Tình huống 1
Chị My là hòa giải viên ở thôn Phúc Long 1 xã Thành Long huyện Hàm Yên, vừa rồi mẹ chị My (bà Huế) và bà Tươi có xảy ra tranh chấp đất đai với nhau. Bà Huế và bà Tươi đã đề nghị Tổ hoà giải của thôn để giải quyết, chị My (là con gái bà Huế) muốn được hòa giải vụ việc liên quan đến gia đình mình, tuy nhiên, anh Sơn - Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công vì cho rằng chị My có quyền, lợi ích liên quan đến vụ việc. Chị My muốn biết, anh Sơn - Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công chị tiến hành hòa giải vụ việc trên là đúng hay sai theo quy định của pháp luật? Vì sao?
Trả lời:
Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định về phân công hòa giải viên, như sau:
“1. Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn hòa giải viên.
2. Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
3. Trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải viên vi phạm nguyên tắc hoạt động hòa giải hoặc nghĩa vụ khác của hòa giải viên thì tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên khác thực hiện việc hòa giải”.
Như vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, việc anh Sơn - Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công chị My tiến hành hòa giải vụ việc trên là đúng, vì chị có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải.
Tình huống 2
Anh Trung và chị Hạnh kết hôn từ năm 2015, đến nay, vợ chồng đã có 02 đứa con. Những năm đầu, cuộc sống gia đình anh chị rất đầm ấm, hạnh phúc. Thế nhưng, một năm trở lại đây anh Trung thường xuyên về nhà muộn, hay đi tụ tập với bạn bè, bỏ bê việc nhà, ít quan tâm đến gia đình. Thấy chồng mình thay đổi, chị Hạnh rất buồn, hai người thường xuyên cãi vã, lời ra tiếng vào, một hôm, mâu thuẫn đỉnh điểm hai anh chị xảy ra xô xát, đồ đạc trong nhà, nồi, niêu, bát đũa đều bị anh Trung đập phá, ném hết ra ngoài đường, khiến 02 đứa con hoảng sợ khóc ầm ĩ. Thấy vậy, anh Việt là thành viên tổ hoà giải cũng là hàng xóm ra khuyên can, không may trong lúc đến nhà để khuyên giải thì bị chiếc nồi do anh Trung ném đi trúng vào đầu anh, khiến anh Việt bị thương phải nhập viện. Gia đình anh Việt muốn biết, anh Việt có được Nhà nước hỗ trợ khi gặp tai nạn, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe khi đang thực hiện hòa giải vụ việc trên hay không?
Khoản 7 Điều 18 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định, như sau:
“Điều 9. Quyền của hòa giải viên
…7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải…”
Điều 16 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định về trường hợp hòa giải viên được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải như sau:
“1. Bị tai nạn hoặc rủi ro trong khi đang thực hiện hòa giải.
2. Bị tai nạn hoặc rủi ro trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý”.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì anh Việt được Nhà nước hỗ trợ vì gặp tai nạn, rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe khi thực hiện hòa giải vụ việc.
Tình huống 3
Gia đình bà Mai và bà Cúc có tranh chấp đất liên quan đến lối đi chung giữa hai nhà, hai bên gia đình cũng đã ngồi lại với nhau để thỏa thuận, tuy nhiên vẫn không tìm được tiếng nói chung, sau khi tự hòa giải không thành, gia đình bà Mai và bà Cúc muốn biết mình có thể đề nghị Tổ hòa giải của thôn để hòa giải vụ việc liên quan đến đất đai hay không?
Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định, như sau:
“1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm”.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định, như sau:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở…”.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, gia đình bà Mai và bà Cúc hoàn toàn có thể đề nghị Tổ hòa giải của thôn để hòa giải vụ việc trên.
Tình huống 4
Chị Thu có bằng đại học Luật, sau khi về nhà, chị có mong muốn tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, chị muốn biết hòa giải viên đảm bảo tiêu chuẩn gì? Việc bầu, công nhận hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?
* Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định tiêu chuẩn hòa giải viên, như sau:
Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
* Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định bầu, công nhận hòa giải viên, như sau:
1. Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 nêu trên có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.
2. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;
b) Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.
3. Kết quả bầu hòa giải viên:
a) Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;
b) Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;
c) Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;
d) Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.
Như vậy, để trở thành hòa giải viên ở cơ sở thì chị Thu cần đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở và phải được bầu, công nhận hòa giải viên theo quy định tại Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở.
Tình huống 5
Ông Long là công chức nghỉ hưu, ông muốn làm hòa giải viên ở cơ sở. Ông muốn biết, hòa giải viên ở cơ sở có các quyền, nghĩa vụ gì?
* Điều 9 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định, Hòa giải viên có các quyền sau đây:
1. Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
2. Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.
3. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.
4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.
5. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.
6. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.
8. Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.
9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 và khoản 7 Điều này.
* Điều 10 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định, Hòa giải viên có các nghĩa vụ, sau đây:
1. Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
2. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
3. Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
4. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.
5. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.
Như vậy, hòa giải viên có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 9 và 10 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 nêu trên.
Tình huống 6
Bà Hằng làm hòa giải viên ở cơ sở đã được hơn 05 năm, mọi người trong tổ hòa giải thấy bà có khả năng thuyết phục, có uy tín. Do vậy, các hòa giải viên trong tổ hòa giải muốn bầu bà Hằng làm tổ trưởng tổ hòa giải; bà Hằng muốn biết tổ trưởng tổ hòa giải có phải do hòa giải viên bầu không và tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ gì?
* Điều 14 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định tổ tưởng tổ hòa giải, như sau:
1. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.
2. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận.
* Điều 15 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, quy định tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.
2. Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.
3. Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Hòa giải ở cơ sở.
4. Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở.
5. Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
6. Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.
7. Có các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
Căn cứ quy định trên, thì Tổ trưởng tổ hòa giải là do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách Tổ hòa giải và tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 15 nêu trên.
Tình huống 7
Ông Quân và ông Nam có xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến việc dân sự, ông Quân muốn yêu cầu tổ hòa giải của thôn thực hiện hòa giải cho ông, ông Quân muốn biết các bên trong hòa giải có quyền và nghĩa vụ gì?
Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải, như sau:
1. Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.
2. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.
3. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.
4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.
5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.
6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.
7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.
Tình huống 8
Vợ chồng chị Linh và anh Trung xảy ra mâu thuẫn trong gia đình do anh Trung thường xuyên rượu chè, bỏ bê gia đình, mắng chửi vợ con. Sau nhiều lần khuyên bảo chồng không nghe, chị Linh gửi đơn yêu cầu tổ hòa giải hòa giải vụ việc cho chị, tuy nhiên, trong đơn chị yêu cầu được mời thêm bác Sơn – là bác trai của anh Trung, vì bác là trưởng họ, có uy tín trong họ, anh Trung rất kính trọng và lắng nghe tiếp thu ý kiến bác. Hỏi, trong quá trình hòa giải vụ việc trên, hòa giải viên có thể mời bác Sơn cùng tham gia hòa giải không?
Điều 19 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về người được mời tham gia hòa giải, như sau:
“1. Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.
2. Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.
3. Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải”.
Như vậy, căn cứ quy định trên, thì hòa giải viên hoàn toàn có thể mời bác Sơn cùng tham gia hòa giải vụ việc của gia đình chị Linh và anh Trung.
Tình huống 9
Quang năm nay 18 tuổi yêu Hà năm nay 17 tuổi, do muốn ổn định cuộc sống nên hai gia đình của Quang và Hà có kế hoạch tổ chức đám cưới cho hai cháu. Biết được kế hoạch của hai gia đình, chị Vy là hàng xóm và cũng là Tổ trưởng tổ hoà giải đã cùng các thành viên trong tổ đến gia đình của Quang và Hà để tuyên truyền, vận động không tổ chức đám cưới cho Quang và Hà vì hai cháu chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Quang và Hà muốn biết, chị Vy cùng các thành viên trong tổ hoà giải đến tuyên truyền, vận động như vậy có đúng theo quy định của pháp luật không?
Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về độ tuổi kết hôn như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.
Việc Quang (18 tuổi) và Hà (17 tuổi) kết hôn tại thời điểm này là hành vi tảo hôn - là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Ngoài ra, Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định về căn cứ tiến hành hòa giải, như sau:
“Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;
2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;
3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Căn cứ các quy định trên, chị Vy cùng các thành viên trong tổ hoà giải đến tuyên truyền, vận động gia đình Quang và Hà không tổ chức đám cưới cho Quang và Hà vì hai cháu chưa đủ tuổi kết hôn là đúng theo quy định của pháp luật.
Tình huống 10
Anh Phương và anh Quyết có xảy ra xích mích, cãi vã, là một người có tính hung hăng, côn đồ, anh Phương đã cầm dao đâm vào người anh Quyết với ý định giết người, do may mắn, anh Quyết được hàng xóm đưa vào viện cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng. Vài hôm sau, gia đình anh Phương đến đề nghị Tổ hòa giải của thôn hòa giải giúp cho gia đình anh Quyết không truy cứu trách nhiệm hình sự của anh Phương trong vụ việc trên, tuy nhiên anh Tuân- là Tổ trưởng Tổ hòa giải từ chối đề nghị, vì anh cho rằng đây là vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó, không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Hỏi, việc từ chối hòa giải vụ việc trên của anh Tuân có đúng theo quy định của pháp luật không?
Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, quy định, như sau:
“2. Không hòa giải các trường hợp sau đây:
a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;
c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 nêu trên;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 nêu trên;
đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Căn cứ quy định trên, hành vi của anh Phương là hành vi coi thường tính mạng con người, coi thường pháp luật, đây là hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Vậy, việc từ chối hòa giải vụ việc trên của anh Tuân là đúng theo quy định của pháp luật.
Đang Online: 42
Tổng lượng truy cập: