Ngày 11/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (viết tắt là Nghị định số 120/2025/NĐ-CP), Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và hết hiệu lực kể từ ngày 01/3/2027 trừ trường hợp Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ đề xuất và được Quốc hội quyết định kéo dài thời gian áp dụng Nghị định này hoặc Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này được thông qua hoặc ban hành kể từ ngày 01/7/2025 và có hiệu lực trước ngày 01/3/2027 thì quy định tương ứng về thẩm quyền đăng ký hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã trong Nghị định này hết hiệu lực tại thời điểm các văn bản quy phạm pháp luật đó có hiệu lực.
Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang trân trọng giới thiệu quy định về thẩm quyền đăng ký hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bằng hình thức Hỏi- đáp, như sau:
1. HỎI: Thẩm quyền đăng ký hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được quy định như thế nào?
ĐÁP:
* Điều 4 Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, như sau:
1. Đăng ký hộ tịch trong các trường hợp:
- Đăng ký khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con; Khai tử cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước
- Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;
- Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gồm: Thay đổi quốc tịch; Xác định cha, mẹ, con; Xác định lại giới tính; Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; Công nhận giám hộ; Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
- Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.
- Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch có yếu tố nước ngoài, gồm: Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con; Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; Khai tử.
- Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc;
- Thực hiện ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp:
- Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam: (a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch; (b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; (c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; (d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam: (a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam; (b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
- Đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài;
- Đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử
3. Khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, xác nhận thông tin hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014.
Như vậy, theo quy định của Nghị định số 120/2025/NĐ-CP thì các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được phân định thẩm quyền thực hiện về Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
* Ngày 23/06/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1833/QĐ-BTP công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp theo đó công bố 39 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm:
1. Đăng ký khai sinh.
2. Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài.
3. Đăng ký lại khai sinh.
4. Đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài.
5. Đăng ký nhận cha, mẹ, con.
6. Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.
7. Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con.
8. Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài.
9. Đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân.
10. Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân.
11. Đăng ký kết hôn.
12. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
13. Đăng ký lại kết hôn.
14. Đăng ký lại kết hôn có yếu tố nước ngoài
15. Đăng ký khai tử.
16. Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài.
17. Đăng ký lại khai tử.
18. Đăng ký lại khai tử có yếu tố nước ngoài.
19. Đăng ký giám hộ.
20. Đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài.
21. Đăng ký chấm dứt giám hộ.
22. Đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài.
23. Đăng ký giám sát việc giám hộ.
24. Đăng ký chấm dứt giám sát việc giám hộ.
25. Thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc.
26. Thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc có yếu tố nước ngoài.
27. Ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
28. Ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
29. Ghi vào sổ hộ tịch việc hộ tịch khác của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (khai sinh; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; khai tử; thay đổi hộ tịch).
30. Đăng ký khai sinh lưu động.
31. Đăng ký kết hôn lưu động.
32. Đăng ký khai tử lưu động.
33. Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới.
34. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới.
35. Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới.
36. Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới.
37. Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
38. Cấp bản sao Trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh.
39. Thủ tục xác nhận thông tin hộ tịch.
2. HỎI: Các việc hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận nhưng chưa giải quyết xong hoặc đã giải quyết xong nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần xử lý, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ được thực hiện như thế nào?
* Điều 24 Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định:
1. Trường hợp hồ sơ đăng ký hộ tịch mà Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận nhưng chưa giải quyết xong hoặc đã giải quyết xong nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần xử lý thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người có yêu cầu tiếp tục giải quyết, xử lý. Trường hợp người yêu cầu đã thay đổi nơi cư trú sang địa bàn cấp tỉnh khác hoặc cư trú ở nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú trước đây có trách nhiệm xử lý.
Trường hợp không xác định được Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản này hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu hoặc phản ánh của người dân. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc theo uỷ quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp xã phù hợp giải quyết, bảo đảm thuận lợi nhất cho người có yêu cầu. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người có yêu cầu nộp hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.
* Tiết 1.1, mục 1 Phần I Văn bản số 2527/BTP-TCCB ngày 08/5/2025 của Bộ Tư pháp về việc xử lý khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Công văn số 1866/BTP-PLHSHC hướng dẫn:
“Đối với các hồ sơ đăng ký hộ tịch mà Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận, giải quyết, nếu đến thời điểm chấm dứt hoạt động vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hiện tại, hoặc nơi cư trú trước đây của người có yêu cầu tiếp tục giải quyết, bảo đảm không gián đoạn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trường hợp không thể xác định được nơi cư trú tại Việt Nam của người có yêu cầu (do đã xuất cảnh hoặc là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài...) thì Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu/hồ sơ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc theo phân cấp/ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã phù hợp giải quyết, bảo đảm thuận lợi nhất cho người có yêu cầu (trừ trường hợp các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mới có nội dung hướng dẫn khác). Khi Ủy ban nhân dân cấp xã được phân công tiếp tục giải quyết hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết trước đó thì Ủy ban nhân dân cấp xã ghi tiếp vào Sổ hộ tịch đang đăng ký theo từng loại việc”./.
Đang Online: 12
Tổng lượng truy cập: