Ngày 08 tháng 7 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 06/2025/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ Sửa đổi, bố sung một số điều của các Nghị định về nuôi con nuôi (sau đây gọi chung là Nghị định 114/2016/NĐ-CP).
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang trân trọng giới thiệu quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi bằng hình thức Hỏi – đáp, như sau:
1.HỎI: Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi được quy định như thế nào ?
ĐÁP:
Khoản 2 Điều 2 Nghị định 114/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi như sau:
Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi bao gồm:
a) Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là lệ phí thu đối với trường hợp công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.
b) Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là lệ phí thu đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi.
c) Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là lệ phí thu đối với trường hợp công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
2. HỎI: Người nộp lệ phí nuôi con nuôi được quy định như thế nào? Mức nộp lệ phí như thế nào?
Điều 3, 6 Nghị định 114/2016/NĐ-CP quy định về người nộp lệ phí và mức thu lệ phí như sau:
1. Công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước khi nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Mức thu lệ phí: 400.000 đồng/trường hợp.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Bộ Tư pháp. Mức thu lệ phí: 9.000.000 đồng/trường hợp.
3. Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Sở Tư pháp. Mức thu lệ phí: 4.500.000 đồng/trường hợp.
4. Người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Mức thu lệ phí: 4.500.000 đồng/trường hợp.
5. Công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi là người Việt Nam tạm trú ở nước ngoài phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: 150 đô la Mỹ/trường hợp. Mức lệ phí này được quy đổi ra đồng tiền của nước sở tại theo tỷ giá bán ra của đồng đô la Mỹ do ngân hàng nơi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đó mở tài Khoản công bố.
6. Tổ chức con nuôi nước ngoài khi được cấp, gia hạn giấy phép hoạt động tại Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định tại khi nộp hồ sơ tại Bộ Tư pháp.
Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài như sau:
- Lệ phí cấp giấy phép lần đầu: 65.000.000 đồng/giấy phép;
- Lệ phí cấp gia hạn giấy phép: 35.000.000 đồng/giấy phép”.
3. HỎI: Các trường hợp miễn, giảm lệ phí đăng ký nuôi con nuôi?
Điều 4 Nghị định 114/2016/NĐ-CP quy định trường hợp miễn, giảm lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, như sau:
1. Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước đối với các trường hợp sau:
a) Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi;
b) Người nhận các trẻ em sau đây làm con nuôi: trẻ em bị sứt môi hở hàm ếch; trẻ em bị mù một hoặc cả hai mắt; trẻ em bị câm, điếc; trẻ em bị khoèo chân, tay; trẻ em không có ngón hoặc bàn chân, tay; trẻ em nhiễm HIV; trẻ em mắc các bệnh về tim; trẻ em không có hậu môn hoặc bộ phận sinh dục; trẻ em mắc các bệnh về máu; trẻ em bị khuyết tật khác hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác cần điều trị khẩn cấp hoặc cả đời;
c) Người có công với cách mạng nhận con nuôi.
2. Giảm lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài đối với các trường hợp sau:
a) Cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài;
b) Nhận hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột làm con nuôi thì từ trẻ em thứ hai trở đi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài;
c) Trường hợp nhận con nuôi thuộc cả hai trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b nêu trên thì người nộp lệ phí được lựa chọn áp dụng mức giảm lệ phí theo quy định tại Điểm a hoặc Điểm b nêu trên.
3. Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp đăng ký lại việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.
4. HỎI: Cơ quan nào có trách nhiệm thu lệ phí?
Điều 5 Nghị định 114/2016/NĐ-CP quy định về cơ quan thu lệ phí, như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước và lệ phí đối với trường hợp người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi.
2. Sở Tư pháp thu lệ phí đối với trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam.
3. Văn phòng Bộ Tư pháp thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, trừ trường hợp trên; lệ phí cấp, gia hạn giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài.
4. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài./.
Đang Online: 13
Tổng lượng truy cập: