Câu chuyện xảy ra tại thôn B, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Hai vợ chồng anh Dìn, chị Khào kết hôn đã lâu, có 02 con chung, cháu trai lớn đã 28 tuổi, hiện đang làm công nhân tại một công ty trên địa bàn huyện, cháu gái đang học trung học phổ thông.
Một buổi chiều, sau khi đi làm đồng về, anh Dìn nhanh tay lấy luôn cái cuốc, xới mảnh vườn ngay gần nhà để kịp trồng rau cho vụ tới; chị Khào tranh thủ hái rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Vừa làm hai vợ chồng vừa nói chuyện.
Chị Khào: Cái thằng Dinh nhà mình nó cũng lớn rồi, tao thấy nó với cái Mây cùng thôn đó lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, cứ đi làm thì thôi, về nhà là lại thấy sang nhà cái Mây. Hay là năm nay bảo nó cưới cái Mây về làm vợ đi.
Anh Dìn: Tao cũng muốn thế lắm chứ, thằng Dinh lấy vợ thì mới có người nối dõi tông đường chứ.
Chị Khào: Nhưng mà lần nào tao nhắc đến chuyện lấy vợ nó cũng đều gạt đi, nó bảo, nhà thì bé, dột nát, lại không có phòng riêng nữa, lấy vợ thì biết ở vào đâu.
Anh Dìn: Ừ, nhà mình cũng bé thật đấy, làm từ thời mới sinh thằng Dinh được 1 năm, bao nhiêu năm làm lụng vất vả mà cũng không khấm khá nên được, lúc nào cũng trong danh sách hộ nghèo, thế nên nó cũng chưa muốn lấy vợ là phải.
Chị Khào: Thôi kệ, để tối nay tao bảo nó, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, cứ lấy vợ đi rồi tính tiếp.
Hai vợ chồng mải nói chuyện không biết Dinh về từ bao giờ.
Dinh: Con chưa lấy vợ đâu, lấy về bây giờ thì biết ở vào đâu, giờ con đi làm kiếm tiền đã, khi nào đủ tiền sửa nhà thì lúc đó mới tính đến chuyện lấy vợ.
Chị Khào: Mày nói như thế không được đâu, mày giờ đã có tuổi rồi, biết bao giờ mới đủ tiền để sửa nhà, mà con cái Mây ý nó cũng không chờ mày được đâu.
Dinh: Kệ, không có nhà thì không nói đến chuyện lấy vợ được.
Ông Sình – Trưởng thôn cùng chị Hòa, cán bộ văn hóa xã vừa đi vừa nói chuyện.
Ông Sình: Ở thôn B này vẫn còn nhiều hộ nghèo, nhà ở hư hỏng, dột nát, có vợ chồng lấy nhau đã lâu, đã tách hộ lâu rồi nhưng không có nhà riêng nên vẫn phải ở chung với bố mẹ.
Chị Hòa: Hiện nay, Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đấy. Hôm nay cháu xuống đây là cũng muốn cùng với bác đi khảo sát các hộ trong thôn, rồi lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Ông Sình: Thế thì tốt quá. Vừa cũng may tôi với chị cũng đến nhà anh Dìn. Vợ chồng anh Dìn cũng chịu khó lao động, nhưng khổ nỗi sức khỏe anh Dìn yếu, lại không biết cách canh tác nên gia đình không thoát nghèo được.
Ông Sình: Anh Dìn, chị Khào có nhà không đó.
Anh Dìn: Ông Trưởng thôn à, lại có chị Hoa cán bộ xã nữa. Hôm nay có việc gì mà ông với chị lại đi cùng nhau thế?
Ông Sình: Cả nhà đang nói chuyện gì mà thấy ai cũng căng thẳng thế?
Chị Khào: Có chuyện gì đâu bác. Đang bảo thằng Dinh nó lấy vợ đấy.
Ông Sình: Lấy vợ là tốt rồi có gì phải căng thẳng. Thằng Dinh này có lẽ tuổi cao nhất thôn này mà chưa có vợ đấy. Mà tôi thấy nó với con bé Mây cũng quấn quyết với nhau lắm.
Anh Dìn: Đúng đấy bác. Giục nó lấy vợ đi, không để con nhà người ta chờ lâu mà nó chưa có chịu.
Ông Sình: Dinh, sao mày lại chưa muốn lấy vợ thế.
Dinh: Cháu cũng muốn lấy vợ lắm chứ, nhưng mà bác nhìn nhà cháu đấy, nhà thì bé tý tẹo, không có phòng riêng, lấy vợ thì cháu biết ở vào đâu.
Chị Hòa: Cứ tưởng chưa có ai để lấy mới khó chứ, còn việc có nhà để lấy vợ thì có cách rồi.
Dinh: Chị Hòa cứ đùa chứ.
Chị Hòa: Thật mà. Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đấy. Tôi được lãnh đạo UBND xã giao nhiệm vụ phối hợp với các thôn để lập danh sách hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ.
Chị Khào: Thế đối tượng như thế nào thì được hỗ trợ đấy chị Hòa.
Chị Hòa: Theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh về Quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 thì đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mà chưa được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình, đề án, chính sách khác.
Ông Sình: Tiêu chí để được hỗ trợ nhà ở là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc); diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2.
Chị Hòa: Về điều kiện và tiêu chí này thì tôi thấy gia đình anh Dìn đáp ứng đủ đấy. Nhà anh Dìn thuộc hộ nghèo, sinh sống trên địa bàn huyện mình cũng là huyện nghèo nữa, nhà thì bé tý lại dột nát.
Anh Dìn: Thế mức hỗ trợ là bao nhiêu đấy, có đủ để gia đình tôi sửa lại ngôi nhà này không?
Chị Hòa: Theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD thì định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương là “xây mới 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ”.
Ông Sình: Ngoài ra, theo quy định của Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh thì ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉnh Tuyên Quang còn hỗ trợ “Nhà xây mới: 10.000.000 đồng/ hộ gia đình; nhà sửa chữa: 5.000.000 đồng/ hộ gia đình” đấy.
Chị Khào: Ôi, thế thì may quá. Vậy như nhà tôi nếu sửa chữa nhà sẽ được hỗ trợ tổng chi phí là 25 triệu đồng rồi, đủ để gia đình tôi làm thêm 1 phòng nữa cho thằng Dinh nó lấy vợ.
Anh Dìn: Nhưng mà vợ chồng tôi còn khó khăn lắm, nhà nước hỗ trợ như vậy đến hạn vợ chồng tôi không có tiền để trả đâu.
Chị Hòa: Kinh phí này là Nhà nước cấp cho gia đình anh để sửa chữa nhà, không phải là cho vay, thế nên anh không phải trả nợ đâu.
Dinh: Thế này thì quá tốt rồi, ông Sình với chị Hòa làm hồ sơ giúp gia đình nhà cháu nhé, cháu mong sớm được hỗ trợ tiền để sửa nhà, cuối năm còn lấy vợ.
Ông Sình: Thế sửa nhà xong thì lấy vợ luôn nhé.
Dinh: Vâng, cháu còn mong lấy vợ hơn bố, mẹ cháu nhiều.
Anh Dìn, chị Khào: Đồng thanh “Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn cái xã, cái thôn đã mang niềm vui đến cho gia đình, vừa có nhà mới, lại có thêm người mới”.
Dinh: Cháu xin cảm ơn và xin hứa sẽ cùng với cả nhà chăm chỉ lao động để gia đình thoát nghèo.
Câu chuyện kết thúc trong niềm vui hân hoan của ông Sính, chị Hòa đã mang được chính sách của Nhà nước đến với Nhân dân; niềm vui của gia đình anh Sính sẽ có nhà mới và đặc biệt là niềm vui của Dinh khi biết rằng mình có điều kiện để lấy vợ, thay đổi cuộc sống gia đình./.
Đang Online: 57
Tổng lượng truy cập: