Luật Đất đai được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/01/2024 (viết tắt là Luật Đất đai năm 2024), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và thay thế Luật Đất đai ngày 29/11/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 6 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang giới thiệu Quy định của Luật Đất đai năm 2024 về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.
I. QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC LÀ ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU VỀ ĐẤT ĐAI
1. Sở hữu đất đai
Theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2024, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
2. Quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai
Điều 13 Luật Đất đai năm 2024 quy định quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, bao gồm:
(1) Quyết định quy hoạch sử dụng đất.
(2) Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
(3) Quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
(4) Quyết định thời hạn sử dụng đất.
(5) Quyết định thu hồi đất.
(6) Quyết định trưng dụng đất.
(7) Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất.
(8) Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
(9) Công nhận quyền sử dụng đất.
(10) Quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.
(11) Quyết định chính sách tài chính về đất đai; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
(12) Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
3. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai
Điều 14 Luật Đất đai năm 2024 quy định Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai năm 2024 và luật khác có liên quan thông qua các cơ quan sau đây:
- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước.
- Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai năm 2024; quyết định bảng giá đất; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.
- Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai năm 2024 và luật khác có liên quan.
4. Trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất
Điều 15 Luật Đất đai năm 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất bao gồm:
(1) Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
(2) Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
(3) Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
(4) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật cho người sử dụng đất trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính về đất đai, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
(5) Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
5. Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số như sau:
- Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số (viết tắt là chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng) phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.
- Có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (viết tắt là chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu), phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống như sau:
+ Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất.
+ Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
+ Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất.
+ Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.
+ Diện tích giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được tính cho tổng diện tích đất được Nhà nước giao, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình thực hiện các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu, nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (viết tắt là chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống) như sau:
+ Trường hợp không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất.
+ Trường hợp không còn hoặc thiếu đất nông nghiệp thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.
- Đất để thực hiện các chính sách (gồm: (1) Chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; (2) Chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu; (3) Chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống), được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý hoặc từ quỹ đất thu hồi trong trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.
- Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về các trường hợp không còn, thiếu hoặc không có đất để giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu và chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống; các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống mà không còn nhu cầu sử dụng đất mà phải thu hồi đất để tiếp tục thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
- Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
6. Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất
Điều 17 Luật Đất đai năm 2024 quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất như sau:
- Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.
- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
7. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai
Điều 18 Luật Đất đai năm 2024 quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai như sau:
- Bảo đảm quyền tiếp cận của người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác đối với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật; ưu tiên lựa chọn hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng vùng.
- Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cho người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đến người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.
8. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai
Điều 19 Luật Đất đai năm 2024 quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có vai trò, trách nhiệm trong quản lý và sử dụng đất đai như sau:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật về đất đai, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, dự án có sử dụng đất do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm sau đây:
+ Tham gia xây dựng pháp luật; thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật về đất đai, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp, dự án có sử dụng đất do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.
+ Tham gia ý kiến về trường hợp thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất.
+ Tham gia ý kiến, giám sát quá trình xây dựng bảng giá đất và thực hiện bảng giá đất.
+ Tham gia hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.
+ Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thu hồi đất, trưng dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai tới Nhân dân, vận động Nhân dân thực hiện và chấp hành tốt chính sách, pháp luật về đất đai.
II. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI
1. Nội dung quản lý nhà nước về đất đai
Điều 20 Luật Đất đai năm 2024 quy định nội dung quản lý nhà nước về đất đai, bao gồm:
(1) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
(2) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
(3) Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
(4) Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
(5) Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
(6) Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
(7) Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
(8) Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
(9) Quản lý tài chính về đất đai.
(10) Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
(11) Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
(12) Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
(13) Thống kê, kiểm kê đất đai.
(14) Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
(15) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
(16) Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
(17) Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
(18) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp
Điều 21 Luật Đất đai năm 2024 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước.
- Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đất đai.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai.
- Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Ở đơn vị hành chính cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã quy định của Luật Đất đai năm 2024.
3. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã
Điều 22 Luật Đất đai năm 2024 quy định cơ quan có chức năng quản lý đất đai và công chức làm công tác địa chính ở cấp xã như sau:
- Hệ thống cơ quan có chức năng quản lý đất đai được tổ chức thống nhất ở trung ương và địa phương.
- Cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Cơ quan có chức năng quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở cấp tỉnh và ở cấp huyện.
- Tổ chức dịch vụ công về đất đai, bao gồm tổ chức đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức dịch vụ công khác được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Công chức làm công tác địa chính có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.
III. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN ĐỐI VỚI ĐẤT ĐAI
1. Quyền của công dân đối với đất đai
Điều 23 Luật Đất đai năm 2024 quy định quyền của công dân đối với đất đai, bao gồm:
(1) Tham gia xây dựng, góp ý, giám sát trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
(2) Tham gia quản lý nhà nước, góp ý, thảo luận và kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
(3) Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
(4) Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
(5) Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
(6) Thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
2. Quyền tiếp cận thông tin đất đai
Điều 24 Luật Đất đai năm 2024 quy định về quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân như sau:
- Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
+ Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
+ Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai.
+ Giao đất, cho thuê đất.
+ Bảng giá đất đã được công bố.
+ Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
+ Thủ tục hành chính về đất đai.
+ Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
+ Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
- Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Nghĩa vụ của công dân đối với đất đai
Điều 25 Luật Đất đai năm 2024 quy định nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, bao gồm:
(1) Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
(2) Giữ gìn, bảo vệ và phát triển tài nguyên đất.
(3) Tôn trọng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất khác./.
Đang Online: 118
Tổng lượng truy cập: