Anh Quyền, chị Hoa kết hôn 7 năm, hai vợ chồng đã có con gái đầu lòng được 5 tuổi. Cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc, cho đến khi chị Hoa mang thai con thứ hai.
Anh Quyền: Sao muộn thế này mà chưa thấy cơm nước gì thế.
Chị Hoa: Em hôm nay thấy mệt quá nên nằm nghỉ chút, với lại con nó cũng quấy nữa. Mà anh ý, dạo này đi suốt, có ăn cơm ở nhà mấy đâu, tưởng anh không về như mọi khi nên định mấy mẹ con tý ăn tạm cái gì cho qua bữa, chứ nắng nóng thế này cũng không muốn nấu nướng làm gì.
Anh Quyền: Mày nói thế mà cũng được à, có mỗi việc cơm nước phục vụ chồng con mà cũng không xong, tao về ăn lúc nào là việc của tao, việc của mày là phải cơm nước đầy đủ.
Chị Hoa: Nhẽ ra giai đoạn này anh phải là người chăm sóc em mới phải, đằng này anh cứ đi biền biệt, đã thế mỗi lần về lại cáu gắt với vợ, con. Em mới sinh con còn chưa được 6 tháng nhưng anh có chăm sóc gì đâu, cứ để tự 3 mẹ con chăm nhau.
Anh Quyền: Nuôi con là việc của đàn bà, tao còn phải ra ngoài để kiếm tiền nuôi mấy cái miệng ăn.
Chị Hoa: Em cũng biết anh ra ngoài làm việc vất vả, nhưng cũng không phải không biết việc anh đi tối ngày còn có lý do khác nữa, anh cứ như thế này thì làm sao duy trì được cuộc sống vợ chồng êm ấm, hạnh phúc như ban đầu mình đã hứa.
Anh Quyền: Êm ấm, hạnh phúc cái gì, hai con vịt giời thì lấy đâu ra êm ấm, hạnh phúc. Mà tao cũng thấy chán cái gia đình này lắm rồi, tao chán cái cảnh mỗi lần đi ăn cơm bị bảo ngồi mâm dưới, mỗi lần bị bạn bè mỉa mai là “làm nhà cho con rể ở” lắm rồi. Tao muốn ly hôn, đường ai nấy đi.
Chị Hoa: Tôi biết ngay mà, tôi biết anh đã chán cái gia đình này rồi, tôi còn biết anh với cái Thu làng bên tập tèng với nhau từ khi tôi còn mang thai cơ nhưng tôi vẫn nhắm mắt cho qua cho yên chuyện, biết đâu anh sẽ suy nghĩ lại để gia đình được yên ấm, hạnh phúc như xưa. Giờ anh muốn ly hôn á, tôi không nhất trí đâu.
Anh Quyền: Không cần mày nhất trí tao vẫn xin ly hôn được, chỉ cần mình tao đứng đơn xin ly hôn là được.
Chị Hoa: Tôi không nhất trí ly hôn, anh cứ xin ly hôn đi, tôi chết cho anh vừa lòng.
Tiếng cãi vã của hai vợ chồng ngày càng to, tiếng quát tháo của anh Quyền cùng tiếng khóc lóc của chị Hoa làm cho đứa bé cũng khóc theo. Nghe tiếng cãi vã của hai vợ chồng, chị Bình – là Chi trưởng phụ nữ, cũng là hàng xóm liền kề chạy sang.
Chị Bình: (Chạy đến ẵm đứa bé đang nằm khóc ở giường lên). Hai vợ chồng có gì mà to tiếng thế, không biết là con bé sợ quá đang khóc thét lên à, làm gì thì cũng phải nghĩ đến con chứ.
Chị Hoa: (Vừa khóc vừa nói). Bác Bình không biết được đâu, ông Quyền đang đòi bỏ cháu đây này, đòi bỏ cháu để lấy con Thu làng bên để nó đẻ cho con trai đây này.
Anh Quyền: Đã không đẻ được con trai lại còn hay làu nhàu, tôi chán nên tôi bỏ, tôi không muốn sống với cái mụ này nữa rồi.
Chị Bình: Anh Quyền bực thì nói thế thôi, chứ tôi thấy anh là người đàn ông cũng có trách nhiệm mà, cũng yêu thương vợ con, chỉ tội cái từ ngày vợ đẻ con thứ hai là con gái đâm ra anh cũng thay đổi tính nết. Thôi anh nghĩ lại đi con nào cũng là con, mình sinh con ra mình phải yêu thương và có trách nhiệm với nó. Giờ anh xin ly hôn thì ai nuôi con anh.
Anh Quyền: Tôi chán lắm rồi nên nhất quyết xin ly hôn.
Chị Bình: Thời điểm này anh Quyền không xin ly hôn được đâu.
Anh Quyền: Sao lại không được, tôi muốn xin ly hôn lúc nào chẳng được.
Chị Bình: Cún thứ hai sinh được bao nhiêu tháng rồi Quyền nhỉ?
Anh Quyền: Bác biết rồi còn hỏi, được 6 tháng rồi ạ.
Chị Bình: Được 6 tháng rồi đúng không. Anh có biết pháp luật quy định như thế nào về quyền yêu cầu ly hôn của người chồng không.
Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Theo đó, vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền xin ly hôn. Vợ anh sinh cún thứ hai này mới được 6 tháng nên anh không có quyền xin ly hôn đâu.
Chị Hoa: Anh đã thấy chưa, con anh sinh ra anh phải có trách nhiệm với nó chứ, làm gì có chuyện thích cái là đòi xin ly hôn.
Chị Bình: Anh Quyền này, con nào cũng là do mình rứt ruột đẻ ra cũng là máu mủ của mình, mình phải có trách nhiệm nuôi nấng chúng để sau này chúng còn báo hiếu với mình chứ. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định nghĩa vụ của cha, mẹ là không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới, cái này nhiều lần sinh hoạt thôn, sinh hoạt câu lạc bộ anh cũng được tuyên truyền rồi mà.
Anh Quyền: Thì tôi cũng biết con nào cũng là con, mình mà chăm sóc nó tốt thì sau này nó cũng chăm sóc lại mình tốt thôi, nhưng bực một cái là cứ đi ra ngoài là lại bị chọc tức là không biết đẻ con trai.
Chị Hoa: Thì đấy, mỗi lần bị chọc tức về lại đổ vào đầu vợ, con. Tôi hỏi anh, con nó có lỗi gì đâu.
Chị Bình: Chị Hoa nói đúng đấy, con nó không có lỗi gì cả, lỗi là của người lớn. Mà hành vi trêu chọc việc anh không biết đẻ con trai đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật đấy. Điểm b Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi “Có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái” đấy, ai mà trêu anh thì anh nói cho họ biết để đừng có hành vi vi phạm pháp luật nữa.
Anh Quyền: Cháu cũng biết thế, thôi từ bây giờ cháu cũng bỏ ngoài tai những lời trêu chọc của mọi người, mãi rồi họ chán họ cũng thôi thôi. Thực lòng có phải cháu muốn ly hôn đâu, chẳng qua cái Hoa vợ cháu nó cứ găng lên, bực mình cháu mới nói thế thôi, chứ ly hôn thì ai nuôi con cháu, chẳng nhẽ lại để thằng khác nó về nó nuôi con của mình à.
Chị Bình: Thế còn việc chị Thu thì sao, anh với chị Thu tính thế nào?
Anh Quyền: Cái Thu á, cháu với nó thì có gì đâu, nó là bạn thân của cháu từ nhỏ, thời gian này cháu buồn, nó là người hiểu cháu nên thỉnh thoảng cháu có gặp nó tâm sự cho giải tỏa nỗi buồn thôi, vợ cháu nó có hiểu cho đâu lại bảo cháu với cái Thu có tình ý với nhau.
Chị Bình: Nghe Quyền nói thì Hoa đã hiểu ra chưa, mình là phụ nữ, nhiều khi cũng phải quan tâm, để ý hơn một chút để hiểu được tâm tư của chồng, không thể nhìn vẻ bên ngoài để đánh giá bản chất bên trong được, vợ chồng phải tin tưởng nhau thì hạnh phúc mới bền lâu được.
Chị Hoa: Vâng cháu cũng biết rồi ạ. Thế nhưng, sao dạo này anh cứ đi suốt thế, không quan tâm gì đến vợ con, làm em cứ tưởng là anh không cần cái gia đình này nữa.
Anh Quyền: Thì người ta buồn nên thỉnh thoảng cũng có la cà bia bọt cùng đội bạn, có khi hết giờ làm rồi nhưng cũng không về nhà mà lại phóng xe đi linh tinh cho hết ngày. Mà thôi, tôi cũng biết cái lỗi của mình rồi, từ nay hết giờ làm tôi sẽ về cơm nước phục vụ vợ con, được chưa.
Chị Hoa: Anh đã hứa rồi đấy nhé.
Chị Bình: Thế anh Quyền có còn muốn xin ly hôn chị Hoa nữa không?
Anh Quyền: Bác Bình cứ đùa cháu, có muốn ly hôn cũng không được, Bác chẳng bảo cháu là con mới được 6 tháng tuổi thì cháu không được xin ly hôn đấy thôi. Bực lên thì cháu nói vậy thôi chứ làm gì mà cháu bỏ vợ, bỏ con.
Chị Bình: Vậy là hai vợ chồng đã hiểu rõ nhau hơn rồi nhé, từ nay đừng vì những hiểu lầm, bực tức mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng. Hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, nuôi dạy con cái trưởng thành. Nhiều nhà muốn có được 2 cô công chúa xinh đẹp như nhà anh chị còn không có được đây này.
Anh Quyền, chị Hoa: (Đồng thanh). Vợ chồng cháu cảm ơn bác Bình.
Bà Bình trao đứa bé về cho bố bế, trên vòng tay của bà nó đã ngủ ngon lành từ lúc nào. Trên đường về bà nghĩ chỉ vì những hành vi trêu đùa không suy nghĩ của một số người cũng có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của người khác, thế nên thời gian tới bà với trách nhiệm là người đại diện cho chi hội phụ nữ sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tăng cường tuyên truyền pháp luật đến với người dân, mà đặc biệt quan tâm tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, đấy cũng là một trong những biện pháp bảo vệ quyền lợi cho chị em phụ nữ hội viên của mình./.
Đang Online: 70
Tổng lượng truy cập: