Câu chuyện xảy ra tại thôn P, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Trong bữa cơm tối tại gia đình ông De, bà Thóa.
Ông De: Thằng Lầu ý, nó cũng lớn rồi, tao tính cuối năm nay lấy vợ cho nó đấy, chỉ có lấy vợ thì thằng Lầu nó mới lớn được, chứ như bây giờ ý lông ba lông bông, chẳng chịu làm ăn gì cả.
Bà Thóa: Nó đã ưng đứa nào đâu mà lấy.
Ông De: Bà không biết rồi, thằng Lầu nó ưng cái Mỵ ở làng bên đấy, trước hai đứa còn học cùng trường mà?
Bà Thóa: Cái Mỵ con ông Thồng làng bên á?
Ông De: Đúng rồi.
Bà Thóa: Thế mày có ưng lấy cái Mỵ về làm vợ không Lầu?
Lầu: Tôi ưng mà, hôm nào sang hỏi nó về làm vợ cho tôi đi.
Ông De: Được rồi, để mai tao sang hỏi luôn.
Bà Thóa: Ờ, nhưng mà cái Mỵ nó bao nhiêu tuổi rồi ấy nhỉ?
Lầu: Nó 17 tuổi rồi, kém tôi có 02 tuổi thôi.
Bà Thóa: Ơ cái thằng này, mày được ăn, được học mà không biết à, mày mới có 19 tuổi thôi, đủ tuổi đâu mà lấy vợ, cái Mỵ cũng thế, mới có 17 tuổi thì lấy chồng cái nỗi gì. Tao nghe cái loa truyền thanh và ông Trưởng thôn nói nhiều rồi, con trai là phải đủ 20 tuổi, con gái là phải đủ 18 tuổi mới đủ tuổi kết hôn đấy.
Ông De: Đấy là kết hôn, còn đây tao không cho chúng nó kết hôn mà chỉ tổ chức đám cưới rồi đón con cái Mỵ về ở cùng thằng Lầu thôi. Chúng nó về ở với nhau, sinh con, đẻ cái rồi khi nào đủ tuổi thì ra xã đề nghị đăng ký kết hôn.
Bà Thóa: Như thế cũng không được, là vi phạm pháp luật đấy, tao không nhất trí cho thằng Lầu lấy vợ đâu khi chưa đủ tuổi đâu.
Ông De: Mày không đồng ý cũng không được, tao vẫn nhất quyết lấy vợ cho thằng Lầu.
Bà Thóa: Tao không nhất trí, mày vẫn cố tình lấy vợ cho thằng Lầu tao sẽ báo ông Trưởng thôn đấy.
Tiếng tranh cãi của ông De, bà Thóa ngày càng to, đúng lúc đó, ông Sình – Trưởng thôn và chị Ngoan – Chi hội trưởng Phụ nữ có hẹn trước với nhau đi đến từng hộ gia đình để vận động ký cam kết chấp hành pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình đã có mặt ở nhà ông De.
Ông Sình: Nhà ông De đã cơm tối xong chưa, sao ăn cơm mà cũng căng thẳng thế, đi từ ngoài mà tôi còn nghe rõ tiếng tranh luận của hai ông bà.
Ông De: Nhà tôi ăn cũng xong rồi, đang tính chuyện lấy vợ cho thằng Lầu.
Chị Ngoan: Sao lại lấy vợ cho thằng Lầu, nó mới có 19 tuổi thôi mà. Thế Lầu giờ đang ưng đứa nào.
Lầu: Tôi ưng cái Mỵ làng bên, nó cũng nhất trí với tôi rồi, năm nay nó sẽ theo tôi về làm vợ.
Ông De: Đúng đấy, cho nó lấy vợ để nó ổn định, chăm chỉ làm ăn và còn có thêm người để đi nương nữa.
Chị Ngoan: Thế cái Mỵ năm nay bao nhiêu tuổi?
Lầu: Nó 17 tuổi.
Ông Sình: Thế là cả thằng Lầu và cái Mỵ đều chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn đâu đấy. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rõ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới đủ tuổi đăng ký kết hôn đấy.
Bà Thóa: Tôi cũng nói thế rồi mà nó không nghe.
Ông De: Tôi có bảo chúng nó đăng ký kết hôn đâu mà chỉ tổ chức đám cưới lấy cái Mỵ về làm vợ thằng Lầu thôi.
Ông Sình: Tổ chức đám cưới cũng không được, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định nghiêm cấm hành vi Tảo hôn, mà Tảo hôn là gì các ông, bà và cháu có biết không, là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định đấy. Như vậy chỉ cần tổ chức đám cưới để cho hai đứa chúng nó về ở với nhau cũng là hành vi vi phạm pháp luật rồi đấy.
Chị Ngoan: Đã là hành vi bị nghiêm cấm thì sẽ có biện pháp xử phạt đấy ông De ạ. Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:
“Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án”.
Nếu ông tổ chức đám cưới cho thằng Lầu thì sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt đấy.
Ông De: Tôi chỉ nghĩ đơn giản là lấy vợ cho thằng Lầu nó ổn định, chí thú làm ăn và có thêm người về để đi nương thôi mà, đâu có biết là sẽ bị xử phạt.
Ông Sình: Ngoài ra, hành vi tổ chức tảo hôn còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đấy:
“Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.
Bà Thóa: Mày thấy chưa, có muốn bị xử phạt thì tổ chức đám cưới cho thằng Lầu nữa đi.
Ông De: Tao biết rồi mà, biết là sẽ bị xử phạt thế này tao không lấy vợ cho thằng Lầu nữa đâu.
Chị Ngoan: Lầu này, Nhà nước quy định độ tuổi kết hôn của nam và nữ là có cơ sở khoa học cả đấy, nếu kết hôn, lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định thì có nhiều tác hại lắm đấy.
Bà Thóa: Chị nói cho nó biết đi.
Chị Ngoan: Đối với phụ nữ nó có những tác hại như thế này nhé:
Thứ nhất, tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, thể chất (khung xương chậu, các cơ quan, bộ phận chức năng về sinh sản), chưa đảm bảo được vai trò mang thai, sinh đẻ và làm mẹ.
Thứ hai, thiếu kiến thức, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, kiến thức chăm sóc thai và nuôi dạy con cái.
Thứ ba, chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm để quản lý và chăm lo đến cuộc sống của gia đình.
Thứ tư, trẻ sinh ra dễ bị tử vong sơ sinh do trong quá trình mang thai người mẹ không đủ thể chất và kiến thức để chăm sóc thai nhi.
Thứ năm, trẻ sinh ra thường bị nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng (dưới 2.500gram) hoặc bị dị dạng, dị tật bẩm sinh.
Thứ sáu, khi mang thai dễ bị sảy thai, đẻ non thiếu tháng, nhiễm độc thai nghén ....
Thứ bảy, trong khi sinh dễ bị đẻ khó do khung chậu chưa phát triển đầy đủ, Thời kỳ sau đẻ dễ bị chảy máu, nhiễm trùng đường sinh sản.
Thứ tám, làm mẹ sớm, căng thẳng, khủng hoảng về tâm lý cùng với khó khăn về kinh tế, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình bị hạn chế, hạnh phúc gia đình dễ bị rạn nứt, tỷ lệ ly hôn cao.
Cháu thấy không có rất nhiều tác hại đấy.
Lầu: Thế còn đối với con trai như tôi thì sao?
Chị Ngoan: Con trai thì cũng có tác hại, tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, sức khỏe, thể chất, tinh thần còn non nớt. Nếu kết hôn và làm cha sớm thì sẽ:
- Sinh con còi cọc, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi.
- Không có điều kiện để học tập nâng cao trình độ, kiến thức về văn hóa, kinh nghiệm sống và phát triển kinh tế gia đình. Mất cơ hội làm giàu.
- Gánh nặng vì phải lo toan kinh tế, đảm bảo cuộc sống gia đình bị bế tắc. Nam giới dễ buồn chán, mắc vào cờ bạc, rượu chè và các tệ nạn xã hội khác .....
Cháu thấy có nhiều tác hại không?
Lầu: Cô Ngoan nói thế tôi cũng thấy rồi, tôi không nghĩ nó lại có nhiều tác hại đến thế. Để tôi nói với cái Mỵ cho nó biết về những tác hại khi mà lấy vợ, lấy chồng sớm, không thì nó cứ giục tôi đưa nó về làm vợ ý.
Ông Sình: Mọi người hiểu ra thế là tốt rồi, thế ông De có còn ý định lấy vợ cho thằng Lầu nữa không?
Ông De: Tôi hiểu rồi mà, tôi không muốn bị xử phạt đâu.
Chị Ngoan: Thế còn Lầu có muốn lấy vợ nữa không?
Lầu: Tôi biết rồi mà, tôi không muốn lấy vợ để thêm vất vả đâu.
Ông Sình: Vậy mọi người cùng thống nhất là chưa lấy vợ cho thằng Lầu , khi nào hai đứa nó đủ tuổi mới cho lấy nhé.
Mọi người cùng đồng thanh “Thống nhất rồi mà”.
Ông Sình, chị Ngoan chào mọi người ra về, tiếp tục sang các gia đình khác để vận động ký cam kết chấp hành pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình. Với sự tuyên truyền, vận động của ông Sình, chị Ngoan chắc chắn rằng người dân trong thôn sẽ nắm được quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nói chung, về dân số, kế hoạch hóa gia đình nói riêng, từ nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội ở địa phương./.
Đang Online: 109
Tổng lượng truy cập: