Ngày 25/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2024.
Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung tên Mục 1 Chương II và 29 Điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Đồng thời, bãi bỏ một số quy định, bổ sung, thay thế một số mẫu tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
Theo đó, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương và nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có một số điểm mới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, cụ thể như sau:
1. Về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong việc xác định các nội dung được giao quy định chi tiết thi hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã bổ sung khoản 5 vào Điều 29a của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (đã được bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) như sau: “5. Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, xác định các nội dung được giao quy định chi tiết nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để kịp thời đề xuất ban hành văn bản quy định chi tiết”.
Căn cứ quy định nêu trên, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động rà soát để xác định các nội dung được giao quy định chi tiết thi hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để kịp thời đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.
2. Về xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách
Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã sửa đổi một số quy định về xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách để đảm bảo quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn về yêu cầu đánh giá tác động của chính sách; đơn giản hóa phương pháp đánh giá tác động của chính sách để tăng cường tính chủ động, linh hoạt của cơ quan lập đề nghị (sửa đổi Điều 2, Điều 6, Điều 7); bãi bỏ một số quy định về đánh giá tác động chính sách không khả thi hoặc đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (bãi bỏ Điều 5, Điều 8, Điều 31); thay thế, bổ sung mẫu báo cáo đánh giá tác động của chính sách (mẫu số 01 Phụ lục V).
3. Về lấy ý kiến đối với đề nghị, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
- Đối với lấy ý kiến về đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh có nội dung quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương): Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), cụ thể:
“Điều 10. Trách nhiệm lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
1. Cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
2. Cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.”
Theo đó, cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh có nội dung quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không còn bắt buộc phải lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành lĩnh vực và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
- Đối với lấy ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh: Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 25 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, như sau:
“3. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương lấy ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan; lấy ý kiến Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự án, dự thảo liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.”
Căn cứ quy định nêu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh không còn bắt buộc phải lấy ý kiến của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam.
4. Sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu liên quan đến thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
4.1. Về mẫu tờ trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh
Điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã thay thế mẫu số 02 Phụ lục V bằng mẫu số 02 tại Phụ lục III.
Theo đó, hiện nay mẫu tờ trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 59/2024/NĐ-CP chỉ được áp dụng đối với đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh có nội dung quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không còn áp dụng chung cho việc đề nghị xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh có nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị xây dựng quyết định quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị các cơ quan, đơn vị xây dựng tờ trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo các nội dung theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 117 và khoản 2 điều 127 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm một số nội dung chính, như sau: (1) Tên gọi của dự thảo văn bản; (2) Sự cần thiết, căn cứ ban hành văn bản; (3) Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; (4) Nội dung chính của dự thảo văn bản; (5) Dự kiến thời gian ban hành; (6) Dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo.
* Lưu ý:
- Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh có nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn phải có nội dung về dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết.
- Đối với đề nghị xây dựng quyết định quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định những vấn đề được giao quy định chi tiết, cơ quan đề xuất phải rà soát văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để xác định rõ nội dung, phạm vi giao quy định chi tiết.
4.2. Về mẫu tờ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã thay thế mẫu số 03 Phụ lục V bằng mẫu số 03 tại Phụ lục III, trong đó đã bổ sung một số nội dung để làm rõ sự cần thiết ban hành văn bản (bổ sung nội dung cơ sở chính trị, pháp lý; cơ sở thực tiễn); phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo văn bản; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho thi hành văn bản.
4.3. Bổ sung một số biểu mẫu liên quan đến thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã bổ sung Mẫu số 12, 13 và 14 vào Phụ lục V, gồm:
- Mẫu số 12. Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Mẫu số 13. Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Mẫu số 14. Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật/dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
5. Sửa đổi quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn
Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 37 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP như sau:
“13. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 37 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP như sau:
a) Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 như sau:
“3a. Đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Văn bản đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này phải có các nội dung chính sau đây:
a) Sự cần thiết ban hành văn bản;
b) Tên văn bản;
c) Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản;
d) Nội dung chính của văn bản;
đ) Căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó nêu cụ thể trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Điều 146 của Luật; lý do đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật, phải nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết vấn đề đó;
e) Dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo và thời gian trình hoặc ban hành văn bản.”
Theo đó, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP đã xác định rõ đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc của các đơn vị trong quá trình soạn thảo mà phát sinh yêu cầu cần áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn (như văn bản cần có hiệu lực ngay để xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn theo yêu cầu); đồng thời quy định cụ thể nội dung của văn bản đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Chi tiết tại: https://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=167197&dvid=13.
Đang Online: 87
Tổng lượng truy cập: