TÌNH HUỐNG 01: Đối tượng khiếu nại quyết định hành chính
Anh Quang bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình. Ông Hòa (bố của anh Quang) thấy con trai bị xử phạm vi phạm hành chính, không nhất trí với quyết định xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X nên ông Hòa đã khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Quang.
Hỏi: Ông Hòa có quyền khiếu nại quyết định hành chính không? Tại sao?
Trả lời:
Ông Hòa không có quyền khiếu nại quyết định hành chính, vì:
Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Khoản 2 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định khiếu nại thuộc trường hợp sau không được thụ lý giải quyết “Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại”.
Theo quy định trên, công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại không thuộc trường hợp được thụ lý giải quyết. Trong trường hợp này, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Quang, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Hòa nên ông Hòa không có quyền khiếu nại đối với quyết định hành chính.
TÌNH HUỐNG 02: Hình thức của văn bản giải quyết khiếu nại
Không nhất trí với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã Y đối với mình nên anh Hải đã khiếu nại đối với quyết định đó. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y đã giải quyết khiếu nại lần đầu và ban hành Công văn thông báo về kết quả giải quyết khiếu nại.
Hỏi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y ban hành văn bản giải quyết khiếu nại bằng hình thức công văn là đúng hay sai, tại sao?
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y ban hành văn bản giải quyết khiếu nại bằng hình thức công văn là sai, vì:
Khoản 3 Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm, đó là “Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định”.
Khoản 1 Điều 31 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu “Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại”.
Theo các quy định trên, văn bản giải quyết khiếu nại phải được thể hiện bằng hình thức “quyết định”, do đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y ban hành văn bản giải quyết khiếu nại bằng hình thức công văn là sai.
TÌNH HUỐNG 03: Trình tự khiếu nại lần đầu
Anh Sình nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã P. Không đồng ý với quyết định nên anh Sình có nói chuyện với Trưởng thôn là sẽ khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. Trưởng thôn có hướng dẫn anh Sình là anh chỉ được khởi kiện ra Tòa án để đề nghị giải quyết.
Hỏi: Hướng dẫn của Trưởng thôn là đúng hay sai? Ngoài khởi kiện ra Tòa án, anh Sình có quyền khiếu nại đến cơ quan nào nữa?
Hướng dẫn của Trưởng thôn là sai, vì:
Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về trình tự khiếu nại như sau: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”.
Theo quy định trên, anh Sình có quyền lựa chọn khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính là Chủ tịch UBND xã P hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
TÌNH HUỐNG 04: Trình tự khiếu nại lần hai
Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND xã P nên anh Sình đã gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND huyện M. Khi tiếp nhận yêu cầu của anh Sình, cán bộ tiếp công dân của huyện từ chối nhận đơn khiếu nại và hướng dẫn anh Sình khởi kiện ra Tòa án vì cho rằng anh Sình chỉ có quyền khởi kiện ra Tòa án mà không có quyền khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND huyện M.
Hỏi: Cán bộ tiếp công dân huyện hướng dẫn như vậy là đúng hay sai, tại sao?
Cán bộ tiếp công dân huyện hướng dẫn như vậy là sai, vì:
Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về trình tự khiếu nại như sau: “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”.
Theo quy định trên, anh Sình có quyền lựa chọn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND huyện M (Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của Chủ tịch UBND xã P- người giải quyết khiếu nại lần đầu) hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trong trường hợp này, anh Sình lựa chọn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch UBND huyện M là đúng quy định, theo đó cán bộ tiếp công dân của huyện không được từ chối đơn khiếu nại của anh Sình.
TÌNH HUỐNG 05: Trình tự khiếu nại sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND huyện M nên anh Sình tiếp tục nộp đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Q. Khi tiếp nhận yêu cầu của anh Sình, cán bộ tiếp công dân từ chối nhận đơn khiếu nại và hướng dẫn anh Sình khởi kiện ra Tòa án.
Hỏi: Cán bộ tiếp công dân từ chối nhận đơn khiếu nại và hướng dẫn anh Sình khởi kiện ra Tòa án là đúng hay sai, tại sao?
Cán bộ tiếp công dân từ chối nhận đơn khiếu nại và hướng dẫn anh Sình khởi kiện ra Tòa án là đúng, vì:
Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về trình tự khiếu nại như sau: “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”.
Theo quy định trên, khiếu nại của anh Sình đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì anh Sình chỉ có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính mà không có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Q, do đó cán bộ tiếp công dân từ chối nhận đơn khiếu nại và hướng dẫn anh Sình khởi kiện ra Tòa án là đúng.
TÌNH HUỐNG 06: Khiếu nại lần đầu quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Anh Bình bị Chủ tịch UBND tỉnh K ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cho rằng quyết định đó không thỏa đáng, vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình nên anh Bình quyết định sẽ khiếu nại đối với quyết định đó nhưng băn khoăn không biết mình được khiếu nại lần đầu đến đâu.
Hỏi: Anh Bình có quyền khiếu nại lần đầu đến tổ chức, cá nhân nào?
Khoản 3 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về trình tự khiếu nại như sau: “Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”.
Theo quy định trên, anh Bình có quyền khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch UBND tỉnh K hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
TÌNH HUỐNG 07: Khiếu nại lần hai quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh K về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh trong lĩnh vực đất đai nên anh Bình đã gửi đơn khiếu nại lần hai đến Thanh tra Chính phủ. Khi tiếp nhận yêu cầu của anh Bình, cán bộ tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ từ chối nhận đơn khiếu nại vì cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết.
Hỏi: Cán bộ tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ từ chối nhận đơn khiếu nại là đúng hay sai? Anh Bình có quyền đề nghị cơ quan nào giải quyết khiếu nại lần hai?
Cán bộ tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ từ chối nhận đơn khiếu nại là đúng, vì:
Khoản 3 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về trình tự khiếu nại như sau: “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”.
Theo quy định trên, Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại của anh Bình. Anh Bình có quyền lựa chọn khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ quản lý lĩnh vực đất đai) hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
TÌNH HUỐNG 08: Hình thức khiếu nại
Không nhất trí với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã X đối với mình nên anh Quang đã đến UBND xã X khiếu nại trực tiếp đối với quyết định đó. Tiếp nhận đề nghị của anh Quang, công chức tiếp công dân yêu cầu anh Quang phải về viết khiếu nại bằng đơn mà không tiếp nhận khiếu nại trực tiếp.
Hỏi: Người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp không, nếu có thì được thực hiện như thế nào?
Người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp, cụ thể:
Điều 8 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về hình thức khiếu nại như sau: “1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. ”.
Theo đó, anh Quang có quyền lựa chọn khiếu nại bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
Nếu khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại phải hướng dẫn anh Quang viết đơn khiếu nại hoặc ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu anh Quang ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định, gồm: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
TÌNH HUỐNG 09: Nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung
Gia đình ông Bảy cùng một số gia đình khác nằm trong khu quy hoạch, thuộc trường hợp phải thu hồi đất. Quá trình làm việc để thực hiện thu hồi đất, các hộ gia đình không nhất trí với việc thực hiện nhiệm vụ của công chức Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Q nên thống nhất với nhau là cùng khiếu nại về hành vi hành chính của công chức Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Q.
Hỏi: Các cá nhân thuộc các hộ gia đình nêu trên có được cùng khiếu nại về hành vi hành chính của công chức Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Q không?
Khoản 4 Điều 8 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau:
“4. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc tiếp nhiều người cùng khiếu nại thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;
b) Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại”.
Theo quy định trên thì nhiều người được cùng khiếu nại về một nội dung, theo đó các cá nhân thuộc các hộ gia đình trong diện giải phòng mặt bằng nêu trên được quyền cùng khiếu nại về hành vi hành chính của công chức Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Q.
TÌNH HUỐNG 10: Thời hiệu khiếu nại
Sau 06 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND xã H đối với mình về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, anh Thảo đã đến UBND xã H để khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó. Tiếp nhận đề nghị của anh Thảo, công chức của UBND xã H đã từ chối tiếp nhận khiếu nại với lý do là đã hết thời hiệu khiếu nại và anh Thảo cũng không chứng minh được mình thuộc trường hợp bị ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác ảnh hưởng đến thời gian thực hiện khiếu nại.
Hỏi: Việc từ chối của công chức của UBND xã H là đúng hay sai? Thời hiệu khiếu nại được quy định như thế nào?
Việc từ chối của công chức của UBND xã H là đúng, vì:
Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thời hiệu khiếu nại như sau:
“Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.
Theo quy định trên, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong trường hợp này, anh Thảo sau 06 tháng mới thực hiện quyền khiếu nại, đã hết thời hiệu khiếu nại theo quy định mà không chứng minh được mình thuộc trường hợp bị ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác ảnh hưởng đến thời gian thực hiện khiếu nại, do đó việc từ chối của công chức của UBND xã H là đúng.
TÌNH HUỐNG 11: Rút khiếu nại
Bà Thủy có gửi đơn khiếu nại lần đầu quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai đối với mình đến Chủ tịch UBND huyện R, khiếu nại của bà đã được thụ lý theo quy định. Sau khi gửi đơn, bà Thủy thấy rằng quyết định đó là đúng, không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình nên bà có ý định rút đơn khiếu nại.
Hỏi: Khiếu nại của bà Thủy đã được thụ lý giải quyết rồi thì bà Thủy có được rút khiếu nại không?
Bà Thủy có được rút khiếu nại, cụ thể:
Điều 10 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về rút khiếu nại như sau:
“Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại”.
Theo quy định trên bà Thủy được quyền rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
TÌNH HUỐNG 12: Thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại.
Ông Quảng gửi đơn khiếu nại quyết định hành chính đến Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh K (khiếu nại của ông thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và đã được công chức tiếp công dân của Sở tiếp nhận đơn), nhưng đến nay đã được 30 ngày, kể từ ngày gửi đơn khiếu nại ông vẫn chưa nhận được thông báo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh K về việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại của ông.
Hỏi: Sau 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh K chưa có thông báo về việc thụ lý khiếu nại là đúng hay sai?
Sau 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh K chưa có thông báo về việc thụ lý khiếu nại là sai, vì:
Điều 27 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại như sau: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do”.
Theo quy định trên, thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại là 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền. Trong trường hợp này, đã 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh K chưa có thông báo về việc thụ lý khiếu nại là sai.
TÌNH HUỐNG 13: Thời hạn gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu
Anh Quang có gửi đơn khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện P đối với anh. Sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, công chức có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện P đã đến để gửi anh Quang quyết định giải quyết khiếu nại.
Hỏi: Việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu cho anh Quang đã đảm bảo thời gian theo quy định chưa?
Việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu cho anh Quang chưa đảm bảo thời gian theo quy định, cụ thể:
Điều 32 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu như sau: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp”.
Theo quy định trên, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại. Trong trường hợp này sau 30 ngày, công chức có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện P mới gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu cho anh Quang là không đảm bảo thời gian theo quy định.
TÌNH HUỐNG 14: Thời hạn khiếu nại lần hai
Nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND xã X, không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại nên 50 ngày sau ông Bảo đã đến UBND huyện M để gửi khiếu nại lần hai. Khi tiếp nhận đề nghị của ông Bảo, cán bộ tiếp công dân của huyện đã từ chối tiếp nhận khiếu nại lần hai của ông Bảo vì đã hết thời hạn khiếu nại và địa bàn nơi ông Bảo sinh sống cũng không thuộc vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.
Hỏi: Việc từ chối của cán bộ tiếp công dân huyện là đúng hay sai? Tại sao?
Việc từ chối của cán bộ tiếp công dân huyện là đúng, vì:
Khoản 1 Điều 33 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thời hạn khiếu nại lần hai như sau: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày”.
Theo quy định trên, thời hạn khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Trong trường hợp này, 50 ngày sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, ông Bảo mới khiếu nại lần hai, do đó đã hết thời hạn khiếu nại theo quy định.
TÌNH HUỐNG 15: Thời hạn gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
Anh Quang có gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Q. Sau 05 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, công chức được giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh Q đã gửi anh Quang quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Hỏi: Việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai cho anh Quang đã đảm bảo thời gian theo quy định chưa?
Việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai cho anh Quang đã đảm bảo thời gian theo quy định, cụ thể:
Khoản 1 Điều 41 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thời hạn gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai như sau: “Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến”.
Theo quy định trên, thời hạn gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai là 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp này sau 05 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, công chức được giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh Q đã gửi anh Quang quyết định giải quyết khiếu nại lần hai là đảm bảo thời hạn theo quy định.
TÌNH HUỐNG 16: Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
Không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với mình, ông Bình có gửi đơn khiếu nại lần đầu đến Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh H. Sau 20 ngày, kể từ ngày gửi khiếu nại, ông Bình đã nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh H, ông băn khoăn không biết quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật từ thời điểm nào.
Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về thời hạn có hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu?
Thời hạn có hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu được quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung), cụ thể: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
TÌNH HUỐNG 17: Người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
Ông Bình khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch UBND xã X và đã nhận được quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND xã X. Sau khi nhận được quyết định, ông Bình nói rằng ông không có trách nhiệm thực hiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đó.
Hỏi: Quan điểm của ông Bình là đúng hay sai? Cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật?
1. Quan điểm của ông Bình là sai, vì:
Khoản 1 Điều 45 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định một trong những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật gồm: “Người giải quyết khiếu nại”.
Theo đó, ông Bình là người khiếu nại nên ông Bình có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
2. Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được quy định tại Điều 45 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung), bao gồm:
- Người giải quyết khiếu nại.
- Người khiếu nại.
- Người bị khiếu nại.
- Người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
TÌNH HUỐNG 18: Thời hiệu khiếu nại lần đầu quyết định kỷ luật công chức
Chị Phương là công chức của Sở A, bị Giám đốc Sở quyết định kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo”. 20 ngày sau khi nhận được quyết định kỷ luật, chị Phương đã khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật đó đến Giám đốc Sở A. Công chức của Sở A được giao nhiệm vụ tiếp nhận đã từ chối nhận đơn khiếu nại của chị Phương vì đã hết thời hiệu khiếu nại.
Hỏi: Công chức Sở A từ chối nhận đơn khiếu nại của chị Phương là đúng hay sai?
Công chức Sở A từ chối nhận đơn khiếu nại của chị Phương là đúng, vì:
Điều 48 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về thời hiệu khiếu nại quyết định kỷ luật như sau: “Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật”.
Theo đó, thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày công chức nhận được quyết định kỷ luật. Trong trường hợp này, sau 20 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật chị Phương mới khiếu nại lần đầu, do đó đã hết thời hạn khiếu nại nên công chức Sở A từ chối nhận đơn khiếu nại của chị Phương là đúng.
TÌNH HUỐNG 19: Hình thức khiếu nại quyết định kỷ luật công chức
Không đồng ý với quyết định kỷ luật của Giám đốc Sở B đối với mình, chị Minh đã đến gặp Giám đốc Sở B để trực tiếp khiếu nại. Giám đốc Sở B đã từ chối tiếp nhận khiếu nại trực tiếp của chị Minh và yêu cầu chị Minh phải có đơn khiếu nại thì mới được tiếp nhận để thụ lý giải quyết.
Hỏi: Giám đốc Sở B từ chối tiếp nhận khiếu nại trực tiếp của chị Minh là đúng hay sai?
Giám đốc Sở B từ chối tiếp nhận khiếu nại trực tiếp của chị Minh là đúng, vì:
Điều 49 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về hình thức khiếu nại quyết định kỷ luật như sau:
“Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và có chữ ký của người khiếu nại. Đơn khiếu nại lần đầu phải được gửi đến người đã ra quyết định kỷ luật. Đơn khiếu nại lần hai được gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai”.
Theo đó, việc khiếu nại quyết định kỷ luật phải được thực hiện bằng đơn, chị Minh khiếu nại trực tiếp là không đúng hình thức khiếu nại, do đó Giám đốc Sở B từ chối tiếp nhận khiếu nại trực tiếp của chị Minh là đúng.
TÌNH HUỐNG 20: Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân
Ông Quảng có đến trụ sở tiếp công dân của huyện để khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với mình. Khi đến trụ sở tiếp công dân thì ông Quảng được cán bộ tiếp công dân cho biết ông có quyền, đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ khi khiếu nại tại trụ sở tiếp công dân.
Hỏi: Ông Quảng có quyền và nghĩa vụ gì khi khiếu nại tại trụ sở tiếp công dân?
Theo quy định tại Điều 60 Luật Khiếu nại năm 2011 (đã được sửa đổi, bổ sung), ông Quảng có các quyền và nghĩa vụ sau:
(1) Xuất trình giấy tờ tùy thân, tuân thủ quy chế tiếp công dân và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân.
(2) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình và ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản xác nhận những nội dung đã trình bày.
(3) Được hướng dẫn, giải thích về việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
(4) Cử đại diện để trình bày với người tiếp công dân trong trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo về một nội dung.
(5) Được khiếu nại, tố cáo về những hành vi sai trái, cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu của người tiếp công dân./.
Đang Online: 106
Tổng lượng truy cập: