Ngày 17 tháng 3 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 3 năm 2023 (sau đây viết là Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND). Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang biên soạn tài liệu Quy định việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, dưới hình thức Hỏi - đáp, như sau:
1. HỎI: Nguyên tắc quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
ĐÁP:
Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định nguyên tắc quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Việc quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng dân cư và nhân dân hưởng lợi; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và tuân theo Quy chế quản lý, vận hành và Quy trình bảo trì công trình được phê duyệt.
2. Công tác bảo trì công trình đường giao thông nông thôn là công việc phải được tiến hành thường xuyên, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng tuổi thọ và độ bền công trình. Việc bảo trì phải bảo đảm an toàn đối với con người, tài sản và công trình.
2. HỎI: Việc tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định việc tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Các công trình đường giao thông nông thôn sau khi hoàn thành phải được Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức bàn giao cho Ban quản lý xã (đối với đường trục xã), Ban phát triển thôn (đường trục thôn; đường trong ngõ xóm và các điểm dân cư tương đương; đường trục chính nội đồng ) trực tiếp quản lý, vận hành công trình và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nội dung giao Ban quản lý xã xây dựng kế hoạch bảo trì; Quyết định kế hoạch bảo trì và lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ, hợp tác xã thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo Điều 19, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
3. HỎI: Quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập và phê duyệt Quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn để áp dụng chung cho các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.
2. Quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn phải được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, người hưởng lợi từ công trình đường giao thông nông thôn trước khi được phê duyệt.
3. Nội dung chính của Quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn bao gồm:
a) Các công việc thực hiện quản lý, vận hành, bảo trì;
b) Quyền lợi, trách nhiệm của Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn;
c) Quyền lợi, trách nhiệm của người hưởng lợi;
d) Hình thức huy động tài chính phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì;
đ) Quy định về sử dụng và quản lý tài chính;
e) Xử lý vi phạm Quy chế.
4. HỎI: Nội dung công tác quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định nội dung công tác quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Xây dựng nội quy sử dụng, bảo vệ và khai thác công trình đường giao thông nông thôn;
2. Chuẩn bị kế hoạch, phương án bảo vệ công trình đường giao thông nông thôn;
3. Cắm biển báo, nội quy tại công trình đường giao thông nông thôn;
4. Tổ chức bảo vệ công trình đường giao thông nông thôn thường xuyên và trong các tình huống nguy hiểm (mưa bão, lũ lụt, hỏa hoạn, lún, sụt lở,...);
5. Vận hành công trình đường giao thông nông thôn theo đúng quy trình kỹ thuật; đúng nội quy sử dụng và bảo vệ công trình đường giao thông nông thôn;
6. Định kỳ, thường xuyên kiểm tra hiện trạng công trình đường giao thông nông thôn. Trước các hiện tượng thiên tai (mưa bão, lũ lụt, lún, sụt lở,...) phải tiến hành kiểm tra để có biện pháp phòng chống giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Ngay sau khi kết thúc thiên tai, thảm họa (mưa bão, lũ lụt, lũ quét, hỏa hoạn, lốc xoáy, động đất,...), phải tiến hành kiểm tra, xác định các hư hỏng để có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo công trình đường giao thông nông thôn hoạt động bình thường.
5. HỎI: Quy trình bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định quy trình bảo trì công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập và phê duyệt quy trình bảo trì trước khi đưa công trình đường giao thông nông thôn vào sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020). Quy trình bảo trì được lập chung cho các công trình đường giao thông nông thôn trên cùng địa bàn quản lý.
2. Nội dung quy trình bảo trì công trình theo quy định tại Khoản 1, Điều 31, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
6. HỎI: Việc lập kế hoạch bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định việc lập kế hoạch bảo trì công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Ban quản lý xã lập kế hoạch bảo trì các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã hàng năm trên cơ sở quy trình bảo trì được phê duyệt và hiện trạng của từng công trình đường giao thông nông thôn; trình Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt để làm cơ sở thực hiện.
2. Nội dung chính của kế hoạch bảo trì công trình đường giao thông nông thôn bao gồm:
a) Tên công việc thực hiện;
b) Thời gian thực hiện;
c) Phương thức thực hiện;
d) Chi phí thực hiện.
7. HỎI: Trình tự thực hiện bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định trình tự thực hiện bảo trì công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn tự tổ chức việc thực hiện các công việc kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công trình, hạng mục công trình đường giao thông nông thôn được giao quản lý làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình.
2. Trong trường hợp công trình đường giao thông nông thôn được giao quản lý cần phải sửa chữa (bao gồm cả sửa chữa định kỳ và đột xuất), Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã. Ủy ban nhân dân cấp xã lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc sửa chữa.
8. HỎI: Công tác quản lý, bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định công tác quản lý, bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Nội dung công tác quản lý công trình đường giao thông nông thôn
a) Quản lý hồ sơ tài liệu của công trình đường giao thông nông thôn: hồ sơ hoàn công công trình, hồ sơ đăng ký, kiểm định cầu, đường (nếu có), các biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các biên bản kiểm tra định kỳ, đột xuất; kịp thời lưu giữ những thay đổi của công trình vào hồ sơ quản lý công trình…
b) Quản lý hành lang: Lập hồ sơ quản lý, lưu giữ, bảo quản và thường xuyên bổ sung đầy đủ những diễn biến về tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong địa bàn quản lý; hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường bộ gồm: Sơ đồ duỗi thẳng, thể hiện đầy đủ các công trình lấn chiếm, vi phạm nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ; Các biên bản bàn giao về cọc mốc lộ giới; Các biên bản cam kết không lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ của các hộ dân cư sinh sống hai bên đường (nếu có).
c) Kiểm tra theo dõi, đánh giá thực trạng kỹ thuật của công trình đường giao thông nông thôn: Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện các hư hỏng của nền, mặt đường, công trình trên tuyến để đề xuất xử lý, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình và an toàn giao thông.
2. Công tác duy tu, bảo dưỡng và bảo trì công trình đường giao thông nông thôn.
a) Làm vệ sinh, phát quang cây cỏ lề đường, taluy nền đường, cống: Phát cây, cắt cỏ, tỉa cành đảm bảo tầm nhìn, không che khuất cọc tiêu, biển báo… (nếu có) và ảnh hưởng thoát nước.
b) Đào, nạo vét, khơi thông rãnh dọc, dòng chảy đảm bảo thoát nước: nạo vét bùn đất, cỏ rác trong lòng rãnh, không để đọng nước trong rãnh; khơi rãnh, loại bỏ đất, đá, cây cỏ rơi vào trong lòng rãnh gây tắc dòng chảy, hoàn trả kích thước hình học và độ dốc dọc ban đầu của rãnh để đảm bảo đủ tiết diện thoát nước.
c) Gia cố, sửa chữa các hư hỏng nhỏ của nền mặt đường bằng các vật liệu phù hợp (bạt lề, đắp phụ nền, lề đường, vá ổ gà mặt đường...).
Đắp phụ nền, lề đường: Lề đường phải đảm bảo luôn bằng phẳng, ổn định, có độ dốc thoát nước tốt. Phạm vi gần mép mặt đường không được để lồi lõm, đọng nước trên lề đường hoặc dọc theo mép mặt đường. Khi lề đường bị xói thấp hơn so với mép mặt đường trên 5cm, phải đắp phụ lề bằng vật liệu hạt cứng như cấp phối, đất sỏi ong…
Bạt lề đường: Khi lề đường không đảm bảo độ dốc thoát nước ngang phải bạt lề đảm bảo độ bằng phẳng và độ dốc ngang.
d) Bảo dưỡng thường xuyên mặt đường bê tông xi măng.
Vệ sinh mặt đường: Tuỳ theo mức độ bẩn của mặt đường, để bố trí số lần vệ sinh trên mặt đường trong tháng, thông thường khoảng từ 4-8 lần/tháng.
Sửa chữa hư hỏng nhỏ (nứt, sứt hoặc vỡ tấm bê tông): Nếu khe nứt nhỏ và nhiều, bề rộng khe nứt ≤ 5mm, dùng nhựa đặc loại 60/70 đun nóng pha dầu hỏa, tỷ lệ dầu/nhựa là 25/75 theo trọng lượng, sử dụng ở nhiệt độ 70-800C rót vào khe nứt, rải cát vàng, đá mạt. Nếu khe nứt có bề rộng >5mm, làm sạch, trét matit nhựa. Nếu tấm bê tông bị sứt, vỡ với diện tích nhỏ trám lại các vị trí sứt vỡ bằng hỗn hợp matít nhựa hoặc hỗn hợp bê tông nhựa nguội hạt mịn.
đ) Sửa chữa các hư hỏng nhỏ các hạng mục cống, rãnh xây đá, rãnh bê tông xi măng... Tùy theo điều kiện thực tế hư hỏng của các hạng mục để đưa ra các giải pháp như: trám vá bê tông xi măng bị nứt, sứt, rãnh xây bị hư hỏng cần sửa chữa hoàn trả nguyên trạng để đảm bảo thoát nước.
e) Bổ sung, nắn chỉnh hệ thống an toàn giao thông (nếu có).
g) Các hạng mục bảo dưỡng thường xuyên khác phù hợp với điều kiện thực tế của công trình áp dụng theo quy định tại Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ TCCS 07: 2013/TCĐBVN ban hành kèm theo Quyết định số 1682/QĐ-TCĐBVN ngày 07/10/2015 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
h) Các công tác duy tu, bảo dưỡng và bảo trì công trình khác theo quy định hiện hành.
9. HỎI: Chi phí bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định chi phí bảo trì công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Chi phí bảo trì bao gồm các chi phí theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
2. Chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm được xác định bằng định mức tỷ lệ 0,2% nhân với chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình được quyết toán và điều chỉnh về mặt bằng giá tại thời điểm lập kế hoạch bảo trì. Trường hợp chưa có giá trị quyết toán của công trình đường giao thông nông thôn thì chi phí xây dựng và chi phí thiết bị xác định theo suất vốn đầu tư của công trình tương ứng do cơ quan có thẩm quyền công bố.
3. Chi phí sửa chữa công trình đường giao thông nông thôn được xác định bằng dự toán.
4. Phương pháp xác định chi phí bảo trình theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.
10. HỎI: Nguồn kinh phí cho quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định nguồn kinh phí cho quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Kinh phí cho quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn có thể huy động từ các nguồn sau:
a) Vốn ngân sách nhà nước: sử dụng khi thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình.
b) Vận động đóng góp của các hộ dân hưởng lợi từ công trình sử dụng cho việc quản lý, vận hành và công việc bảo dưỡng thường xuyên, bảo trì định kỳ hàng năm.
c) Nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân.
d) Các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Việc quản lý nguồn kinh phí cho việc quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn:
a) Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí sửa chữa công trình đường giao thông nông thôn sử dụng nguồn vốn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
b) Việc quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn từ các nguồn kinh phí huy động theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này được quy định trong Quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn và được lập sổ sách theo dõi thu, chi theo quy định.
11. HỎI: Việc huy động đóng góp từ các hộ dân hưởng lợi từ công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 12 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định việc huy động đóng góp từ các hộ dân hưởng lợi từ công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Khuyến khích huy động sự đóng góp của người dân phục vụ cho việc quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn. Đóng góp có thể dưới dạng tiền mặt, công lao động, vật tư phù hợp với đặc điểm và tình hình cụ thể của địa phương.
2. Việc huy động đóng góp của người dân tuân theo các quy định hiện hành và chỉ huy động khi đại diện ít nhất 70% số hộ dân trong thôn hoặc nhóm những người hưởng lợi từ công trình đồng ý.
3. Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn tổ chức lấy ý kiến người dân trong thôn và tổ chức huy động đóng góp từ các hộ dân trong thôn. Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả thu và việc sử dụng khoản đóng góp.
12. HỎI: Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh trong việc quản lý, vận hành công trình và bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù được quy định như thế nào?
Điều 13 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh trong việc quản lý, vận hành công trình và bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, như sau:
1. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về công tác tác quản lý, vận hành và bảo trì công trình đường giao thông nông thôn theo quy định này.
b) Xây dựng mẫu và hướng dẫn quy trình, trình tự lập, phê duyệt Quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn; Kế hoạch và quy trình bảo trì công trình đường giao thông nông thôn.
2. Các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ phạm vi, chức năng quản lý của ngành có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định trong quá trình quản lý, vận hành và bảo trì công trình đường giao thông nông thôn theo quy định của pháp luật.
13. HỎI: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù được quy định như thế nào?
Điều 14 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, như sau:
1. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, vận hành, bảo trì cho cán bộ cấp xã, cấp thôn tham gia quản lý, vận hành và bảo trì công trình đường giao thông nông thôn.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn các thôn hưởng lợi từ công trình trong việc quản lý, vận hành, bảo trì theo Quy định đã được ban hành.
4. Kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện Quy định này.
14. HỎI: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù được quy định như thế nào?
Điều 15 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, như sau:
1. Bàn giao công trình đường giao thông nông thôn cho Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn
a) Ủy ban nhân dân cấp xã có quyết định bằng văn bản bàn giao công trình đường giao thông nông thôn cho Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn tiếp nhận để quản lý, vận hành, bảo trì công trình. Khi bàn giao công trình đường giao thông nông thôn phải có mặt lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, Trưởng thôn và thành viên Ban phát triển thôn.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lập 01 bộ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình đường giao thông nông thôn theo quy định tại Phụ lục IX Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; bàn giao cho Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn khi tổ chức bàn giao công trình đường giao thông nông thôn. Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ này trong suốt quá trình khai thác, sử dụng.
2. Tổ chức lập, phê duyệt Quy chế quản lý, vận hành công trình đường giao thông nông thôn và Quy trình bảo trì công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn quản lý. Phê duyệt Kế hoạch bảo trì công trình đường giao thông nông thôn hàng năm theo đề nghị của Ban quản lý xã.
3. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn cho Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn và những người trực tiếp tham gia quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn.
4. Bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện việc sửa chữa công trình.
5. Kiểm tra Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn thực hiện Quy định này.
6. Hàng năm, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố về tình hình thực hiện việc giao cho thôn quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn xã.
15. HỎI: Trách nhiệm của Ban quản lý xã và Ban phát triển thôn trong việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù được quy định như thế nào?
Điều 16 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định trách nhiệm của Ban quản lý xã và Ban phát triển thôn trong việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, như sau:
1. Nhận bàn giao công trình đường giao thông nông thôn từ Ủy ban nhân dân cấp xã. Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn có quyền từ chối tiếp nhận công trình trong các trường hợp công trình không đảm bảo chất lượng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã không bàn giao đầy đủ hồ sơ liên quan đến công trình.
2. Tổ chức thực hiện việc quản lý, vận hành, bảo trì công trình và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp xã về quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn được Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
3. Ban quản lý xã tổ chức xây dựng Kế hoạch bảo trì, dự toán chi phí sửa chữa công trình đường giao thông nông thôn hàng năm trình Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt.
4. Xây dựng nội quy sử dụng, bảo vệ và khai thác công trình đường giao thông nông thôn. Huy động cộng đồng dân cư tham gia đóng góp kinh phí phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn theo quy định.
5. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã sửa chữa công trình đường giao thông nông thôn được giao quản lý khi phát hiện hư hỏng hoặc có biểu hiện xuống cấp.
6. Lưu trữ sổ sách theo dõi thu, chi và các giấy tờ (giấy biên nhận, hóa đơn, chứng từ,...) liên quan đến công tác quản lý, vận hành, bảo trì đối với công trình đường giao thông nông thôn; hàng năm công bố công khai, minh bạch cho các hộ hoặc người hưởng lợi biết về các khoản đã đóng góp và sử dụng cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường giao thông nông thôn; Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã tình hình quản lý, vận hành, bảo trì các công trình được giao trực tiếp quản lý.
16. HỎI: Trách nhiệm của các hộ dân hưởng lợi từ công trình đường giao thông nông thôn được quy định như thế nào?
Điều 17 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND quy định trách nhiệm của các hộ dân hưởng lợi từ công trình đường giao thông nông thôn, như sau:
1. Mọi người dân trên địa bàn xã có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo vệ công trình đường giao thông nông thôn.
2. Chấp hành nghiêm Quy chế, nội quy sử dụng, bảo vệ và khai thác công trình đường giao thông nông thôn đã được thông qua và ban hành. Thực hiện nghĩa vụ khi được hưởng lợi từ công trình đường giao thông nông thôn.
3. Khi phát hiện công trình đường giao thông nông thôn bị phá hoại, xâm phạm, xảy ra sự cố, hoặc có hiện tượng hư hỏng phải có trách nhiệm ngăn chặn, khắc phục nếu có thể, hoặc báo ngay cho Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, khắc phục.
4. Khi xảy ra sự cố, phải tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ công trình đường giao thông nông thôn theo hướng dẫn của Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn và cán bộ kỹ thuật./.
Đang Online: 161
Tổng lượng truy cập: