Mấy hôm nay trời mưa to, mưa liên tục làm cho ao nuôi cá chép của nhà ông Hải nước tràn bờ, cá trong ao nhà ông Hải cũng theo dòng mà bơi đi hết. Ao nhà ông Hoàn ngay sát bên, mặc dù ở vị trí thấp hơn ao nhà ông Hải nhưng được cái ông Hoàn đã rào lưới xung quanh ao chỗ lối ra nên đám cá trắm cỏ nhà ông Hoàn vẫn còn nguyên. Khi hết đợt mưa ông Hoàn đã thuê thợ đến tát ao kéo lưới để bắt cá đi bán.
Ông Hoàn: (Vừa kéo lưới cùng đám thợ vừa chuyện trò vui vẻ). May mà tôi làm lưới chắn chỗ cửa thoát nước đấy, chứ không trận lũ vừa rồi cá cũng theo dòng mà bơi đi hết, chứ làm gì còn cá cho các ông kéo ngày hôm nay.
Ông Thành (thợ đánh cá): Vừa rồi mưa to quá, mưa thối đất, thối cát, trong khu nhà tôi ở cũng vậy, nhiều nhà tràn ao, cá đi hết.
Ông Hoàn: Tôi nuôi cá lâu rồi nhưng chưa bao giờ nước to như thế này nên chủ quan không làm rào xung quanh, may mà làm rào chỗ cửa thoát nước nên đợt này không bị mất cá.
Ông Thành: Thế ao này ông nuôi cá gì vậy?
Ông Hoàn: Tôi chỉ nuôi nguyên cá trắm cỏ thôi, nhà có mấy đám đất trồng cỏ voi nên chỉ nuôi nguyên cá trắm cho nó ăn cỏ, với lại chăm sóc một loại cá nó cũng chuyên biệt và thuận tiện hơn.
Vừa làm vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã kéo được mẻ lưới đầu tiên. Lưới dến gần bờ thấy cá nhảy lên mà vui mắt.
Ông Thành: Ông Hoàn này, ông bảo ao chuyên nuôi cá trắm cỏ, sao mẻ lưới này nhiều cá chép thế nhỉ.
Ông Hoàn: Tôi cũng đang thắc mắc đây, tôi không thả con cá chép nào, mà sao hôm nay kéo được nhiều cá chép thế.
Ông Thành: Xung quanh đây cũng không có nguồn nước nào để cá chép con có thể vào được ao ông nhỉ.
Ông Hoàn: Đúng rồi, bình thường nước cũng không tràn ao nên không thể có cá khác vào được. Chỉ có đợt vừa rồi mưa to quá, nước tràn ao, mà bên nhà ông Hải chỉ chuyên nuôi cá chép. Chắc là cá chép này là của ao nhà ông Hải tràn sang rồi.
Ông Thành: Cá vào ao ai thì người đó hưởng, giờ vào ao mình rồi thì ông cứ bắt để bán thôi.
Ông Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã trên đường đi thăm đồng thấy nhà ông Hoàn tát ao cũng vào góp vui.
Ông Bình: Nhà ông Hoàn hôm nay tát ao à? Trận lũ vừa rồi nhà ông chắc cá nhà ông cũng không bị mất mấy nhỉ.
Ông Hoàn: Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã hôm nay xuống động viên bà con nông dân à? May mà đợt lũ vừa rồi cá nhà tôi vẫn còn nguyên.
Ông Bình: Thế thì may quá, chứ nhà ông Hải cá tràn theo dòng nước đi hết. Nhà ông chỉ nuôi nguyên trắm cỏ thôi nhỉ.
Ông Hoàn: Đúng rồi, nhà tôi nuôi nguyên trắm cỏ, mà mẻ lưới này đánh lên lại có cả cá chép nữa. Nhìn địa thế thì thấy chỉ có cá nhà ông Hải tràn sang thôi.
Ông Thành: Cá tràn sang ao mình là của mình rồi, kéo lưới xong ông cứ mang đi bán thôi.
Ông Bình: Ông Thành nói thế không đúng rồi, không phải cứ vào ao mình là của mình đâu.
Ông Thành: Ơ, tôi cứ tưởng cá vào ao mình là của mình.
Ông Bình: Bình thường thì vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cá của nhà ông Bình và nhà ông Hải có đặc điểm riêng thì lại khác.
Ông Hoàn: Khác thế nào vậy ông Bình?
Ông Bình: Điều 233 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước như sau:
“Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ”.
Theo quy định trên, trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ao của nhà ông Hoàn chỉ nuôi nguyên cá trắm cỏ, thế nên cá chép không phải là của mình rồi, mà vừa nãy ông Hoàn cũng bảo cá đó là của nhà ông Hải tràn sang, vậy nên mình phải bảo với ông Hải để nhận lại.
Ông Hoàn: Tôi cũng nghĩ như vậy, đang bảo kéo xong mẻ lưới này thì sang gọi ông Hải.
Ông Bình: Không phải gọi đâu, tôi thấy ông Hải cũng đang sang đây này, chắc sang xem nhà ông Hoàn đánh cá.
Ông Hải: Nhà ông Hoàn hôm nay tát ao à? Nhà ông còn có cá để tát chứ, còn nhà tôi mất hết cả rồi, chẳng còn cá để tát.
Ông Hoàn: Tôi đang định sang gọi ông đây, cá nhà ông không đi đâu hết mà tràn sang ao nhà tôi đây này.
Ông Hải: Thế à, thế thì thành cá nhà ông rồi còn gì.
Ông Hoàn: Không đâu, tôi nghe công Chủ tịch Hội Nông dân xã giải thích rồi, cá nhà tôi với cá nhà ông có đặc điểm riêng để nhận biết, nhà tôi thì nuôi nguyên trắm cỏ, nhà ông thì nuôi nguyên cá chép, thế nên số cá chép này tôi trả lại ông.
Ông Hải: Thế thì cũng ngại quá nhỉ.
Ông Hoàn: Ngại gì đâu, để tôi đánh hết lên, lọc ra, cá chép tôi trả lại ông hết.
Ông Hải: Thế thì tôi sẽ cùng ông trả công tát ao, kéo lưới.
Ông Bình: Ông Hải nói thế là đúng đấy, cùng với ông Hoàn trả tiền công là đúng rồi.
Ông Hải: May quá, may mà nó tràn sang ao nhà ông Hoàn thì còn, chứ mà tràn ra ngoài thì mất hết. Nói là “Lọt sàng xuống nia” trong trường hợp này có vẻ cũng đúng ông Bình nhỉ.
Ông Bình: Còn cả câu “Bán anh em xa mua láng riềng gần nữa chứ”.
Ông Hoàn: Câu nào cũng đúng hết.
Ông Hải: Để tôi về thay quần áo, xuống tát ao, đánh cá cùng ông Hoàn.
Ông Bình: Vậy các ông làm nhé, tôi đi làm tiếp nhiệm vụ của mình đây.
Mọi người đồng thanh chào ông Bình và tiếp tục với công việc của mình, vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ./.
Đang Online: 202
Tổng lượng truy cập: