1. TÌNH HUỐNG 01:
Cháu Huy (16 tuổi), được bà nội di chúc cho 500m2 quyền sử dụng đất tại xã Lực Hành và đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Huy. Nay Huy muốn bán diện tích đất đó đi để mua mảnh đất khác tại trung tâm huyện nhưng bố, mẹ của Huy lại không đồng ý.
Hỏi: Trong trường hợp bố, mẹ của Huy không đồng ý thì Huy có bán diện tích đất đó được không? Tại sao?
Trả lời:
Trong trường hợp bố, mẹ của Huy không đồng ý thì Huy không bán diện tích đất đó được, vì:
Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
Theo quy định trên thì Huy (16 tuổi) có quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Trong tình huống này Huy bán quyền sử dụng đất, là bất động sản thì phải được sự đồng ý của bố, mẹ Huy (là người đại diện theo pháp luật của Huy). Bố, mẹ Huy không đồng ý nên Huy không thực hiện giao dịch đó được.
2. TÌNH HUỐNG 02:
Nhà ông Thành có nuôi một đàn trâu, trong một buổi chiều khi lùa đàn trâu vào chuồng ông Thành thấy có một con trâu lạ theo đàn trâu vào chuồng nhà mình. Thấy vậy, ông Thành đã ra ngay Ủy ban nhân dân xã để đề nghị thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ngày này qua ngày khác cũng không thấy ai đến nhận lại trâu nên ông Thành vẫn chăm con trâu đó như là trâu của nhà mình. Sau 02 năm kể từ ngày con trâu lạc về nhà mình, ông Minh – là người xã bên có đến nhà ông Thành nhận đó là con trâu nhà ông và đề nghị được nhận lại con trâu. Ông Thành không nhất trí trả lại trâu vì cho rằng con trâu đó lạc đến nhà mình quá lâu rồi nên bây giờ là trâu của nhà ông.
Hỏi: Ông Thành không trả lại trâu cho ông Minh thì có được không? Tại sao?
Trong trường hợp này ông Thành được quyền không trả lại con trâu cho ông Minh, vì:
Khoản 1 Điều 231 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau “Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc”.
Trong trường hợp này, ông Thành đã thực hiện đúng trách nhiệm khi nhận được con trâu lạc, ông đã ra Ủy ban nhân dân xã để đề nghị thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Theo quy định trên thì sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc thuộc về người bắt được gia súc. Nay đã được 02 năm ông Minh mới đến đề nghị nhận lại thì kể cả trường hợp là trâu thả rông theo tập quán thì đã quá thời hạn để nhận lại trâu và con trâu đó đã thuộc quyền sở hữu của ông Thành rồi.
Theo đó, trong trường hợp này ông Thành được quyền không trả lại con trâu cho ông Minh vì nó đã là tài sản thuộc sở hữu của mình.
3. TÌNH HUỐNG 03:
Tối hôm đó khi lùa đàn bò vào chuồng bà Loan thấy có con bò lạ lạc vào chuồng bò nhà mình, ngay sáng hôm sau bà đến Ủy ban nhân dân xã để đề nghị thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. 05 tháng sau, ông Đồng đã đến nhà bà Loan để đề nghị nhận lại con bò lạc, lúc đó con bò mẹ đó đã sinh một con bê con. Bà Loan đã nhất trí trả lại con bò lạc cho ông Đồng và đề nghị ông Đồng thanh toán cho bà một khoản chi phí chăm bò trong thời gian 05 tháng và đề nghị được hưởng 50% giá trị của con bê được sinh ra. Ông Đồng nhất trí thanh toán cho bà Loan một khoản chi phí chăm bò trong thời gian 05 tháng nhưng không nhất trí cho bà Loan hưởng 50% giá trị của con bê được sinh ra.
Hỏi: Ông Đồng không nhất trí cho bà Loan hưởng 50% giá trị của con bê được sinh ra là đúng hay sai? Tại sao?
Ông Đồng không nhất trí cho bà Loan hưởng 50% giá trị của con bê được sinh ra là sai, vì:
Điều 231 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc như sau “1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc”.
Theo quy định trên, ông Đồng đã đến đề nghị nhận lại bò trong thời hạn quy định (05 tháng) nên ông Đồng được nhận lại con bò và phải trả cho bà Loan chi phí chăm bò trong thời gian 05 tháng đó. Cũng theo quy định trên, bà Loan được hưởng 50% giá trị của con bê được sinh ra, do đó việc ông Đồng không nhất trí cho bà Loan hưởng 50% giá trị của con bê được sinh ra là sai.
4. TÌNH HUỐNG 04:
Nhà bà Thảo có nuôi một đàn ngan, ngày hôm đó khi cho ngan ăn, bà Thảo thấy có một đàn vịt lạ lạc vào, đếm cũng được 10 con. Thấy vậy bà đã sang các nhà hang xóm để nhờ thông báo xem có nhà nào mất vịt không thì đến nhận lại. 10 ngày sau, bà Thúy (cùng thôn) đã sang và đề nghị nhận lại vịt. Bà Thảo nhất trí trả lại 10 con vịt cho bà Thúy và đề nghị bà Thúy thanh toán cho bà khoản chi phí bà cho vịt ăn trong 10 ngày qua, đồng thời đề nghị giữ lại 50 quả trứng do đàn vịt đó đẻ ra trong thời gian đó. Bà Thúy không nhất trí thanh toán cho bà Thảo khoản chi phí chăm vịt và đề nghị và Thảo trả lại hết trứng vịt cho mình vì cho rằng trứng đó là của mình và do vịt nhà mình đẻ ra.
Hỏi: Việc bà Thúy không nhất trí thanh toán cho bà Thảo khoản chi phí chăm vịt và đề nghị lấy lại hết số trứng vịt do đàn vịt đẻ tra trong thời gian đó là đúng hay sai? Tại sao?
Việc bà Thúy không nhất trí thanh toán cho bà Thảo khoản chi phí chăm vịt và đề nghị lấy lại hết số trứng vịt do đàn vịt đẻ tra trong thời gian đó là sai, vì:
Điều 232 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc như sau:
“1. Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.
2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia cầm bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm. Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm”.
Theo quy định trên, bà Thúy có quyền nhận lại số vịt bị lạc sang nhà bà Thảo vì bà Thúy đã đến đề nghị nhận lại vịt trong thời gian 10 ngày (đảm bảo thời gian theo quy định là trong thời hạn 01 tháng). Theo quy định, bà Thúy phải thanh toán cho bà Thảo khoản chi phí chăm vịt trong thời gian 10 ngày và bà Thảo được hưởng số trứng do đàn vịt đẻ ra trong thời gian đó, do đó việc bà Thúy không nhất trí thanh toán cho bà Thảo khoản chi phí chăm vịt và đề nghị lấy lại hết số trứng vịt do đàn vịt đẻ tra trong thời gian đó là sai.
5. TÌNH HUỐNG 05:
Trước khi chết, bố đẻ anh Quyền đã lập di chúc để lại cho anh khối tài sản là quyền sử dụng 200m2 đất và 01 sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng. Do anh có nợ anh Hải 200 triệu đồng (đã có bản án của Tòa án tuyên anh phải trả nợ cho anh Hải) nên anh Quyền đã đến UBND xã đề nghị Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản vì nếu nhận di sản thừa kế anh sẽ phải trả nợ cho anh Hải.
Hỏi: Anh Quyền có được từ chối nhận di sản thừa kế không? Tại sao?
Anh Quyền không có quyền từ chối nhận di sản thừa kế, vì:
Khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”.
Theo quy định trên thì anh Quyền có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Trong trường hợp này anh Quyền đang nợ anh Hải khoản tiền 200 triệu đồng, do đó anh Quyền không có quyền từ chối nhận di sản thừa kế để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
6. TÌNH HUỐNG 06:
Bà Thoan có lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho 03 người con (01 trai, 02 gái), mỗi người 1 phần bằng nhau. Sau khi lập di chúc và đã được UBND xã chứng thực xong bà có tổ chức họp gia đình lại và thông báo cho 03 người con biết về việc lập di chúc của mình. Khi biết việc lập di chúc của mẹ, anh Thản là con trai không nhất trí, nói rằng bà Thoan không có quyền tự mình quyết định phân định phần di sản thừa kế cho từng người con và yêu cầu bà Thoan đi sửa đổi di chúc để lại cho anh phần tài sản nhiều hơn vì anh là con trai.
Hỏi: Bà Thoan có quyền tự mình quyết định phân định phần di sản thừa kế cho từng người con không và có phải sửa đổi di chúc để lại cho anh con trai phần tài sản nhiều hơn không? Tại sao?
Bà Thoan có quyền tự mình quyết định phân định phần di sản thừa kế cho từng người con và không phải sửa đổi di chúc để lại cho anh con trai phần tài sản nhiều hơn, vì:
Khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc có một trong các quyền sau: “Được phân định phần di sản cho từng người thừa kế”.
Theo đó, bà Thoan có quyền quyết định phân định phần di sản cho từng người người con, cho mỗi người con phần tài sản như thế nào là quyền của bà Thoan và bà Thoan không phải sửa đổi di chúc để lại cho anh con trai phần tài sản nhiều hơn.
7. TÌNH HUỐNG 07:
Ông Bá có 02 người con (1 trai, 1 gái), người con trai mặc dù đã 30 tuổi nhưng không chịu làm ăn, suốt ngày chơi bời lêu lổng nên ông quyết định lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho người con gái mà không để lại cho người con trai chút tài sản nào. Sau khi ông Bá chết, người con gái làm thủ tục để nhận di sản thừa kế nhưng người con trai không nhất trí, đề nghị chia khối tài sản thừa kế làm đôi, người con gái chỉ được hưởng một nửa, còn một nửa thì mình hưởng vì cho rằng mình cũng là con đẻ nên bố phải di chúc để lại tài sản cho mình.
Hỏi: Ông Bá có quyền lập di chúc, quyết định để lại toàn bộ tài sản thừa kế cho con gái mà không để lại tài sản thừa kế cho con trai không? Tại sao?
Ông Bá có quyền lập di chúc, quyết định để lại toàn bộ tài sản thừa kế cho con gái mà không để lại tài sản thừa kế cho con trai, vì:
Khoản 1, Khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc có một trong các quyền, đó là: “Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế”.
Theo đó, ông Bá khi lập di chúc có quyền thể hiện ý chí của mình là không cho người con trai hưởng di sản thừa kế và quyết định phân định phần di sản thừa kế cho người con gái được hưởng toàn bộ di sản thừa kế.
8. TÌNH HUỐNG 08:
Ông Thanh có 02 người con, vợ mất sớm nên ông đi bước nữa với bà Hoa, thời gian chung sống với bà Hoa cũng lâu nhưng không có con chung. Ông Thanh lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho 02 người con, không để lại chút tài sản nào cho vợ mình là bà Hoa. Sau khi ông Thanh chết, 02 người con làm thủ tục để khai nhận di sản thừa kế nhưng bà Hoa không đồng ý và yêu cầu chia tài sản cho bà vì bà là vợ hợp pháp của ông Thanh và cũng không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản. 02 người con không nhất trí và đề nghị chia tài sản theo đúng di chúc bố để lại.
Hỏi: Trong trường hợp ông Thanh lập di chúc, không để lại tài sản cho vợ thì người vợ có quyền được hưởng di sản thừa kế không? Tại sao?
Trong trường hợp ông Thanh lập di chúc, không để lại tài sản cho vợ thì người vợ vẫn có quyền được hưởng di sản thừa kế, vì:
Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: “1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
Theo quy định trên, nếu bà Hoa chứng minh được mình không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản thì mặc dù ông Thanh lập di chúc không cho mình hưởng di sản thừa kế, bà Hoa vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.
9. TÌNH HUỐNG 09:
Ông Quảng có vợ và 02 người con. Ông Quảng chết không để lại di chúc nên vợ và 02 con làm thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông Quảng có 03 người là vợ và 02 người con (1 trai, 1 gái). Vợ ông Quảng có ý kiến là tải sản thừa kế được chia làm 3 phần bằng nhau, mỗi người ở hàng thừa kế thứ nhất được hưởng một phần; người con trai thì không nhất trí, nói rằng tài sản chia làm 3 phần nhưng anh phải được hưởng ½ tài sản vì là con trai sau này có trách nhiệm thờ cúng, còn mẹ và người con gái, mỗi người chỉ được hưởng ¼ khối di sản thừa kế.
Hỏi: Quan điểm của người vợ hay người con trai đúng? Tại sao?
Quan điểm của người vợ tải sản thừa kế được chia làm 3 phần bằng nhau, mỗi người ở hàng thừa kế thứ nhất được hưởng một phần là đúng, vì:
Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.
Theo quy định trên, khi chia thừa kế theo pháp luật thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, theo đó, vợ và 02 người con của ông Quảng là hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau. Do vậy, quan điểm của người vợ tải sản thừa kế được chia làm 3 phần bằng nhau, mỗi người ở hàng thừa kế thứ nhất được hưởng một phần là chính xác./.
Đang Online: 118
Tổng lượng truy cập: