Ngày 07/12/2023, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/12/2023.
Nghị quyết số 55/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, mục tiêu, biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý của chính quyền; vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, phù hợp thống nhất các quy định của pháp luật về nguyên tắc, quy định, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thứ hai, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở phải thường xuyên, liên tục trở thành nền nếp; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức có sử dụng lao động và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy những nhân tố mới, nhân tố tích cực và điển hình tiên tiến ở cơ sở, góp phần thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức.
Thứ ba, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở phải kịp thời, nghiêm túc, phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; gắn thực hiện dân chủ ở cơ sở với công tác cải cách hành chính, với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Mục tiêu thực hiện dân chủ ở cơ sở
- 100% người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ soạn thảo hương ước, quy ước được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.
- 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức thực hiện tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện nghiêm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, thực hiện công khai minh bạch các nội dung phải công khai theo quy định.
- 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức phổ biến, triển khai và tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
- 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; hương ước, quy ước của thôn, xóm, tổ dân phố phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo quy định. Hội đồng nhân dân các cấp ban hành nghị quyết quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả hoạt động tại cơ sở.
3. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
3.1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở
Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; thường xuyên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu, thực tiễn tại cơ sở.
Thực hiện công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở cho người được giao theo dõi, phụ trách; thành viên Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; người làm công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bồi dưỡng cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ soạn thảo hương ước, quy ước về kỹ năng xây dựng hương ước, quy ước.
3.2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật, quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của chính quyền, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phát huy dân chủ ở cơ sở gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; đổi mới, sáng tạo về hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân.
3.3. Trách nhiệm của người đúng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Phải công khai, minh bạch, giải quyết những kiến nghị, phản ánh chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong phạm vi lãnh đạo, quản lý; phải có trách nhiệm tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân bàn, tham gia ý kiến, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung đã được quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ đại diện; mở rộng dân chủ trực tiếp; nêu cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân.
Phải lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại hằng năm đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức và lãnh đạo quản lý.
3.4. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số.
Theo chức năng nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, của ngành, địa phương để phục vụ chuyển đổi số. Từng bước xây dựng, ứng dụng, phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của tỉnh trên các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số để người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, tiện ích thuận lợi, đồng thời tham gia, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước.
3.5. Thi đua, khen thưởng, biểu dương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Tổ chức các cuộc vận động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; làm tốt công tác phát hiện và kịp thời biểu dương, tôn vinh khen thưởng tập thể, cá nhân gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là người lao động trực tiếp, người có uy tín ảnh hưởng trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.
Phát huy dân chủ phải đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu Nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác tích cực tham gia ngăn chặn các tệ nạn xã hội gây mất ổn định an ninh trật tự ở cơ sở; kịp thời phát hiện, phê bình và xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3.6. Bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Hằng năm các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương phải bố trí kinh phí để bảo đảm triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Thực hiện xã hội hóa và vận động các nguồn lực hợp pháp để phục vụ cho công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định./.
Tin: Trương Lan
Đang Online: 77
Tổng lượng truy cập: