Tối nay, chị Thềm – Cán bộ y tế thôn bản có lịch đi đến các gia đình có thai phụ trong thôn để tư vấn về sức khỏe sinh sản. Gia đình đầu tiên chị Thềm đến là gia đình chị Lanh, anh Hướng, thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Chị Thềm: Chị Lanh, anh Hướng có nhà không vậy?
Chị Lanh: Ai đó, chúng tôi đều đang ở nhà mà.
Chị Thềm: Tôi, Thềm đây, mới đấy mà đã quên giọng tôi rồi à?
Chị Lanh: À, tôi nhận ra rồi, chị Thềm y tế thôn bản mà. Mời chị vào nhà. Mà tối rồi, chị sang nhà tôi có việc gì đấy?
Chị Thềm: Vừa vào đến nhà đã nhanh nhảu hỏi “Chị Lanh lần này mang thai là sinh cháu đầu lòng đấy nhỉ”?
Anh Hướng: Sao lại đầu lòng, đứa thứ hai đấy, thằng lớn cũng 4 tuổi rồi?
Chị Thềm: Vậy à, thế mà tôi lại cứ nghĩ con đầu lòng. Thế chị Lanh có thai được mấy tháng rồi?
Chị Lanh: Tôi tính cũng được 3 tháng rồi đấy.
Chị Thềm: Thế chị đã ra cơ sở y tế khám thai lần nào chưa?
Anh Hướng: Cần gì phải khám, nó khỏe mà. Lần trước đẻ thằng Tâu có cần khám gì đâu, cứ đủ tháng, đủ ngày là nó đẻ thôi.
Chị Thềm: Thế thì không được đâu, phụ nữ khi mang thai phải khám thai định kỳ để kiểm tra sức khỏe mẹ và bé, phải khám để tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật bẩm sinh nữa chứ.
Chị Lanh: Tôi thấy khỏe mà, không cần đi khám đâu.
Anh Hướng: Nó nói thế thôi, hôm trước cũng bảo muốn đi khám để kiểm tra nhưng kêu không có tiền nên không đi đấy.
Chị Thềm: Y tế thôn bản chúng tôi vẫn định kỳ vào khám, tư vấn về dinh dưỡng, theo dõi, cập nhật thông tin thai kỳ của các chị, còn khám thai chuyên sâu và thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật bẩm sinh phổ biến thì chị phải đến cơ sở y tế.
Chị Lanh: Tôi cũng muốn đi khám lắm nhưng không có tiền đâu.
Chị Thềm: Thế Nhà nước cho chị tiền để chị đi khám thì chị có đi khám không?
Chị Lanh: Thế thì tôi đi khám luôn.
Chị Thềm: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước có chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, như hỗ trợ các bà mẹ mang thai này, hỗ trẻ em dưới 05 tuổi này.
Anh Hướng: Chị nói là hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, thế chúng tôi dân tộc Pà Thẻn thì có được hỗ trợ không?
Chị Thềm: Anh, chị có biết không, theo quy định tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, thì tỉnh Tuyên Quang có 01 dân tộc có khó khăn đặc thù thôi, đó là dân tộc Pà Thẻn đấy.
Chị Lanh: Thế thì tôi được hỗ trợ rồi, vậy Nhà nước hỗ trợ như thế nào đấy chị Thềm?
Chị Thềm: Nhà nước sẽ hộ trợ để tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; khám, quản lý thai nghén và chăm sóc y tế đối với phụ nữ mang thai, hỗ trợ phụ nữ mang thai được tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến; hỗ trợ sinh con đúng chính sách dân số và phương tiện đi lại cho bà mẹ mang thai.
Chị Lanh: Có nhiều chính sách hỗ trợ như vậy cơ à.
Anh Hướng: Thế thì mai tôi sẽ cho cái Lanh đi khám luôn.
Chị Thềm: Nhà nước sẽ hỗ trợ thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật bẩm sinh (như hội chứng Edward, hội chứng Down, hội chứng Patau, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia), mức hỗ trợ theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập nhưng tối đa không quá 03 triệu đồng/bà mẹ.
Anh Hướng: May quá, có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi đưa nó đi khám cho yên tâm. Nhưng mà đường ra cơ sở y tế xa lắm, chắc mai tôi phải bắt cái xe ô tô để đi.
Chị Thềm: Nhà nước còn hỗ trợ chi phí đi lại cho phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khám thai và thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật bẩm sinh phổ biến đấy, tối đa được 500.000 đồng/bà mẹ/thai kỳ.
Chị Lanh: Có cả cái hỗ trợ này nữa cơ à, thế thì đi khám sẽ không mất tiền rồi.
Chị Thềm: Nhà nước còn có cả chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh nữa đấy, tối đa 500.000 đồng/bà mẹ/thai kỳ.
Anh Hướng: Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ quá.
Chị Thềm: Chưa hết đâu, nếu chị Lanh sinh con đúng chính sách dân số còn được hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng nữa đấy.
Chị Lanh: Đúng chính sách dân số là như thế nào vậy?
Chị Thềm: Chị là người dân tộc Pà Thẻn, là dân tộc có số dân dưới 10.000 người, theo quy định thì chị sinh đến con thứ 3 là đúng chính sách dân số.
Anh Hướng: Thế thì nhà tôi được hưởng tiền đó là cái chắc rồi, chúng tôi chỉ đẻ hai đứa thôi.
Chị Thềm: Vậy anh, chị cam kết thực hiện đúng chính sách dân số nhé để Nhà nước hỗ trợ.
Chị Lanh: Chúng tôi cam kết mà.
Chị Thềm: À, anh chị bảo thằng cu lớn bao nhiêu tuổi nhỉ.
Anh Hướng: Thằng Tâu á, nó 4 tuổi rồi, đang chơi ở phía trong ý.
Chị Thềm: Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ trẻ dưới 5 tuổi thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh bẩm sinh phổ biến đấy (như bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, bệnh thiếu men G6PD, tăng sản thượng thận bẩm sinh, khiếm thính bẩm sinh, Bệnh tim bẩm sinh). Mức hỗ trợ theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ. Thế nên, ngày mai anh chị đi khám thì cho thằng Tâu đi khám luôn đi. Nhà nước cũng hỗ trợ 01 lần chi phí đi lại, tối đa là 500.000 đồng/trẻ.
Chị Lanh: Thế thì tốt quá, mai tôi cho thằng Tâu đi khám cũng luôn.
Chị Thềm: Trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, Nhà nước còn hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/trẻ.
Anh Hướng: Nhiều chính sách hỗ trợ quá.
Chị Thềm: Chưa hết đâu, Nhà nước còn hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ. Thời gian hỗ trợ theo số tháng thực tế đi học và hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng/trẻ. Như vậy, thằng Tâu đi học mẫu giáo cũng được hỗ trợ rồi nhé.
Chị Lanh, anh Hướng: Đồng thanh “Thế thì tốt quá, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân chúng tôi quá”.
Chị Thềm: Thế thì mai anh Hướng đưa chị Lanh và cháu đi khám nhé, có gì cần hỗ trợ thì cứ gọi cho tôi, với lại thỉnh thoảng tôi lại vào thăm khám cho chị Lanh nhé. Thôi, tôi về đây, còn sang bên nhà chị Mến để thăm khám nữa, chị ấy có thai cũng được 7 tháng rồi đấy.
Chị Thềm ra về lòng thấy vui lạ, vừa thăm khám được cho bà mẹ mang thai, vừa tư vấn được cho họ biết có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, đặc biệt thấy vui hơn vì thấy với những chính sách này sẽ góp phần giúp bảo vệ và phát triển dân số người Pà Thẻn, một trong những dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù./.
Đang Online: 40
Tổng lượng truy cập: