Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 116 Luật Thanh tra ngày 14/11/2022 (sau đây viết chung là Luật Bảo vệ môi trường).
Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (viết tắt là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
Dưới đây là 20 tình huống pháp luật về môi trường:
1. TÌNH HUỐNG 1: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường
Gia đình bà Mai tại xã H chuyên nuôi gà số lượng lớn để bán cho các nhà hàng. Trong quá trình nuôi, gia đình bà luôn thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh. Vào đầu năm 2024, trên địa bàn xã H xuất hiện dịch cúm gà H5N1, dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đàn gà nhà bà Mai cũng bị nhiễm dịch cúm, kết quả có 50 con gà bị chết. Tuy nhiên, bà Mai không thực hiện biện pháp xử lý 50 con gà chết nêu trên theo quy định, mà mang ra con sông cạnh nhà vứt, để nước cuốn trôi đi.
Hỏi: Hành vi trên của bà Mai có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Trả lời:
Hành vi trên của bà Mai là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, vì:
Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường như sau:
“Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường
1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.
5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.
7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.
8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
9. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.
10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.
13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh”.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc bà Mai không xử lý xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh theo quy định mà phát tán, thải ra môi trường là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường.
2. TÌNH HUỐNG 02: Bảo vệ môi trường không khí
Hộ gia đình ông An mở trang trại chăn nuôi lợn thịt tại xã X, huyện Y, tỉnh Tuyên Quang. Trang trại của hộ gia đình ông An không sử dụng bất kỳ phương pháp giảm thiểu và xử lý chất thải chăn nuôi lợn nào, nên mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi lợn thường xuyên phát tán ra môi trường, khiến những người dân sống xung quanh rất bức xúc, trong đó có gia đình chị Liên. Do đó, chị Liên đã đến gặp ông An, đề nghị hộ gia đình ông phải có biện pháp để không phát tán mùi hôi thối ra môi trường, ông An trả lời là “Khi mở trang trại chăn nuôi lợn thì mùi hôi thối phát tán ra xung quanh là không thể tránh khỏi, là hàng xóm thì nên thông cảm với nhau”.
Hỏi: Ông An trả lời như vậy có đúng không? Hộ gia đình ông An có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Việc ông An trả lời như trên là sai; hộ gia đình ông An không sử dụng phương pháp giảm thiểu và xử lý chất thải chăn nuôi lợn, khiến cho mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi lợn phát tán ra môi trường là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Cụ thể:
Tại khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường, quy định chung về bảo vệ môi trường không khí; quản lý và kiểm soát bụi, khí thải như sau:
- Khoản 1 Điều 12 quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật”.
- Khoản 1 Điều 88 quy định: “Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Bụi có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại”.
Căn cứ các quy định nêu trên, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh có phát khí thải tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật.
3. TÌNH HUỐNG 03: Dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
Sắp tới Công ty H của anh Mạnh dự định triển khai một dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất. Anh Mạnh băn khoăn không biết theo quy định thì những dự án nào phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, nên đã đến UBND xã để hỏi.
Hỏi: Dự án nào phải thực hiện đánh giá tác động môi trường?
Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:
a) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;
b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường”.
Theo đó, các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, bao gồm:
(1) Dự án đầu tư nhóm I (là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao), bao gồm:
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
- Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
- Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
- Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
- Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
- Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
(2) Một số dự án đầu tư nhóm II (là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, nhưng không thuộc dự án nhóm I), gồm:
- Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
- Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
- Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
- Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.
* Lưu ý: Trường hợp các dự án nêu trên thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.
4. TÌNH HUỐNG 04: Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Công ty TNHH A chuẩn bị triển khai thực hiện một dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Anh Cương - Giám đốc công ty A đã giao cho anh Tiến - người lao động trong công ty A, nghiên cứu quy định của pháp luật về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án này. Sau khi nghiên cứu, anh Tiến báo cáo anh Cương rằng: “Đối với dự án đầu tư có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Hỏi: Anh Tiến báo cáo như vậy có chính xác không? Vì sao?
Anh Tiến báo cáo như vậy là chính xác, vì:
Tại điểm a khoản 3 Điều 28 và Điều 35 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 28. Tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư
3. Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:
a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;…
Điều 35. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sau đây, trừ dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này:
b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; dự án đầu tư nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quyết định giao khu vực biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
5. TÌNH HUỐNG 05: Thời hạn cấp giấy phép môi trường
Ngày 05/3/2024, Ông Bình (chủ cơ sở sản xuất) nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến UBND huyện M bằng hình thức trực tiếp, đồng thời thực hiện việc nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường và UBND huyện M đã kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 10/4/2024 (35 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ), ông Bình không thấy UBND huyện M cấp giấy phép môi trường hoặc có văn bản thông báo trả hồ sơ nên ông đã đến UBND huyện M để hỏi thì được trả lời rằng: “Hồ sơ của ông đang được thẩm định”. Sau đó, ngày 12/4/2024 (37 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ) cơ sở sản xuất của ông Bình mới được cấp giấy phép môi trường.
Hỏi: Trong trường hợp này, UBND huyện M có thực hiện đúng quy định về thời hạn cấp giấy phép môi trường không?
UBND huyện M không thực hiện đúng quy định về thời hạn cấp giấy phép môi trường, vì:
Tại khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“4. Thời hạn cấp giấy phép môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:
a) Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
b) Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có thể quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường ngắn hơn so với thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này phù hợp với loại hình, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp”.
Như vậy, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì UBND huyện M phải thực hiện cấp giấy phép môi trường trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, trong trường hợp này UBND huyện M đã thực hiện cấp giấy phép môi trường chậm thời hạn.
6. TÌNH HUỐNG 06: Cấp lại giấy phép môi trường
Công ty TNHH Y có một dự án đầu tư (không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường) đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định. Hiện nay, giấy phép môi trường đã cấp vẫn còn thời hạn, nhưng công ty TNHH Y dự kiến tăng quy mô, công suất của dự án so với giấy phép môi trường đã cấp.
Hỏi: Trong trường hợp này, công ty TNHH Y phải thực hiện thủ tục điều chỉnh hay cấp lại giấy phép môi trường?
Trong trường hợp này, công ty TNHH Y phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép môi trường, vì:
Khoản 2, khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“2. Giấy phép môi trường được xem xét điều chỉnh trong thời hạn của giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi nội dung cấp phép quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở hoặc theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
b) Dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế.
3. Giấy phép môi trường được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép hết hạn;
b) Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường so với giấy phép môi trường đã được cấp, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường”.
Theo đó, trường hợp dự án đầu tư (không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường) thay đổi về tăng quy mô, công suất thì được cấp lại giấy phép môi trường.
7. TÌNH HUỐNG 07: Phí thẩm định cấp giấy phép môi trường
Ông Tiên - chủ cơ sở sản xuất T, đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường tại UBND huyện X, tỉnh Tuyên Quang. Ông Tiên băn khoăn không biết khi đề nghị cấp giấy phép môi trường có phải nộp phí không, nên ông đã hỏi một người bạn là ông Nam. Ông Nam trả lời: “Khi đề nghị cấp giấy phép môi trường phải nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường”.
Hỏi: Ông Nam trả lời như vậy có đúng không? Vì sao?
Ông Nam trả lời như vậy là đúng, vì:
Tại Điều 45 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 45. Phí thẩm định cấp giấy phép môi trường
1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan nhà nước ở trung ương.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở đề nghị cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường. Hiện nay, mức thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường của dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 14/3/2022 của HĐND tỉnh Quy định mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thẩm định trong lĩnh vực môi trường áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể:
“3. Phí thẩm định cấp giấy phép môi trường:
3.1. Đối tượng nộp phí: Cơ quan, tổ chức và cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép môi trường của dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
3.2. Cơ quan tổ chức thu phí:
- Sở Tài nguyên và Môi trường (thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh)
- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố).
3.3. Mức thu:
a) Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường:
- Các dự án/cơ sở nhóm II thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh: 11,3 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở.
- Các dự án/cơ sở nhóm III thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh: 9,2 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở.
- Các dự án/cơ sở nhóm III thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: 6,1 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở.
(Mức phí trên tính theo lần thẩm định cấp/cấp lại giấy phép môi trường và không bao gồm chi phí lấy mẫu, phân tích mẫu chất thải)”.
b) Mức thu phí thẩm định cấp điều chỉnh giấy phép môi trường: Bằng 50% mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại quy định tại điểm a khoản này.
8. TÌNH HUỐNG 08: Kiểm soát tiếng ồn
Công ty dệt may X có xưởng sản xuất tại xã H, huyện T. Hằng ngày, tiếng máy móc phát ra từ xưởng sản xuất của Công ty dệt may X rất to, hơn nữa Công ty X còn thường xuyên cho công nhân tăng ca làm đêm, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở khu vực lân cận.
Hỏi: Công ty X có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Công ty X đã vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, vì:
Khoản 4 Điều 6, khoản 1 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
- Khoản 4 Điều 6: “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: …4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí”.
- Điểm d khoản 1 Điều 53: “1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây: …d) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;…”.
Theo đó, việc Công ty dệt may X không kiểm soát tiếng ồn phát ra từ hoạt động sản xuất là vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
9. TÌNH HUỐNG 09: Bảo vệ môi trường làng nghề
Hộ gia đình ông Hà sản xuất trong làng nghề X, tại xã H, huyện Y. Ông Hà băn khoăn không biết hộ gia đình mình có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường làng nghề không nên đã đến UBND xã H để hỏi.
Hỏi: Hộ gia đình ông Hà có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường làng nghề không?
Hộ gia đình ông Hà có trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 34 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, cụ thể:
- Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật”.
- Điều 34 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: “Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Công trình bảo vệ môi trường của cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Có hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải theo quy định của chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề.
2. Có công trình xử lý nước thải hoặc công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
3. Có công trình xử lý khí thải hoặc công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp có phát sinh khí thải phải xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
5. Có biện pháp, công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn theo quy định của pháp luật”.
10. TÌNH HUỐNG 10: Bảo vệ môi trường nơi công cộng
Nhà chị Hoa có nuôi một đàn bò. Hằng ngày, chị Hoa dắt đàn bò ra đồng ăn cỏ, con đường từ nhà chị Hoa ra đồng phải đi nhà văn hóa của thôn. Trên đường đi từ nhà ra đồng và từ đồng về nhà, đàn bò nhà chị Hoa thường xuyên thải phân và nước tiểu ra đường, thậm chí có lần còn thải phân ra trước cửa nhà văn hóa thôn, nhưng chị Hoa không dọn dẹp, làm cho đoạn đường đó luôn có mùi hôi thối.
Hỏi: Hành vi trên của chị Hoa có vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không? Vì sao?
Hành vi trên của chị Hoa đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vì:
Tại khoản 1 Điều 59 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 59. Bảo vệ môi trường nơi công cộng
1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào từng loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng”.
Theo đó, cá nhân có trách nhiệm không để vật nuôi gây mất vệ sinh công cộng; việc chị Hoa để đàn bò thải phân và nước giải ra đường mà không dọn dẹp, làm cho đường thôn có mùi hôi thối là hành vi vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
11. TÌNH HUỐNG 11: Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân
Từ năm 2023, UBND xã B yêu cầu các hộ gia đình trong xã phải thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt để tổ chức thu gom rác thải thu gom đến nơi xử lý theo đúng quy định và phải nộp kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Tuy nhiên, hộ gia đình bà Loan không đồng ý nộp phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải với lý do gia đình bà tự đổ rác thải ra con sông gần nhà nên không cần tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
Hỏi: Gia đình bà Loan tự đổ rác thải mà không qua tổ chức thu gom có đúng không? Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm gì trong bảo vệ môi trường?
Thứ nhất, gia đình bà Loan tự đổ rác thải mà không qua tổ chức thu gom là không thực hiện đúng quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường: “ 1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
a) Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;
…d) Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, gia đình bà Loan có trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt để tổ chức thu gom đến nơi xử lý theo đúng quy định và có trách nhiệm nộp phí thu gom rác thải theo quy định.
Thứ hai, về trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường thì hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau:
(1) Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;
(2) Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư;
(3) Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;
(4) Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
(5) Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư;
(6) Có công trình vệ sinh theo quy định. Trường hợp chưa có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khu dân cư tập trung, phải xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
(7) Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
12. TÌNH HUỐNG 12: Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Tại thôn T, xã N, vào mùa gặt, sau khi thu hoạch lúa, phần lớn bà con xử lý rơm, rạ bằng cách đốt. Điều này khiến cho các ngả đường trong thôn, cứ vào khoảng 4 - 5 giờ chiều lại được bao trùm bằng khói bụi, gây ô nhiễm môi trường. Ông Minh - trưởng thôn T thấy vậy nên đã nhắc nhở bà con rằng không được đốt rơm, rạ và việc đốt rơm, rạ là vi phạm pháp luật về môi trường.
Hỏi: Ông Minh nhắc nhở như vậy có đúng không?
Ông Minh nhắc nhở như vậy là đúng, vì:
Khoản 4 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường”.
Theo đó, việc đốt rơm, rạ, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường là vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 61 Luật Bảo vệ môi trường.
13. TÌNH HUỐNG 13: Bảo vệ môi trường trong hoạt động cải tạo, sửa chữa công trình xây dựng
Chị Nga nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (nhà 03 tầng) tại thị trấn T, huyện H. Vì ngôi nhà đã cũ nên chị Nga đã thực hiện cải tạo, sửa chữa lại trước khi chuyển đến ở. Trong quá trình cải tạo, sửa chữa, chị Nga không có biện pháp che chắn, làm cát bụi bay quanh khu vực hàng xóm.
Hỏi: Việc chị Nga cải tạo, sửa chữa nhà mà không có biện pháp che chắn, làm cát bụi bay quanh khu vực hàng xóm có vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Việc chị Nga cải tạo, sửa chữa nhà mà không có biện pháp che chắn, làm cát bụi bay quanh khu vực hàng xóm là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, vì:
Khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải”.
Theo đó, khi thực hiện thi công cải tạo, sửa chữa nhà, phải có biện pháp không phát tán bụi.
14. TÌNH HUỐNG 14: Xử lý chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng
Căn nhà cấp 4 của gia đình anh Ngọc tại thôn H, xã T hiện đã cũ, do đó gia đình anh thực hiện phá dỡ để xây nhà mới. Chất thải từ hoạt động phá dỡ ngôi nhà cũ, anh Ngọc đã mang ra con suối cạnh nhà đổ.
Hỏi: Việc anh Ngọc đổ chất thải từ hoạt động phá dỡ nhà ra suối có vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không?
Việc anh Ngọc đổ chất thải từ hoạt động phá dỡ nhà ra suối là vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vì:
Tại khoản 7 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Chất thải từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phải được tái sử dụng hoặc đổ thải theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường”.
Theo đó, chất thải từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân không được đổ ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
15. TÌNH HUỐNG 15: Bảo vệ môi trường trong hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng
Ông Thành vận chuyển cát từ xã P, huyện X đến bán cho một đơn vị thi công xây dựng tại xã H, huyện T bằng xe bán tải. Vì xe bán tải của ông Thành không phải xe chuyên dụng để chở cát và trong quá trình vận chuyển xe ông Thành không được che chắn, nên cát bị rò rỉ, rơi vãi ra đường.
Hỏi: Việc ông Thành dùng xe không phải xe chuyên dụng để vận chuyển cát và không thực hiện che chắn trong quá trình vận chuyển có đúng quy định của pháp luật không? Vì sao?
Việc ông Thành dùng xe không phải xe chuyên dụng để vận chuyển cát và không thực hiện che chắn trong quá trình vận chuyển, làm cát bị rò rỉ, rơi vãi ra đường là không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, vì:
Khoản 2 và khoản 4 Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải như sau:
“2. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.
4. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường phải được thực hiện bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường”.
Theo đó, việc vận chuyển cát phải bằng xe chuyên dụng, quá trình vận chuyển phải che chắn, không được để rơi vãi, gây ôn nhiễm môi trường.
16. TÌNH HUỐNG 16: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở lưu trú du lịch
Ông Hạnh dự kiến xây dựng, kinh doanh một bãi cắm trại du lịch (một loại hình cơ sở lưu trú du lịch) để phục vụ khách du lịch đến cắm trại. Ông băn khoăn không biết, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ môi trường nên đã đến UBND xã để hỏi.
Hỏi: Cá nhân quản lý, khai thác cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ môi trường?
Khoản 2 Điều 59 và khoản 1 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
…2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau đây:
a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát;
b) Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
c) Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý;
d) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 66. Bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này…”
Theo đó, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở lưu trú có trách nhiệm sau:
(1) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát.
(2) Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
(3) Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý.
(4) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
17. TÌNH HUỐNG 17: Trách nhiệm của cá nhân khi đến khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch
Chị Thủy là giáo viên chủ nhiệm của Lớp 8C, trường THCS A. Sau khi kết thúc năm học, chị dự kiến tổ chức cho học sinh lớp mình đi du lịch. Trước khi đi du lịch, chị Thủy nhắc nhở học sinh của mình là “Khi đến khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch phải thực hiện các nghĩa vụ về việc bảo vệ môi trường”.
Hỏi: Chị Thủy nhắc nhở học sinh như vậy có đúng không? Vì sao?
Chị Thủy nhắc nhở học sinh như vậy là đúng, vì:
Tại khoản 2 Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường quy định cá nhân đến khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch phải thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
“Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường;
b) Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa;
c) Giữ gìn vệ sinh công cộng;
d) Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật”.
18. TÌNH HUỐNG 18: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn X đã tổ chức vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân mình trước khi chuyển giao cho bên thu gom, vận chuyển.
Hỏi: Việc Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn X vận động như vậy có đúng quy định không?
Việc Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn X tổ chức vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân mình trước khi chuyển giao cho bên thu gom, vận chuyển là đúng, vì:
Tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, quy định về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt như sau:
“Điều 75. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
b) Chất thải thực phẩm;
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
3. Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:
a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
b) Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
4. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:
a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
d) Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
5. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”.
Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
19. TÌNH HUỐNG 19: Từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia, đình cá nhân
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, UBND thị trấn T đã yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị trấn T thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân mình trước khi chuyển giao cho bên thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên, hộ gia đình bà Thanh không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình mình trước khi chuyển giao cho bên thu gom, vận chuyển. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã nhiều lần có ý kiến, nhưng hộ gia đình bà Thanh vẫn không thực hiện. Do đó, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình bà Thanh.
Hỏi: Trong trường hợp này, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình bà Thanh là đúng hay sai?
Trong trường hợp này, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình bà Thanh là đúng, vì:
Khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật này”.
Căn cứ quy định nêu trên, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
20. TÌNH HUỐNG 20: Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Trong một cuộc họp thôn, bà Hiền thấy Trưởng thôn vận động các hộ gia đình, cá nhân trong thôn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trước khi chuyển giao cho bên vận chuyển và nói rằng: “Đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý”.
Hỏi: Trưởng thôn nói như vậy có đúng không?
Trưởng thôn nói như vậy là đúng, vì:
Khoản 1, 2 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 79. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:
a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;
b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;
c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác”.
Theo đó, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác./.
Đang Online: 18
Tổng lượng truy cập: