Câu chuyện xảy tại gia đình anh Bình, chị Thảo.
Chị Thảo: Thằng Quang nhà mình ý, năm nay cũng vào lớp 10 rồi, mà tôi thấy nó cũng không chịu khó học hành gì mấy, tôi thấy lo quá, không biết vào cấp học mới có theo nổi bạn bè không.
Anh Bình: Nó vẫn còn mải chơi, mình phải bớt thời gian ra để mà bảo ban nó học hành, chứ không thể phó mặc cho nó được đâu, nó không tự giác thì mình phải quán xuyến để bảo ban nó.
Chị Thảo: Thì tôi vẫn thường xuyên để ý nhắc nhở nó đấy chứ, nhưng mà mình cũng phải quan tâm đến con hơn, nó lại là con trai nữa, cần có nhiều chia sẻ từ người bố.
Anh Bình: Được rồi, tôi sẽ để ý hơn đến việc đó. Hôm rồi ngồi nói chuyện với con, nó bảo khi nào vào đại học nó muốn theo ngành Điện của đại học Bách Khoa. Thấy con nó nói vậy tôi cũng tìm hiểu rồi, vào học ngành đó điểm cũng tương đối cao, lực học của con mình nếu không cố gắng nhiều ở 03 năm cấp III thì khó mà vào được.
Chị Thảo: Vậy thì phải bảo con cố gắng để đạt được ước mơ thôi. Mà này, tôi thấy học sinh là người dân tộc thiểu số ý, khi thi đại học được cộng thêm nhiều điểm ưu tiên lắm, mà khi đi học, đi làm cũng có nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước. Giá thằng Quang nhà mình là dân tộc thiểu số thì tốt.
Anh Bình: Nhưng mà con mình có phải là dân tộc thiểu số đâu đâu, cả tôi, cả mình đều là dân tộc Kinh thì làm sao con mình là dân tộc thiểu số được.
Chị Thảo: Thế thì mình phải nghĩ cách.
Anh Bình: Nghĩ cách nào bây giờ?
Chị Thảo: Bên đàng vợ nhà bác Khoa anh trai mình ý, có phải là người dân tộc Pà Thẻn ở thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn không?
Anh Bình: Đúng rồi, vợ bác Khoa là người Pà Thẻn, thế thì có liên quan gì đến nhà mình?
Chị Thảo: Liên quan quá đi chứ. Giờ mình nói với bác Khoa nhờ cho thằng Quang nhà mình làm con nuôi một nhà nào đó là người Pà Thẻn, sau khi làm con nuôi xong thì mình làm thủ tục xác định lại dân tộc cho thằng Quang từ dân tộc Kinh của mình sang dân tộc Pà Thẻn của bố, mẹ nuôi.
Anh Bình: Uh, thế mà tôi cũng không nghĩ ra nhỉ. Nếu mà chuyển sang dân tộc Pà Thẻn thì tốt quá, tôi còn biết, dân tộc Pà Thẻn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù đấy nên được rất nhiều chính sách ưu tiên đấy.
Chị Thảo: Vậy mình sang bảo với bác Khoa đi, bảo với bác ý nhờ một gia đình người nhà bác ý ở thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết nhận Quang làm con nuôi.
Anh Bình: Được rồi, mai tôi sẽ nhờ bác ý luôn.
Sau khi đã nhờ được gia đình anh vợ của bác Khoa ở thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết nhận Quang làm con nuôi, chị Thảo đến Ủy ban nhân dân xã gặp công chức Tư pháp – Hộ tịch để đề nghị hướng dẫn làm thủ tục đăng ký nhận nuôn con nuôi.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Chị Thảo, hôm nay chị đến có việc gì vậy, hôm trước chị làm thủ tục cấp trích lục Giấy khai sinh cho cháu Quang xong rồi nhỉ, chắc chị đang làm hồ sơ để cháu Quang thi vào lớp 10 đúng không?
Chị Thảo: Hồ sơ thi vào 10 của cháu Quang chị làm xong hết rồi, hôm nay chị đến là có việc khác cơ.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Việc gì vậy chị?
Chị Thảo: (Ngập ngừng) Chị hỏi hồ sơ, thủ tục để cho cháu Quang làm con nuôi.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Sao lại cho làm con nuôi, anh, chị vẫn đang nuôi cháu tốt cơ mà?
Chị Thảo: Anh, chị nuôi thì vẫn tốt nhưng chị lại muốn nhiều thứ tốt hơn cho cháu.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Chị cứ nói thế nào, bố mẹ đẻ nuôi con là tốt nhất, sao mà bố mẹ nuôi lại tốt hơn được. Thế chị định cho cháu Quang làm con nuôi của ai?
Chị Thảo: Chị cho làm con nuôi của gia đình anh vợ của bác Khoa nhà chị ở thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Gia đình đó là người dân tộc thiểu số đúng không chị?
Chị Thảo: Đúng rồi, dân tộc Pà Thẻn.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Thế thì tôi hiểu rồi, chị định cho con nuôi để được xác định dân tộc của con sang dân tộc của cha, mẹ nuôi đúng không?
Chị Thảo: Ơ, sao mà em biết được.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Tôi biết được vì có nhiều người cũng có ý định như thế mà.
Chị Thảo: Vậy em hướng dẫn cho chị đi, thủ tục nhận nuôi con nuôi cần những giấy tờ gì?
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Chị có làm thủ tục nhận nuôi con nuôi thì cũng không xác định dân tộc cho cháu Quang sang dân tộc Pà Thẻn được đâu.
Chị Thảo: Sao lại không được, khi mình làm con nuôi của người khác rồi thì phải được lấy dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ nuôi chứ.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác định lại dân tộc như sau:
“3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình”.
Theo quy định trên thì cá nhân chỉ có quyền xác định lại dân tộc trong hai trường hợp sau:
Thứ nhất là xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau.
Thứ hai là xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.
Theo đó, cháu Quang nếu có được nhận làm con nuôi của người dân tộc thiểu số thì theo quy định trên cũng không được xác định dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ nuôi.
Chị Thảo: Chị nghe em nói được xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình là như thế nào?
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: À, đó là trường hợp đứa trẻ sinh ra không biết cha, mẹ đẻ của mình là ai, được nhận làm con nuôi thì khi đăng ký khai sinh theo quy định sẽ lấy dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ nuôi, đến khi mà biết được cha, mẹ đẻ của mình là ai rồi thì có quyền xác định lại theo dân tộc của cha đẻ, trường hợp này là xác định lại dân tộc từ dân tộc của cha mẹ nuôi sang dân tộc của cha, mẹ đẻ. Còn trường hợp của chị, nếu cháu Quang được nhận làm con nuôi thì không được xác định lại dân tộc từ dân tộc của cha, mẹ đẻ sang dân tộc của cha, mẹ nuôi.
Chị Thảo: Vậy à, nghe em giải thích thì chị mới hiểu, chứ mới đầu cứ tưởng là được lấy dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ nuôi. Nói thật với em chứ chị định làm thủ tục nhận nuôi con nuôi để lấy dân tộc của thằng Quang sang dân tộc thiểu số để được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Nếu mà chị làm thế còn là hành vi vi phạm pháp luật đấy. Khoản 5 Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định nghiêm cấm hành vi “Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước”. Giờ chị còn có ý định cho cháu Quang làm con nuôi nữa không?
Chị Thảo: Em giải thích chị biết rồi mà, chị không còn ý định cho cháu Quang làm con nuôi nữa đâu, chị cũng không muốn mình vi phạm pháp luật. Thôi chào em chị về nhé, cảm ơn em đã giải thích để chị hiểu ra, đúng là công chức Tư pháp – Hộ tịch có khác, quy định nào cũng rõ, lại còn giải thích rõ ràng để người dân hiểu nữa.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch xã: Vâng, chị về nhé.
Chị Thảo ra về rồi, công chức Tư pháp – Hộ tịch xã lại tiếp tục với công việc của mình, qua việc trao đổi với chị Thảo ngày hôm nay cũng thấy rằng nhận thức của người dân về pháp luật hộ tịch, dân sự còn có trường hợp chưa đầy đủ, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các hình thức, biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, để người dân hiểu, chấp hành pháp luật./.
Đang Online: 272
Tổng lượng truy cập: