Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự, nhiều vụ việc cần trưng cầu giám định trước khi khởi tố vụ án và kết luận giám định đó được sử dụng làm căn cứ khởi tố, điều tra và giải quyết vụ án, do đó, quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 không đáp ứng yêu cầu này (… chỉ liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự…). Vì vậy, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 theo hướng bổ sung cụm từ “khởi tố” trước cụm từ “điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự…”, cụ thể là: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.
Như vậy, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành./.
Đang Online: 43
Tổng lượng truy cập: