Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 116 Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022 (sau đây viết chung là Luật Bảo vệ môi trường).
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường ( viết tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ( viết tắt là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
Dưới đây là 20 tình huống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường:
1. TÌNH HUỐNG 1: Xử phạt đối với hộ kinh doanh vi phạm
Hộ kinh doanh Mai Thái (do ông Thái là đại diện) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Mai Thái.
Hỏi: Trong trường hợp này, Hộ kinh doanh Mai Thái sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như đối với cá nhân vi phạm hay như đối với tổ chức vi phạm?
Trả lời:
Trong trường hợp này, Hộ kinh doanh Mai Thái sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như đối với cá nhân vi phạm, vì:
Tại khoản 2, 3 Điều 2 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“2. Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:
a) Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
c) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư; pháp nhân nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam;
d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
e) Các đơn vị sự nghiệp;
g) Tổ hợp tác;
h) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, trường hợp hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
2. TÌNH HUỐNG 02: Hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Để triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường”, anh Hoài – Trưởng thôn M dự kiến trong cuộc họp thôn tới sẽ thông tin đến bà con nhân dân trong thôn một số quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Do đó, anh đã đến UBND xã để hỏi quy định của pháp luật về hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hỏi: Hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?
Hình thức, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận phòng thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen; quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen (sau đây gọi chung là giấy phép) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành;
b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật;
c) Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp hành vi vi phạm của cơ sở không gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở đã chấm dứt hành vi vi phạm hoặc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Thời điểm đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn được tính từ thời điểm cơ quan nhà nước đã giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giao nhiệm vụ, chỉ định đơn vị hoặc lựa chọn được nhà thầu khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công”.
3. TÌNH HUỐNG 03: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Doanh nghiệp tư nhân X của anh Hải đã thực hiện hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,2 lần, thời điểm lấy mẫu là ngày 12/4/2023. Đến ngày 12/5/2024, Doanh nghiệp tư nhân X chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên, do đó anh Hải đã đến gặp anh Kiên là Trưởng thôn nơi anh Hải cư trú, nhờ anh Kiên tư vấn đối với trường hợp này đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính chưa? Anh Kiên trả lời rằng: “Vì từ thời điểm lấy mẫu đến nay đã 01 năm 01 tháng nên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải của Doanh nghiệp tư nhân X”.
Hỏi: Anh Kiên trả lời như vậy là đúng hay sai? Vì sao?
Anh Kiên trả lời như vậy là sai. Vì:
- Điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:
“Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
- Khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 18 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
…c) Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 Nghị định này là hành vi đã kết thúc, thì thời hiệu được tính từ thời điểm lấy mẫu…
Điều 18. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường
…2. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần hoặc xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần bị xử phạt như sau:…”.
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,2 lần thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm kể từ ngày lấy mẫu. Trong trường hợp này, từ thời điểm lấy mẫu (ngày 12/4/2023) đến ngày 12/5/2024 chưa được 02 năm (01 năm 01 tháng) nên chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,2 lần của Doanh nghiệp tư nhân X.
4. TÌNH HUỐNG 04: Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Cơ sở sản xuất của ông Bình (không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) bắt đầu sản xuất từ năm 2020, nhưng không thực hiện đăng ký môi trường đủ các nội dung về loại chất thải, khối lượng chất thải phát sinh và phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải của cơ sở. Ngày 22/3/2024, cơ quan có thẩm quyền thi hành công vụ đã phát hiện hành vi vi phạm nêu trên. Qua tìm hiểu ông Bình được biết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm, nhưng ông băn khoăn không biết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm nào nên đã đến UBND xã để hỏi.
Hỏi: Đối với hành vi vi phạm nêu trên của cơ sở sản xuất của ông Bình thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm nào?
Đối với hành vi vi phạm nêu trên của cơ sở sản xuất của ông Bình thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm (ngày 23/3/2024). Vì:
Điểm a khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
…2. Các hành vi vi phạm đang thực hiện, các hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
a) Các hành vi được quy định tại Điều 9; điểm e, g, h khoản 1, điểm e, g, h khoản 2, điểm e, g, h khoản 3 Điều 11; điểm b, c khoản 1, điểm b, c khoản 2 Điều 13; điểm b, d, e khoản 1, điểm c, d, đ khoản 2, điểm c, d, đ khoản 3, điểm c, d, đ khoản 4 Điều 14; khoản 2, điểm e, g, h khoản 3, điểm e, g, h, i khoản 4, khoản 6 Điều 15 và Điều 38 Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
Điều 9. Vi phạm các quy định về thực hiện đăng ký môi trường
1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện nội dung đăng ký môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết hoặc phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, trừ trường hợp vi phạm quy định về chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp đăng ký môi trường không đúng thời hạn theo quy định; không đăng ký môi trường đủ các nội dung về loại chất thải, khối lượng chất thải phát sinh và phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải của dự án đầu tư, cơ sở; không đăng ký môi trường lại theo quy định”.
Căn cứ các quy định nêu trên, đối với trường hợp cơ sở sản xuất (không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) không đăng ký môi trường đủ các nội dung về loại chất thải, khối lượng chất thải phát sinh và phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải của cơ sở thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
5. TÌNH HUỐNG 05: Thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận
Cơ sở sản xuất của ông Tuyến (không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) đã thực hiện đăng ký môi trường và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ông Tuyến thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường nêu trên.
Hỏi: Hành vi nêu trên của ông Tuyến có bị xử phạt vi phạm hành chính không và mức xử phạt như thế nào?
Việc ông Tuyến thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP; mức xử phạt đối với trường hợp này được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 9. Vi phạm các quy định về thực hiện đăng ký môi trường
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết hoặc phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, trừ trường hợp vi phạm quy định về chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại”.
Căn cứ quy định nêu trên, việc ông Tuyến thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Thực hiện không đúng phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải trong đăng ký môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
6. TÌNH HUỐNG 06: Không có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường
Công ty TNHH TB thực hiện một dự án thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường (không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường) và đã được UBND tỉnh Y phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Ông Mạnh - Giám đốc công ty TB đã giao cho anh Cường (cán bộ trong Công ty TB) tìm hiểu quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau khi tìm hiểu, anh Cường báo cáo ông Mạnh rằng: “Khi hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường. Trường hợp không thông báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng”.
Hỏi: Anh Cường báo cáo như vậy có chính xác không? Vì sao?
Anh Cường báo cáo như vậy là chính xác. Vì:
- Khoản 3 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 37. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
… 3. Có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường”.
- Khoản 2 Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 6. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
…2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
…Điều 10. Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường
1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường”.
Căn cứ các quy định nêu trên, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường. Trường hợp không thông báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức”, bằng hình thức phạt tiền, trong đó: Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
7. TÌNH HUỐNG 07: Không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định
Doanh nghiệp tư nhân Q – chủ dự án đầu tư đã được UBND tỉnh H phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, Doanh nghiệp tư nhân Q không thực hiện công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định.
Hỏi: Pháp luật có quy định bắt buộc chủ dự án đầu tư phải thực hiện công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định không? Trong trường hợp không công khai thì bị xử lý như thế nào?
Tại khoản 5 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
… 5. Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 114 của Luật này, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2 Điều 6 và điểm b khoản 1, khoản 4 Điều 10 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
… b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định;…
… 4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm g khoản 1, điểm g khoản 2 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường; không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; không xây lắp hoặc xây lắp không đúng công trình xử lý chất thải theo quy định tại điểm g khoản 1; điểm g khoản 2 Điều này”.
Theo các quy định nêu trên thì pháp luật có quy định bắt buộc chủ dự án đầu tư phải thực hiện công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định. Trong trường hợp không công khai thì bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định” bằng hình thức phạt tiền, trong đó: Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đồng thời, chủ dự án đầu tư phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định”.
8. TÌNH HUỐNG 08: Thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường
Công ty TNHH CH tại xã T, huyện H chưa lắp đặt thiết bị, hóa chất khử trùng để xử lý nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất giày theo đúng nội dung Giấy phép môi trường do UBND tỉnh đã cấp cho Công ty CH.
Hỏi: Hành vi trên của Công ty TNHH CH có vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Tại khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
- Khoản 2 Điều 6:
…2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
- Khoản 2 Điều 11:
“Điều 11. Vi phạm quy định về giấy phép môi trường
…2. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan cấp giấy phép để được xem xét, giải quyết trong trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp theo quy định; nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn quy định;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không công khai giấy phép môi trường theo quy định;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường theo quy định, trừ các trường hợp: vi phạm quy định về quan trắc môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản này;
d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không rà soát công trình, thiết bị xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm hoặc không cải tạo, nâng cấp công trình xử lý chất thải theo quy định trong trường hợp báo cáo số liệu không đúng thực tế ô nhiễm hoặc trong trường hợp có vi phạm đối với hành vi xả nước thải, bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;
đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không chính xác, không trung thực thông tin về kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm theo quy định; không thực hiện việc cấp đổi, cấp điều chỉnh giấy phép môi trường theo quy định; không thực hiện nội dung của giấy phép môi trường theo quy định, trừ các trường hợp: vi phạm quy định về quan trắc môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và trường hợp quy định tại điểm a, b, c, e và g khoản này;
e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;
g) Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;
h) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định”.
Theo đó, về hành vi vi phạm hành chính: Công ty TNHH CH chưa lắp đặt thiết bị, hóa chất khử trùng để xử lý nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất theo đúng nội dung Giấy phép môi trường do UBND tỉnh K đã cấp là hành vi “Thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường theo quy định”.
Về mức phạt tiền: Công ty TNHH CH là tổ chức, do đó mức phạt tiền đối với Công ty TNHH CH sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm (hành vi thực hiện không đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường theo quy định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP), cụ thể: Mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
9. TÌNH HUỐNG 09: Không có giấy phép môi trường được cấp lại
Tính đến ngày 23/4/2024, Giấy phép môi trường do UBND huyện S cấp cho cơ sở sản xuất KH của ông Khánh đã hết hạn. Nhưng ông Khánh chưa làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép môi trường.
Hỏi: Hành vi trên của ông Khánh có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Tại điểm a khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:
“Điều 44. Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường
…3. Giấy phép môi trường được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép hết hạn”.
Điều 30 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“4. Đối tượng cấp lại giấy phép môi trường và thời điểm chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường được quy định như sau:
a) Đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi hết hạn 06 tháng”.
Điểm e khoản 1 Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định”.
Theo đó, ông Khánh không thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép môi trường nên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Không có giấy phép môi trường được cấp lại” và bị xử phạt với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.
10. TÌNH HUỐNG 10: Hành vi lắp đặt đường ống xả chất thải không qua xử lý ra môi trường
Cơ sở dệt may Z do ông Cương làm chủ đã được UBND huyện B cấp giấy phép môi trường theo quy định. Trong qua trình vận hành, ông Cương đã lắp đặt đường ống xả nước thải từ Cơ sở dệt may Z ra con sông cạnh đó.
Hỏi: Hành vi nêu trên của ông Cương có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Mức phạt như thế nào?
Hành vi nêu trên của ông Cương bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, cụ thể:
…h) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
…4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng để khắc phục vi phạm đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm h khoản 1, điểm h khoản 2 và điểm h khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm h khoản 1, điểm h khoản 2 và điểm h khoản 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại điểm g, h khoản 1, điểm g, h khoản 2 và điểm g, h khoản 3 Điều này”.
Theo đó, ông Cương sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Lắp đặt đường ống xả chất thải không qua xử lý ra môi trường”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; đồng thời, bị tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng để khắc phục vi phạm và bị buộc phá dỡ thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
11. TÌNH HUỐNG 11: Không công khai giấy phép môi trường
Công ty TNHH một thành viên 2T do ông Minh là người đại diện theo pháp luật đang làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường. Thấy vậy, ông Thái – bạn ông Minh đã nhắc nhở ông Minh rằng: “Sau khi được cấp giấy phép môi trường phải thực hiện công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp không công khai giấy phép môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Hỏi: Ông Thái nói như vậy là đúng hay sai? Vì sao?
Ông Thái nói như vậy là đúng. Vì:
Tại khoản 2 Điều 47 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
2. Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường. Trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép xem xét, giải quyết;
b) Nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường;
c) Thực hiện đúng quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
d) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
đ) Công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
e) Cung cấp các thông tin có liên quan theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm tra, thanh tra;
g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
2. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định nàybị xử phạt như sau:
… b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không công khai giấy phép môi trường theo quy định”.
Căn cứ các quy định nêu trên, chủ dự án đầu tư được cấp giấy phép môi trường có nghĩa vụ công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp không công khai giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không công khai giấy phép môi trường theo quy định”, bằng hình thức phạt tiền, trong đó: Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
12. TÌNH HUỐNG 12: Hành vi không thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư, cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định
Công ty TNHH X là chủ 01 dự án đầu tư (không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường) đã được UBND huyện H cấp giấy phép môi trường và có công trình xử lý chất thải thuộc trường hợp phải thực hiện vận hành thử nghiệm. Ngày 13/5/2024, Công ty TNHH X đã đưa công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư vào thử nghiệm, nhưng không thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư nêu trên cho UBND huyện H.
Hỏi: Việc công ty TNHH X không thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư cho UBND huyện H có vi phạm quy định của pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?
Tại khoản 1, 2, 5 Điều 31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 31. Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp giấy phép môi trường
1. Công trình xử lý chất thải không phải thực hiện vận hành thử nghiệm gồm:
a) Hồ lắng của dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi;
b) Hồ sự cố của hệ thống xử lý nước thải (trừ hồ sự cố kết hợp hồ sinh học);
c) Hệ thống thoát bụi, khí thải đối với các trường hợp không yêu cầu có hệ thống xử lý bụi, khí thải, bao gồm cả hệ thống kiểm soát khí thải lò hơi sử dụng nhiên liệu là khí gas, dầu DO; hệ thống xử lý khí thải lò hỏa táng;
d) Công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường (bao gồm cả bể tự hoại, bể tách mỡ nước thải nhà ăn và các công trình, thiết bị hợp khối đáp ứng yêu cầu theo quy định);
đ) Hệ thống xử lý nước làm mát có sử dụng Clo hoặc hóa chất khử trùng để diệt vi sinh vật;
e) Công trình xử lý chất thải của dự án mở rộng, nâng cao công suất nhưng không có thay đổi so với giấy phép môi trường đã cấp;
g) Công trình xử lý chất thải của các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường khi đề nghị cấp điều chỉnh giấy phép môi trường;
h) Công trình xử lý chất thải của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp khi đề nghị cấp lại giấy phép môi trường nhưng không có thay đổi so với giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã cấp.
2. Chủ dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường và có công trình xử lý chất thải không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đó đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu dự án có phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án khi đã hoàn thành việc thực hiện các nội dung sau đây:
…5. Chủ dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan cấp giấy phép môi trường trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để theo dõi, giám sát; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện”.
Khoản 2 Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
…Điều 12. Vi phạm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư
1. Hành vi vi phạm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư, cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không có sổ nhật ký vận hành hoặc không ghi chép đầy đủ thông tin của quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định; không phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án để được kiểm tra, giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm theo quy định”.
Căn cứ các quy định nêu trên, chủ dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường và có công trình xử lý chất thải thuộc trường hợp phải thực hiện vận hành thử nghiệm có trách nhiệm thông báo thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình, hạng mục công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan cấp giấy phép môi trường trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để theo dõi, giám sát. Theo đó, trong trường hợp này Công ty TNHH X đã không thực hiện việc thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư cho cơ quan cấp giấy phép môi trường (UBND huyện H) là hành vi vi vi phạm quy định của pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (vì Công ty TNHH X là tổ chức vi phạm nên mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiến đối với cá nhân vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
13. TÌNH HUỐNG 13: Không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trong trường hợp gây ra sự cố môi trường
Dự án đầu tư của Doanh nghiệp tư nhân N (không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường) đã được UBND huyện C cấp giấy phép môi trường, dự án đầu tư này có công trình xử lý chất thải thuộc trường hợp phải thực hiện vận hành thử nghiệm. Ngày 02/3/2024, Doanh nghiệp tư nhân N đã đưa công trình xử lý chất thải vào vận hành thử nghiệm. Đến ngày 15/4/2024, trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đã gây ra sự cố môi trường. Tuy nhiên, Doanh nghiệp tư nhân N không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, mà đến ngày 25/4/2024, Doanh nghiệp tư nhân N mới dừng hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải nêu trên.
Hỏi: Doanh nghiệp tư nhân N không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trong trường hợp gây ra sự cố môi trường là đúng hay sai? Nếu sai thì bị xử lý như thế nào?
Doanh nghiệp tư nhân N không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trong trường hợp gây ra sự cố môi trường là sai và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Tại điểm c khoản 8 Điều 31 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định:
8. Trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án, nếu chất thải xả ra môi trường không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, chủ dự án đầu tư phải thực hiện các biện pháp sau:
…c) Trường hợp gây ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường, chủ dự án đầu tư phải dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm và báo cáo kịp thời tới cơ quan cấp giấy phép môi trường để được hướng dẫn giải quyết; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải gửi thêm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để phối hợp giải quyết các vấn đề về môi trường; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2 Điều 6 và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
… đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc không báo cáo kịp thời tới cơ quan cấp giấy phép môi trường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp gây ra sự cố môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động vận hành có liên quan đến công trình vận hành thử nghiệm của cơ sở từ 01 tháng đến 03 tháng để khắc phục vi phạm đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm b, đ khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này;...
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại điểm b, đ khoản 1, điểm b, đ khoản 2 và điểm b, đ khoản 3 Điều này”.
Theo đó, trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án mà gây ra sự cố môi trường, chủ dự án đầu tư phải dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm và báo cáo kịp thời tới cơ quan cấp giấy phép môi trường để được hướng dẫn giải quyết. Trong trường hợp này, Doanh nghiệp tư nhân N không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trong trường hợp gây ra sự cố môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trong trường hợp gây ra sự cố môi trường”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (vì Doanh nghiệp tư nhân N là tổ chức vi phạm nên mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiến đối với cá nhân vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP); đồng thời bị đình chỉ hoạt động vận hành có liên quan đến công trình vận hành thử nghiệm từ 01 tháng đến 03 tháng để khắc phục vi phạm và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
14. TÌNH HUỐNG 14: Hành vi không có công trình, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, kiểm soát ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định
Sắp tới, ông Bằng dự kiến triển khai một dự án đầu tư thuộc trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh. Ông thấy bạn ông nói rằng: “Trường hợp không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tá động môi trường theo quy định khi vận hành dự án đầu tư mà không có công trình, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, kiểm soát ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”. Nhưng ông băn khoăn không biết bạn ông nói như vậy có chính xác không?
Hỏi: Bạn ông Bằng nói như vậy có chính xác không? Vì sao?
Bạn ông Bằng nói như vậy là chính xác. Vì:
Tại khoản 2 Điều 6 và điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
…Điều 13. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong trường hợp không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định
1. Dự án đầu tư, cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án đầu tư, cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khi triển khai xây dựng hoặc vận hành có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, trừ hành vi quy định tại Điều 14 của Nghị định này, bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không có công trình, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, kiểm soát ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định; xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành hoặc không vận hành thường xuyên đối với công trình bảo vệ môi trường theo quy định”.
Theo các quy định nêu trên, dự án đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tá động môi trường theo quy định khi vận hành không có công trình, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, kiểm soát ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không có công trình, biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, kiểm soát ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định”, bằng hình thức phạt tiền, trong đó: Đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
15. TÌNH HUỐNG 15: Không có quyết định phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định
Công ty X thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh. Ngày 20/5/2024, Công ty X đã triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án đầu tư mà không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh tác động môi trường theo quy định.
Hỏi: Trong trường hợp này, Công ty X sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trong trường hợp này, Công ty X sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 6 và Điều 13 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, cụ thể:
Điều 13. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong trường hợp không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định
…c) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
… b) Đình chỉ hoạt động triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án đầu tư, cơ sở mà không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm các quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
… b) Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các trường hợp vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều này mà địa điểm đang thực hiện dự án đầu tư, cơ sở không phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được phê duyệt theo quy định”.
Theo đó, Công ty X đã triển khai thi công xây dựng dự án đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh mà không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 ((vì Công ty X là tổ chức vi phạm nên mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiến đối với cá nhân vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP); đồng thời, bị đình chỉ hoạt động triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án đầu tư mà không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 06 tháng đến 12 tháng và buộc di dời dự án đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
16. TÌNH HUỐNG 16: Cơ sở thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường đang hoạt động mà không có đăng ký môi trường, không kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt
Cơ sở sản xuất của Hộ kinh doanh LT thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường (không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) đang hoạt động mà không có đăng ký môi trường theo quy định, không kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định, làm ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh.
Hỏi: Trong trường hợp này, Hộ kinh doanh LT sẽ bị xử phạt đối với hành vi gì? Mức xử phạt như thế nào?
Tại Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 14. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành hoặc cơ sở đang hoạt động mà không có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định
1. Đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường theo quy định, khi triển khai xây dựng hoặc vận hành chính thức có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có hành vi không thu gom, quản lý, xử lý nước thải, bụi, khí thải; không kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định;
…6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại điểm a, c, đ khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này…”.
Theo đó, Hộ kinh doanh LT sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Cơ sở thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường đang hoạt động mà không có đăng ký môi trường, không kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt theo quy định”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; đồng thời, bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định.
17. TÌNH HUỐNG 17: Không đăng ký môi trường theo quy định
Ngày 15/3/2024, ông Chung đã triển khai xây dựng 01 cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường (không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường). Qua thông tin từ nhân dân, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện ông Chung không thực hiện đăng ký môi trường theo quy định.
Hỏi: Trong trường hợp này, ông Chung bị xử phạt như thế nào?
Tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định:
… b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có hành vi không đăng ký môi trường theo quy định…”.
Theo đó, trong trường hợp này ông Chung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không đăng ký môi trường theo quy định”, bằng hình thức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
18. TÌNH HUỐNG 18: Cụm công nghiệp không bố trí nhân sự phụ trách về bảo môi trường theo quy định
Ngày 27/5/2024, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường đối với Cụm công nghiệp M do Doanh nghiệp CQ làm chủ đầu tư. Qua kiểm tra, đã phát hiện Cụm công nghiệp M không bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường theo quy định.
Hỏi: Hành vi nêu trên của Cụm công nghiệp M có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức xử phạt như thế nào?
Hành vi nêu trên của Cụm công nghiệp M bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 6 và điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, cụ thể:
…Điều 15. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề
…3. Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường theo quy định”.
Theo đó, Cụm công nghiệp M sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường theo quy định”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (vì Cụm công nghiệp M do Doanh nghiệp CQ làm chủ đầu tư là tổ chức vi phạm nên mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiến đối với cá nhân vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
19. TÌNH HUỐNG 19: Cụm công nghiệp không có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung
Cụm công nghiệp K do Hợp tác xã XP làm chủ đầu tư đi vào hoạt động được 2 năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Cụm công nghiệp K không có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.
Hỏi: Hành vi trên của Cụm công nghiệp K bị xử phạt như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 6 và điểm d khoản 3 Điều 15 Nghị định sôs 45/2022/NĐ-CP quy định:
…d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung”.
Theo đó, Cụm công nghiệp K sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Không có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng (vì Cụm công nghiệp K do Hợp tác xã XP làm chủ đầu tư là tổ chức vi phạm nên mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiến đối với cá nhân vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
20. TÌNH HUỐNG 20: Xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải
Hộ kinh doanh HH đã thực hiện hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,7 lần với lượng nước thải 15 m3/ngày (24 giờ).
Hỏi: Trong trường hợp này, Hộ kinh doanh HH sẽ bị xử phạt như thế nào?
Tại điểm c khoản 3 Điều 18 Nghị định sôs 45/2022/NĐ-CP quy định:
“Điều 18. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường
…3. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 03 lần bị xử phạt như sau:
…c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ)…
…9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;
b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này”.
Theo đó, Hộ kinh doanh HH sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “Xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 1,7 lần với lượng nước thải 15 m3/ngày (24 giờ)”, bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; đồng thời, bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành./.
Đang Online: 67
Tổng lượng truy cập: