ, không biết ký, do đó ông Páo và bà Mỷ được điểm chỉ thay thế việc ký vào văn bản công chứng.
Tình huống 2
Bà Hoa có 02 mảnh đất, trong lúc còn minh mẫn bà muốn viết di chúc để lại tài sản cho hai con của mình, tuy nhiên hiện nay bà già yếu, còn bị liệt nửa người, không thể đi lại được. Bà Hoa muốn biết, mình có thể mời công chứng viên tới tận nhà để công chứng di chúc cho mình được không?
Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 quy định về địa điểm công chứng, như sau:
“1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì bà Hoa là người già yếu, không thể đi lại được, do đó, bà hoàn toàn có thể mời công chứng viên tới tận nhà để công chứng di chúc cho mình.
Tình huống 3
Gia đình anh Quân có căn nhà tại thành phố Tuyên Quang. Năm 2021, anh Quân chuyển công tác xuống Hà Nội, một năm sau, cả gia đình anh chuyển hẳn về Hà Nội sinh sống. Hiện nay, gia đình anh Quân muốn bán căn nhà tại thành phố Tuyên Quang cho anh Nam. Anh Quân muốn biết, tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang hay tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội có thẩm quyền công chứng hợp đồng mua bán nhà đất cho anh và anh Nam?
Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 quy định về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản, như sau:
“Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.
Như vậy, căn cứ Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 thì “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở”, do đó, căn nhà tại thành phố Tuyên Quang mà anh Quân muốn bán cho anh Nam (Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất) phải do tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang công chứng.
Tình huống 4
Bố mẹ anh Hoàng và anh Gia chết có để lại di chúc cho 2 anh em mỗi người 1 mảnh đất ở quê tại tỉnh Tuyên Quang, anh Hoàng hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, anh Hoàng kinh tế tốt, có nhà, có xe. Thấy em trai mình (anh Gia) kinh tế khó khăn lại đang nuôi con cái học hành nên anh Hoàng muốn từ chối di sản là mảnh đất bố mẹ cho và để lại cho anh Gia. Anh Hoàng muốn biết, tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội có thẩm quyền công chứng văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản ở tỉnh Tuyên Quang không để tiện cho anh trong việc thực hiện thủ tục công chứng nêu trên?
Căn cứ quy định trên, thì trường hợp “công chứng văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản” không bị giới hạn bởi địa giới hành chính, do đó tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội có thẩm quyền công chứng văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản ở tỉnh Tuyên Quang.
Tình huống 5
Vừa qua, anh Nghĩa và chị Oanh cùng ra Phòng Công chứng để công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô, tuy nhiên, sau đó điều kiện kinh tế của anh Nghĩa (bên mua) đột nhiên gặp khó khăn, anh Nghĩa và chị Oanh thoả thuận, thống nhất huỷ không thực hiện hợp đồng mua bán xe máy nữa. Hỏi, pháp luật có cho phép huỷ bỏ Hợp đồng, giao dịch đã được công chứng không?
Điều 51 Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch, như sau:
“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này”.
Như vậy, căn cứ khoản 1, Điều 51 Luật Công chứng 2014 thì pháp luật cho phép được huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng khi các bên cùng thoả thuận, thống nhất, cam kết bằng văn bản huỷ hợp đồng.
Tình huống 6
Anh Sơn và anh Tùng công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang. Nay anh Sơn muốn có thêm 02 bản sao công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô thì có được cấp không? Và đơn vị nào có thẩm quyền cấp?
Điều 65 Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc cấp bản sao văn bản công chứng như sau:
“1. Việc cấp bản sao văn bản công chứng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật này;
b) Theo yêu cầu của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.
2. Việc cấp bản sao văn bản công chứng do tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ bản chính văn bản công chứng đó thực hiện”.
Căn cứ quy định nêu trên, anh Sơn có quyền được xin cấp bản sao văn bản công chứng và Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang (tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ bản chính văn bản công chứng) sẽ là đơn vị cấp bản sao công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô cho anh Sơn.
Tình huống 7
Bố mẹ chị Hoa và anh Minh mất không để lại di chúc, tài sản bố mẹ để lại gồm 02 mảnh đất và 04 sổ tiết kiệm, 2 anh em đã thoả thuận, thống nhất chia đôi tài sản, anh chị muốn biết, họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản do bố mẹ để lại không?
Điều 57 Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản”.
Căn cứ quy định trên, chị Hoa và anh Minh hoàn toàn có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của bố mẹ để lại.
Tình huống 8
Bà Hà muốn công chứng bản di chúc phân chia tài sản cho con cháu, nhưng hiện nay bà Hà đang bị ốm, đi lại khó khăn. Bà Hà muốn biết mình có thể ủy quyền cho người khác đến Phòng công chứng để yêu cầu công chứng bản di chúc trên được không?
Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc công chứng di chúc, như sau:
“1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.
Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.
3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 thì bà Hà không thể ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc của mình được mà phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc.
Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 quy định, như sau:
“2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp này, bà Hà bị ốm, đi lại khó khăn thì có thể yêu cầu công chứng viên đến nhà riêng để công chứng di chúc cho bà.
Tình huống 9
Ông Thành có địa chỉ thường trú tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, khi nộp hồ sơ nhập học cho con gái tại Trường Trung học phổ thông Yên Hoa (thuộc xã Yên Hoa, huyện Na Hang) ông thiếu mất bản sao giấy khai sinh của cháu, lúc này ông Thành đang cầm trong tay bản chính giấy khai sinh muốn đến UBND xã Yên Hoa để chứng thực bản sao giấy khai sinh rồi nộp luôn cho Nhà trường. Hỏi, ông Thành có thể đến UBND xã Yên Hoa thực hiện chứng thực bản sao giấy khai sinh được không?
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định như sau:
“Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính”.
Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực…. 5. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực”.
Căn cứ các quy định nêu trên, ông Thành có thể đến UBND xã Yên Hoa hoặc bất kỳ UBND cấp xã nào để đề nghị chứng thực bản sao giấy khai sinh.
Tình huống 10
16 giờ ngày 01/11/2023, chị Nguyệt đến Ủy ban nhân dân xã Hồng Thái yêu cầu chứng thực 20 bản sao gồm nhiều loại bản chính giấy tờ, văn bản. Công chức tiếp nhận hồ sơ đã hẹn chị thêm 01 ngày nữa đến nhận. Chị Nguyệt được biết, đã có quy định chứng thực phải trả trong ngày làm việc, vậy thời gian hẹn của công chức xã Hồng Thái có đúng theo quy định của pháp luật không?
Tại các Điều 7, Điều 21, Điều 33 và Điều 37 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định như sau:
“Điều 7. Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực
Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ trường hợp quy định tại các Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định này.
Điều 21. Gia hạn thời gian chứng thực bản sao từ bản chính
Đối với trường hợp cùng một lúc yêu cầu chứng thực bản sao từ nhiều loại bản chính giấy tờ, văn bản; bản chính có nhiều trang; yêu cầu số lượng nhiều bản sao; nội dung giấy tờ, văn bản phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu mà cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực không thể đáp ứng được thời hạn quy định tại Điều 7 của Nghị định này thì thời hạn chứng thực được kéo dài thêm không quá 02 (hai) ngày làm việc hoặc có thể dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.
Điều 33. Thời hạn chứng thực chữ ký người dịch
Thời hạn chứng thực chữ ký người dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.
Điều 37. Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch
Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực”.
Căn cứ các quy định trên, về nguyên tắc thời gian thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày, tuy nhiên, có những trường hợp phức tạp, cần thời gian kiểm tra, đối chiếu, pháp luật cho phép gia hạn thời gian chứng thực bản sao từ bản chính được kéo dài thêm không quá 02 (hai) ngày làm việc, hoặc có thể dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực. Như vậy, thời hạn hẹn trả kết quả chứng thực của công chức xã Hồng Thái trong trường hợp trên là đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc chứng thực bản sao từ bản chính khá đơn giản, vì vậy công chức xã cũng cần linh hoạt thực hiện chứng thực ngay trong ngày để tạo điều kiện cho công dân không phải đi lại nhiều lần (trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng khác)
Đang Online: 73
Tổng lượng truy cập: