Câu chuyện xảy ra tại thôn A, xã Thượng Giáp, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Ông Pao nhớ lại buổi tối kinh hoàng ngày hôm qua khi cơn lũ đi qua. Khoảng 12 giờ đêm, cả gia đình đang say giấc ông bỗng nghe thấy có tiếng mưa lớn, tiếng đá rơi và những âm thanh lạ của cây gẫy, của tiếng đá va vào nhau, biết sắp có lũ lớn nên ông đã dậy gọi tất cả người trong gia đình ra khỏi nhà di chuyển đến nơi an toàn, đồng thời ông cũng đánh kẻng và hô hào các hộ dân xung quanh đi tránh lũ. Nhờ có sự nhanh trí của ông Pao mà toàn bộ người dân trong vùng lũ đó đã được di chuyển đến nơi an toàn, tuy nhiên một số nhà đã bị lũ cuốn trôi, tài sản cũng theo cơn lũ mà đi hết.
Sáng hôm sau, người dân trong thôn vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Phòng - Trưởng thôn đã huy động người dân đến hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả của cơn lũ. Mỗi người một tay, người thì múc bùn, khơi thông lại đường đi, người thì gia cố lại ngôi nhà, căn bếp bị hư hỏng, người thì chăm con trâu, con bò…, trong quá trình làm cũng không ngừng tâm sự.
Ông Phòng: Cơn lũ ác quá, sau một đêm mà nhiều hộ gia đình đã không còn nhà cửa.
Ông Pao: Thế nào mà tôi ngủ cũng tỉnh giấc, thấy có biểu hiện lạ là tôi gọi ngay mọi người dậy, cũng kịp gọi các hộ xung quanh nữa. Ơn trời không ai bị làm sao là tốt rồi.
Bà Nghề: Còn người là còn của. Nhưng mà bây giờ biết ở đâu đây.
Mọi người cùng đồng thanh “Đúng đấy, nhà của tôi bị trôi rồi”, “nhà của tôi dột nát hết rồi”, “biết ở đâu đây”.
Ông Phòng: Giờ tôi sẽ báo cáo lên UBND xã để bố trí chỗ ở tạm thời cho một số gia đình bị mất nhà; còn việc sửa nhà, làm lại nhà mới thì tôi cũng chưa biết được phải tính thế nào.
Nói đến đây, ông nghe như có tiếng ai gọi ông từ xa, thì ra là tiếng của bác Chủ tịch UBND xã và bác Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã.
Chủ tịch UBND xã: Xin chào bác Phòng, xin chào bà con nhân dân trong thôn. Đêm qua biết có trận lũ, tôi cùng với một số đồng chí nữa đã tìm cách vào trong thôn để hỗ trợ nhưng ngặt một nỗi cây cầu dẫn qua suối đã bị lũ cuốn trôi rồi, nước chảy xiết, mà đây là con đường độc đạo dẫn vào thôn, đến sáng nay mới khắc phục được để vào đây.
Ông Phòng: May quá có Chủ tịch UBND xã đây rồi. Trước mắt mình tìm cách bố trí chỗ ở tạm thời cho một số hộ dân có nhà bị cuốn trôi đã. Ý tôi thế này, trong thôn, một số nhà cũng rộng tôi sẽ đề nghị để họ bố trí cho ở nhờ một thời gian.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã: Được thế thì tốt quá, hàng xóm láng riềng giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn thì không có gì bằng.
Ông Phòng: Đối với các hộ bị mất nhà, hiện tại khu vực này đã bị sạt lở hết rồi, không thể làm nhà tại nơi ở cũ được mà phải làm nhà tại nơi ở mới, thôn sẽ huy động bà con góp công để giúp gia đình làm lại nhà, ai có điều kiện thì góp thêm của để hộ trợ cho các gia đình phần nào.
Ông Pao: Chúng tôi phải làm nhà ở nơi ở mới thôi, ông Trưởng thôn nói thế thì tốt quá rồi.
Bà Nghề: Vậy thì tốt quá rồi, chúng tôi mong sớm có ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã: Xã cũng sẽ có biện pháp để đề nghị huy động hỗ trợ cho các hộ gia đình bị mất nhà. Mà cũng xin thông báo với bà con, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang mới ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 quy định chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023-2030, trong đó có chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét đấy.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã: Như các hộ gia đình bị mất nhà đây đều thuộc trường hợp được hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết.
Chủ tịch UBND xã: Các hộ gia đình được hỗ trợ theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND thì sẽ không được hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 – 2030 nữa nhé.
Ông Phòng: Thế thì tốt quá rồi.
Bà Nghề: Vậy, mỗi hộ gia đình sẽ được hộ trợ bao nhiêu đấy ông Chủ tịch UBND xã?
Chủ tịch UBND xã: Mức hỗ trợ làm nhà tại nơi ở mới cho hộ gia đình di chuyển theo hình thức xen ghép đối với hộ nghèo là 50,0 triệu đồng/hộ gia đình; đối với hộ không thuộc diện hộ nghèo là 25,0 triệu đồng/hộ gia đình.
Bà Nghề: Nhà tôi không phải hộ nghèo thì sẽ được hỗ trợ 25,0 triệu đồng.
Ông Pao: Nhà tôi hộ nghèo thì sẽ được hỗ trợ 50,0 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã: Đúng rồi. Điều kiện hỗ trợ là nhà tại nơi ở mới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhà ở theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.
Ông Pao: Bác Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã nói thế tôi vẫn chưa rõ lắm đâu, cụ thể là nhà đó phải đảm bảo chất lượng như thế nào?
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã: Nói nôm na thế này, nhà đảm bảo chất lượng là phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên; các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.
Ông Pao: À, làm nhà thì chúng tôi cũng muốn làm đảm bảo như thế để ổn định lâu dài mà.
Ông Phòng: Thế này thì tốt quá rồi, ngoài tiền hỗ trợ của nhà nước, huy động sự hỗ trợ và đóng góp công sức của người dân thì các gia đình sẽ có được ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống.
Bà Nghề: Ơn Đảng, ơn Nhà nước, nhờ có Đảng, có Nhà nước kịp thời quan tâm mà chúng tôi mới có nơi ở mới. Đúng là. thiên tai không biết đâu mà lần, đùng một cái là mất nhà ở luôn.
Ông Phòng: Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã à, tôi sẽ tổng hợp số hộ gia đình bị mất nhà trong đợt lũ này, báo cáo để xã thực hiện quy trình đề nghị hỗ trợ nhé.
Chủ tịch UBND xã: Được rồi, xã sẽ tham mưu để thực hiện đề nghị hỗ trợ, bà con cố gắng khắc phục khó khăn để ổn định cuộc sống nhé, chúng tôi xin phép về làm việc đây.
Trên đường về, Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã vừa đi vừa nói chuyện: Đúng là người dân sống ở những vùng có nguy cơ bị thiên tai cao lúc nào cũng nơp nớp lo sợ, may mà có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đợt này về xã phải rà soát lại toàn bộ các hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đề đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện di dời, tránh trường hợp xảy ra thiệt hại về người, tài sản, không thể để “mất bò mới lo làm chuồng được”./.
Đang Online: 98
Tổng lượng truy cập: