Ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Để cụ hoá các nội dung về tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Hiến pháp năm 2013, ngày 18/11/2016, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu Một số quy định chung của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thông qua hỏi – đáp dưới đây:
1. HỎI: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định như thế nào?
ĐÁP:
Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như sau:
(1) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
(2) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
(3) Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
2. HỎI: “Tín ngưỡng” và “Hoạt động tín ngưỡng” được hiểu như thế nào?
Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 giải thích:
Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
3. HỎI: “Lễ hội tín ngưỡng” và “Cơ sở tín ngưỡng” là gì?
Khoản 3, Khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 giải thích:
Lễ hội tín ngưỡng là hoạt động tín ngưỡng tập thể được tổ chức theo lễ nghi truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng.
Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.
4. HỎI: “Tôn giáo”; “Tín đồ”; “Nhà tu hành”; “Chức sắc”; “Chức việc” là gì?
Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 và Khoản 9 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 giải thích:
Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận.
Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.
Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức.
Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức.
5. HỎI: “Sinh hoạt tôn giáo” và “Hoạt động tôn giáo” là gì?
Khoản 10, Khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 giải thích:
Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.
Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.
6. HỎI: Thế nào được gọi là “Tổ chức tôn giáo”, “Tổ chức tôn giáo trực thuộc”, “Cơ sở tôn giáo”?
Khoản 12, Khoản 13, Khoản 14 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 giải thích:
Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.
Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo.
Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.
7. HỎI: Nhà nước có trách nhiệm gì trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo?
Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như sau:
(1) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
(2) Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
(3) Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
8. HỎI: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm gì trong thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo?
Điều 4 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như sau:
(1) Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(2) Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(3) Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
(4) Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
(5) Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
9. HỎI: Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo?
Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm:
(1) Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
(2) Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
(3) Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
(4) Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
- Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
- Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
- Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
- Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
(5) Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi./.
Đang Online: 19
Tổng lượng truy cập: