Câu chuyện xảy ra tại nhà bà Thời, ông Páo.
Bà Thời sau buổi đi làm đồng về, đang chuẩn bị cơm chiều cho cả nhà bỗng nghe từ xa tiếng của thằng con trai tên Phấy.
Phấy: Hôm nay, tao định bắt cái Coi về làm vợ đấy.
Bà Thời: Cái Coi nào, cái Coi con ông Tu á.
Phấy: Đúng rồi, cái Coi con ông Tu, tao thấy nó cũng lớn rồi, tao cũng ưng cái bụng, muốn bắt nó về làm vợ.
Bà Thời: Thế cái Coi nó có ưng mày không?
Phấy: Nó không ưng, nhưng tao cứ bắt về nó về làm vợ, sau này nó khắc phải ưng.
Ông Páo: Ừ, tao thấy cũng được đấy. Mày lấy nó đi cho có người làm cái ruộng, chứ dạo này mày cứ đi suốt, ruộng vườn không có ai làm cả.
Bà Thời: Thế mày có biết, ông Tu là anh của tao không.
Ông Páo: Tao biết, nhưng liên quan gì đến việc bắt vợ cho thằng Phấy.
Phấy: Đúng đấy, tao bắt cái Coi về làm vợ thì có liên quan gì đến ông Tu.
Bà Thời: Chúng mày nghe đài, báo, nghe tuyên truyền nhiều rồi mà cũng không hiểu à. Ông Tu là anh trai tao, cái Coi là con gái ông Tu, là cháu tao, thế thì mày với cái Coi có họ hàng rồi đấy, lấy nhau thế nào được.
Phấy: Có họ hàng thì sao không được lấy nhau, tao chẳng hiểu gì cả.
Ông Páo: Đúng đấy, tao là tao vẫn nhất quyết cho thằng Phấy bắt cái Coi về làm vợ.
Bà Thời: Tao đã nghe tuyên truyền nhiều rồi, người có họ trong phạm vi ba đời là không được lấy nhau. Tao không nhất trí cho thằng Phấy lấy cái Coi đâu.
Ông Páo: Tao vẫn đồng ý cho thằng Phấy bắt cái Coi về làm vợ, sau đó tao sẽ làm đám cưới cho chúng nó, mày không cản được đâu. Phấy, mày cứ bắt cái Coi về cho tao.
Bà Thời: Tao đã nói là không được rồi nhá, thằng Phấy mà làm bậy tao báo Công an xã đấy nhá.
Phấy: Để tao xem, lúc nào thấy cái Coi tao sẽ bắt nó.
Cuộc tranh luận giữa Phấy, ông Páo và bà Thời ngày càng gắt, đúng lúc đó ông Lượng – trưởng thôn cùng với chị Tâm – công chức Tư pháp – Hộ tịch xã đang đi thống kê số trẻ sinh ra chưa được đăng ký khai sinh đi qua.
Ông Lượng: Có việc gì mà vợ, chồng, cái con to tiếng với nhau thế? Tôi với chị Tâm, công chức Tư pháp – Hộ tịch xã có việc đi ngang qua, thấy to tiếng nên vào xem thế nào đây.
Bà Thời: A, có ông trưởng thôn và chị Tư pháp đây rồi. Ông Lượng, ông có biết con bé Coi không?
Ông Lượng: Sao tôi lại không biết, con bé Coi, con ông Tu anh trai bà chứ gì. Thế có chuyện gì?
Bà Thời: Đấy, thằng Phấy nó đòi bắt con Coi về làm vợ đấy.
Ông Páo: Đúng rồi, thằng Phấy nó cũng lớn rồi, tao cho nó bắt cái Coi về làm vợ để có người làm và đẻ cháu cho nhà tao nữa.
Ông Lượng: Thằng Phấy không thể lấy cái Coi được, chúng nó là chị em con chú con bác mà.
Ông Páo: Con chú con bác thì có sao đâu.
Chị Tâm: Có sao chứ bác Páo. Con chú, con bác tức là có họ trong phạm vi ba đời đấy. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghiêm cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Phấy: Có họ trong phạm vi ba đời là gì?
Chị Tâm: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích như thế này, người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Nói cho dễ hiểu trong trường hợp của nhà Phấy là thế này. Bố, mẹ của bà Thời, ông Tu là đời thứ nhất; đến bà Thời, ông Tu là đời thứ hai; Phấy và Coi là đời thứ ba.
Ông Lượng: Như vậy, Phấy và Coi là có họ trong phạm vi ba đời, mà pháp luật nghiêm cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời đấy.
Chị Tâm: Trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Páo: Xử lý theo pháp luật cơ à?
Chị Tâm: Đúng rồi. Điểm a Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”.
Nếu Phấy mà bắt Coi về làm vợ thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo mức phạt nêu trên đấy.
Ông Páo: Tao có biết đâu, cứ tưởng nó ưng cái bụng thì bắt ai về làm vợ cũng được.
Ông Lượng: Thế thì hôm nay ông biết rồi đúng không.
Ông Páo: Tao biết rồi mà.
Ông Lượng: Pháp luật nghiêm cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, mà nói chung là “hôn nhân cận huyết thống” là cũng có nguyên nhân của nó, vì nếu kết hôn sẽ có nhiều hậu quả khôn lường.
Bà Thời: Đấy, ông trưởng thôn nói đi cho hai bố con nó sáng mắt ra.
Ông Lượng: Để tôi nói cho ông Páo và cháu Phấy biết nhé.
Theo minh chứng của khoa học, cơ thể người được hình thành từ gene di truyền của bố và mẹ. Trung bình một người có thể có tới 500 -600 nghìn gene khác nhau. Có hai loại đó là gene lặn và gene trội. Thông thường gene trội là những biểu hiện tốt về người con được thừa hưởng từ bố và mẹ như: chỉ số thông minh, màu tóc, nước da, màu mắt, chiều cao…Còn gene lặn là những biểu hiện không tốt, có thể đó là gene lặn bệnh lý và không bộc lộ ra ngoài. Tuy nhiên hôn nhân cận huyết là điều kiện tốt cho gene lặn phát triển và biểu hiện rõ. Những cặp gene bệnh lý ở cả bố và mẹ sẽ kết hợp với nhau làm cho hình hài đứa trẻ sinh ra bị dị tật.
Chị Tâm: Hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân gây mắc các bệnh di truyền và dị tật, như:
- Bệnh mù màu, không phân biệt được giữa hai sắc màu với nhau.
- Rất dễ mắc phải những bệnh về tim mạch, đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh.
- Bị dị tật như: câm, điếc, vẹo đầu, mù…
- Bênh Down, bạch tạng hoặc da bị vảy cá...
- Sức đề kháng kém và sinh lực yếu.
- Kém phát triển về chiều cao và cân nặng.
- Bị thiểu năng, trí tuệ không phát triển.
Những bệnh này mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời của những người sinh ra cùng huyết thống không may mắc phải. Thế ông Páo có muốn cháu mình sinh ra mắc các bệnh này không?
Ông Páo: Chị nói thế này thì tôi biết rồi, ai lại muốn cháu mình sinh ra mắc bệnh suốt đời thế này được.
Ông Lượng: Bên cạnh đó, hôn nhân cận huyết thống còn làm suy giảm nòi giống, phần lớn những đứa trẻ được sinh ra từ hôn nhân cận huyết có khả năng sinh sống rất thấp. Nếu sống được thì cũng rất dễ mặc phải những căn bệnh như như chị Tâm đã nói đó và gần như không có khả năng sinh sản. Nếu tiếp tục những cuộc hôn nhân như thế có thể dẫn tới suy giảm giống nòi rất nghiêm trọng. Bác chắc chắn rằng Phấy cũng muốn con mình sinh ra là đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh để sau này còn có điều kiện phụng dưỡng mình đúng không?
Phấy: Đúng đấy bác Lượng, cháu không muốn sinh con ra mà bệnh tật, vừa vất vả cho nó, lại còn khổ cho mình nữa.
Chị Tâm: Vậy bác Páo và Phấy đã hiểu ra rồi đúng không. Thế Phấy còn có ý định bắt Coi về làm vợ nữa không?
Phấy: Tôi biết rồi mà, tôi không bắt Coi về làm vợ nữa đâu.
Chị Tâm: May mà có bác Trưởng thôn và chị Tâm đây giải thích để hai bố con ông ấy hiểu, chứ không tôi nói mãi mà có nghe đâu. Thật là cảm ơn bác và chị quá.
Ông Lượng: Đây là việc của chúng tôi mà, cần phải tuyên truyền để bà con chúng ta hiểu và chấp hành pháp luật chứ.
Chị Tâm: Vậy thôi, tôi với bác Lượng xin phép về nhé để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, đến các nhà để thống kê số trẻ sinh ra chưa được đăng ký khai sinh và hướng dẫn họ thực hiện khai sinh cho trẻ, đảm bảo quyền lợi cho con em của mình. Bác Thời làm tiếp bữa cơm chiều đi, chúc gia đình ăn tối vui vẻ.
Cả nhà ông Páo, bà Thời và Phấy đồng thanh chào ông Lượng và chị Tâm.
Ông Lượng và chị Tâm ra về trong lòng thấy vui vì đã tuyên truyền cho gia đình ông Páo hiểu, từ đó không có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng không khỏi lấn cấn vì thấy rằng còn có người dân chưa hiểu biết nên có thể sẽ có những hành vi vi phạm pháp luật. Chị Tâm thống nhất với ông Lượng, tới đây sẽ tích cực phối hợp với thôn thực hiện các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng người dân để họ hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật./.
Đang Online: 69
Tổng lượng truy cập: