Ngày 12/7/2024, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân đã ban hành Thông báo số 319/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận một số kết quả nổi bật của doanh nghiệp nhà nước trong 5 tháng đầu năm 2024, đồng thời nêu một số hạn chế, tồn tại trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và định hướng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đề ra những nhiệm vụ cụ thể, như sau:
1. Định hướng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Một là, luôn xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.
Các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bênh cạnh việc tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Hai là, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn quy định.
Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động.
Ba là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện ba đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.
Doanh nghiệp nhà nước làm trụ cột, đi đầu, tiên phong mở đường trong đầu tư phát triển, tạo động lực, dẫn dắt, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định rõ xây dựng và phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ có tính chiến lược.
Nhân rộng mô hình của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex Bình Dương), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), phấn đấu mỗi ngành, lĩnh vực có một Tập đoàn như Viettel, mỗi địa phương có ít nhất một doanh nghiệp như Becamex Bình Dương.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị cũng xác định nghiên cứu chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.
Với tinh thần đó, doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện tốt 5 tiên phong: (1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả; (3) Tiên phong trong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đi đôi với tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) Tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá phát triển đất nước, trong đó có phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; (5) Tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.
2. Một số nhiệm vụ cụ thể
2.1. Đối với các doanh nghiệp nhà nước:
- Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu, than) phải đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là bảo đảm cung ứng điện trong bất cứ hoàn cảnh nào.
- Trong cung ứng lương thực, thực phẩm, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt thị trường, phối hợp chặt chẽ triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức hội nghị 3 bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân) về triển khai Đề án này.
- Đối với nhóm các doanh nghiệp nhà nước cung ứng dịch vụ công ích phải bảo đảm an sinh xã hội nâng cao chất lượng, đời sống của nhân dân, bảo đảm cấp nước sạch, chống ngập úng. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục nghiên cứu các giải pháp miễn giảm phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là với nước, cước viễn thông, chi phí logistics, cất hạ cánh…
- Các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị tập trung phát triển một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhất là năm nay phải hoàn thành 130.000 căn hộ.
- Các ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai quyết liệt, tiên phong trong việc giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, phát triển kinh tế vùng.
2.2. Đối với các bộ, cơ quan, địa phương:
- Tiên phong trong tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế, chính sách, rà soát các thủ tục pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp hưởng thụ thật", "nói ít, làm nhiều", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được".
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, bám sát tình hình quốc tế và khu vực, diễn biến trong nước và hoạt động của doanh nghiệp để luôn đổi mới; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh....
- Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng uỷ Khối các doanh nghiệp Trung ương đề xuất công tác cán bộ, tổ chức hợp lý, mang tính đặc thù với doanh nghiệp nhà nước nhưng bảo đảm hài hoà trong tổng thể hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Bộ Tài chính sớm nghiên cứu xây dựng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện các chủ trương phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát.
- Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, tổng kết mô hình hoạt động phù hợp; phát huy tốt hơn nữa vai trò quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
- Các cơ quan đại diện chủ sở hữu, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện quyết liệt, đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện, khẩn trương, chủ động giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền, những vấn đề tồn đọng kéo dài, không đùn đẩy, né tránh; lãnh đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao năng lực quản trị, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính./.
Tin: Trương Lan.
Đang Online: 122
Tổng lượng truy cập: